Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg
|
Theo nhiều chuyên gia về Trung Quốc, Trung Quốc sẽ để cho tân Tổng thống Mỹ thể hiện hết sự hỗn loạn “rồi mới ra tay”. Một loạt ví dụ đã cho thấy điều này. Trước những tuyên bố như xem xét thay đổi chính sách với Đài Loan, sẵn sàng ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận với đảo nhân tạo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông), hay
lên án chính sách hạ giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, Trung Quốc chỉ phản ứng vừa phải, thậm chí im lặng.
Tới gần đây, theo Les Echos, Bắc Kinh đã thể hiện đang sửa soạn hành động đối phó. Vài tháng trước kỳ Đại hội chuyển giao quyền lực, trong bối cảnh “tăng trưởng chững lại, nợ công tăng vọt, căng thẳng với tân chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quyết định bổ nhiệm một số nhân vật thân cận vào nhiều vị trí chủ chốt của nền kinh tế.
Việc bổ nhiệm nói trên vừa nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến kinh tế với Mỹ trong những tháng trước mắt, vừa là một bước trung gian cho cuộc chiến quyền lực có ý nghĩa quyết định đối với ông Tập Cận Bình. Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan, Trưởng khoa khoa học chính trị, Đại học Baptist Hong Kong (HKBU), nhận định: “Ông Tập Cận Bình muốn củng cố quyền kiểm soát đối với toàn bộ những đòn bẩy của chính sách kinh tế… Tăng trưởng giảm tốc và ông Donald Trump trở thành tổng thống, trong con mắt của ông Tập Cận Bình, đòi hỏi một sự kiểm soát tập trung hóa cao độ”.
Trong số các nhân vật mới được bổ nhiệm, có ba nhân vật đáng chú ý. Ông Hà Lập Phong, 72 tuổi, được bổ nhiệm làm lãnh đạo Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước (NDRC). Ông Hà Lập Phong từng làm việc cùng ông Tập Cận Bình trong những năm 1980, khi ông Tập còn là Phó Thị trưởng thành phố Hạ Môn. Ủy Ban Cải Cách và Phát Triển Nhà Nước phụ trách các chính sách lớn, như kế hoạch kinh tế 5 năm, hay chủ trương “Con đường tơ lụa”. Tiếng nói của ủy ban này rất quan trọng trong bối cảnh “tính bền vững của mô hình tăng trưởng Trung Quốc” đang bị thách thức.
Vị trí Bộ trưởng Thương mại được giao cho một cộng sự lâu năm của ông Tập Cận Bình là ông Chung Sơn, 61 tuổi. Ông Chung Sơn từng có thời gian làm việc với ông Tập Cận Bình khi ông Tập là Bí thư tỉnh Chiết Giang những năm 2000. Tân Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc sẽ phải thương lượng với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh “chủ nghĩa bảo hộ và dân túy dâng lên tại phương Tây” và “thương mại toàn cầu có chiều hướng chững lại”.
Nhân vật quan trọng thứ ba là Quách Thụ Thanh, lãnh đạo Ủy ban Giám sát và Quản lý Ngân hàng Trung Quốc (CBRC), 60 tuổi, người rất có khả năng sẽ trở thành Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Quốc Hội Trung Quốc khai mạc cuối tuần này sẽ xác nhận tỉ lệ tăng trưởng ở mức 6,5%, thấp hơn năm ngoái và thấp nhất kể từ 26 năm qua. Về mặt tài chính, vấn đề nợ công gia tăng với tốc độ nhanh chóng, đặc biệt là nợ của các cấp chính quyền địa phương, là hết sức nan giải với Bắc Kinh. Nhiều định chế quốc tế, như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đang thúc đẩy Trung Quốc phải “hành động kiên quyết”.
Theo chuyên gia kinh tế Eric Florence, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp về Trung Quốc đương đại (CEFCC) tại Hong Kong, ông Tập Cận Bình “đã thiết lập nhiều nhóm làm việc nhỏ, do ông trực tiếp chủ trì, để có khả năng tác động trực tiếp đến các quyết định”.