Trước nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày càng cao, trong những năm gần đây Trung Quốc đã tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dầu khí tại nhiều nơi trên thế giới. Tại Mỹ Latinh, ngoài Vênêxuêla, Braxin cũng được “gã khổng lồ châu Á” coi là một trong những đối tác quan trọng trong lĩnh vực này và mục tiêu của Bắc Kinh trong thời gian tới là tiếp tục mở rộng hoạt động tại quốc gia Nam Mỹ có nhiều tiềm năng dầu khí tại vùng nước sâu này.
Theo hãng tin IPS, trong 3 năm trở lại đây, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn vào Braxin trong lĩnh vực dầu khí với hợp đồng mà các tập đoàn hàng đầu của Trung Quốc như China Petrochemical Corporation (SINOPEC) và Sinochem Corporation đã ký với đối tác Braxin. Khoảng 15 tỷ USD đã được các tập đoàn của Trung Quốc đầu tư để mua lại cổ phần của các công ty đang hoạt động tại Braxin trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu ở vùng nước sâu ngoài khơi Braxin, nơi tập trung phần lớn trữ lượng dầu của nước này. Giám đốc Trung tâm Cơ sở Hạ tầng Braxin (CBIE) Adriano Pires cho rằng, đây là một chiến lược của Trung Quốc, như họ đang làm tại Vênêxuêla, Áchentina và nhiều nơi khác trên thế giới, để có thể làm chủ trữ lượng dầu mỏ và qua đó bảo đảm nhu cầu tiêu thụ phục vụ phát triển đất nước. Theo Cơ quan Xúc tiến Xuất khẩu Braxin, Trung Quốc đang có ý định tăng thêm khoảng 60% lượng dự trữ dầu mỏ chiến lược cho dù nó nằm ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Tại Braxin, sau một thời gian dài thăm dò, các tập đoàn của Trung Quốc bắt đầu chính thức đổ tiền vào lĩnh vực dầu khí từ năm 2010 với việc Sinochem mua lại 40% cổ phần của Công ty Statoil của Na Uy với trị giá khoảng 3,1 tỷ USD. Cũng trong năm đó, SINOPEC đã đầu tư 7,1 tỷ USD để sở hữu 40% cổ phần của chi nhánh Braxin thuộc Tập đoàn Repsol. Đến tháng 3/2011, tập đoàn này lại bỏ ra 4,8 tỷ USD để mua 30% cổ phần của Công ty Petrogal (Braxin). Ngoài ra, Trung Quốc cũng có các hợp đồng liên kết với Công ty dầu khí nhà nước PETROBRAS để khai thác một số lô dầu mỏ ở các bang Para và Maranhao, cũng như với Công ty liên doanh PEREZCO của Anh và Pháp để khai thác tại vùng Espiritu Santos. Ông Pires cho biết, các tập đoàn của Trung Quốc cũng quan tâm tới việc mua lại cổ phần của Công ty dầu khí OGX thuộc sở hữu của tỷ phú Braxin Eike Batista.
Phát biểu với báo chí Braxin mới đây, Giám đốc Cơ quan Phát triển Kinh tế Trung Quốc - Braxin, Tang Wei khẳng định Braxin là một nguồn quan trọng để khai thác loại tài nguyên chiến lược này, qua đó bảo đảm cho Trung Quốc có được sự phát triển bền vững trong tương lai. Giám đốc CBIE Pires cho rằng với việc tiêu thụ khoảng 13 triệu thùng dầu/ngày, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ, Trung Quốc cần tới những nguồn dự trữ khổng lồ để có thể bảo đảm tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Cùng với việc mở rộng đầu tư vào lĩnh vực dầu khí ở Braxin, Trung Quốc cũng tiếp tục tăng cường nhập khẩu dầu từ quốc gia Nam Mỹ này. Theo thống kê của CBIE, Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai của Braxin với mức 50,6 triệu thùng trong năm 2011 và nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Braxin.
Tuy nhiên, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở đó. Hiện nay, Bắc Kinh đang nhằm tới các mỏ dầu khổng lồ mà Braxin mới phát hiện ở Đại Tây Dương. Phía Braxin thông báo ở khu vực này có thể có trữ lượng dầu lên tới 55 tỷ thùng và nếu số lượng trên được kiểm chứng thì sẽ đưa Braxin vào nhóm các nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Trên thực tế, theo Giám đốc CBIE Pires, các tập đoàn dầu khí của Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong việc vận hành các giàn khoan tại vùng nước sâu và đây chính là lý do mà họ liên kết với PETROBRAS hay REPSOL, những công ty có rất nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác dầu từ vùng nước sâu. Một trong những sự kiện chứng minh cho luận điểm trên là việc Trung Quốc đã ký với chính phủ Braxin thỏa thuận cho PETROBRAS vay một khoản tín dụng trị giá 10 tỷ USD hồi năm 2009 và đổi lại Tập đoàn Braxin này phải bảo đảm bán cho tập đoàn SINOPEC của Trung Quốc khoảng 150.000 đến 200.000 thùng dầu thô/ngày với giá thị trường.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng liên kết với các công ty của Braxin để tham gia các lĩnh vực lọc dầu, sản xuất và phân phối các thiết bị kỹ thuật phục vụ thăm dò và khai thác dầu.
Trước sự “bành trướng” ngày càng mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực dầu khí, nhiều chuyên gia của Braxin lo ngại rằng nguồn tài nguyên quan trọng này có thể sẽ dần cạn kiệt và gây khó khăn cho Braxin trong tương lai cho dù lợi nhuận trước mắt là cực kỳ lớn.
Chủ tịch Liên đoàn các kỹ sư của PETROBRAS, Silvio Sinedino, nhận định nhu cầu ngày càng lớn của Trung Quốc và sự tham gia mạnh mẽ của họ vào thị trường Braxin có thể khiến cho nguồn tài nguyên hóa thạch này cạn kiệt trong vòng 15 đến 20 năm nữa, trong khi nếu khai thác một cách có kiểm soát, trữ lượng hiện nay có thể kéo dài khoảng 30 năm hoặc hơn nữa. Theo ông Sinedino, Braxin không cần phải trở thành một nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới mà trước mắt cần phải đảm bảo được nhu cầu tiêu thụ trong nước, cũng như giữ được nguồn dầu khí cho tương lai.
Hoài Nam (P/v TTXVN tại Cuba)