Trung Quốc thay đổi cách mô tả bạo lực Tân Cương

Ngày 28/7 vừa qua, thành phố Kashgar thuộc Khu Tự trị Tân Cương của Trung Quốc lại một lần nữa chìm trong bầu không khí bạo loạn đẫm máu khi các phần tử bị chính quyền Trung Quốc gọi là “những kẻ khủng bố” gây ra một vụ tấn công kinh hoàng. Nhà chức trách Trung Quốc Đại lục công bố số người chết trong vụ tấn công này là gần 100 (37 dân thường và 59 "tên khủng bố") và một tổ chức trong nước đang câu kết với một cơ quan nước ngoài. Báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" (Hong Kong) bản tiếng Anh số ra ngày 4/8 dẫn lời các chuyên gia phân tích cho rằng so với những vụ khủng bố ở Tân Cương trước đây, trong vụ việc lần này nhà chức trách Trung Quốc đã có sự thay đổi đáng chú ý trong cách sử dụng từ ngữ.


Theo thông tin từ một cuộc họp do Bí thư Khu ủy Tân Cương Trương Xuân Hiền chủ trì hôm 2/8 vừa qua, cảnh sát đã bắn chết 59 kẻ tấn công và bắt giữ 215 nghi can. Cảnh sát cũng thu giữ những lá cờ thánh chiến Hồi giáo, nhiều dao và rìu. Bên cạnh đó, trong vụ bạo lực này còn có 37 dân thường thiệt mạng, gồm 2 người dân tộc Hán cùng 2 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và 13 người bị thương. Hơn 30 phương tiện đã bị đập vỡ hoặc bị đốt cháy.


Hiện trường vụ nổ ở Tân Cương ngày 22/5. Ảnh: THX


Vụ tấn công hôm 28/7 đã nhanh chóng được tiếp nối bởi vụ ám sát một thủ lĩnh Hồi giáo ủng hộ Bắc Kinh tại Thánh đường Id Kah ở thành phố Kashgar vào ngày 30/7. Tân Hoa Xã nói rằng Nuramat Sawut - kẻ đứng sau vụ tấn công khủng bố đó - đã câu kết với tổ chức Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan và đã bắt đầu việc tuyển mộ thành viên vào năm 2013. Hắn ta đã chuẩn bị cho vụ tấn công này trong thời gian diễn ra tháng lễ Ramadan, tháng ăn chay theo truyền thống của người Hồi giáo.


Theo báo này, mặc dù Tân Hoa Xã nói rằng vụ tấn công hôm 28/7 đã được một nhóm do Nuramat Sawut "đạo diễn" lên kế hoạch từ trước, nhưng hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc cũng nhấn mạnh là “các tổ chức khủng bố trong nước và nước ngoài đã câu kết” với nhau để âm mưu gây ra vụ tấn công. Đây là một sự thay đổi so với việc sử dụng từ ngữ thông thường của Tân Hoa Xã trong những vụ việc tương tự ở Tân Cương.


Trong vụ tấn công bằng bom tại nhà ga đường sắt ở phía Nam thành phố Urumqi hồi cuối tháng 4 vừa qua - vụ việc làm 3 người thiệt mạng và 79 người bị thương - Tân Hoa Xã đã mô tả những kẻ tấn công là “các băng nhóm bạo lực và khủng bố”. Đáng chú ý là Tân Hoa Xã không nói rõ liệu “băng nhóm” Nuramat Sawut có phải là một phần của “tổ chức khủng bố trong nước” hay không.


Cảnh sát Trung Quốc tuần tra tại Tân Cương ngày 23/5. Ảnh: Kyodo.


Lý Vĩ - chuyên gia chống chủ nghĩa khủng bố ở Bắc Kinh - đã bày tỏ tin tưởng rằng vẫn chưa có tổ chức khủng bố “trưởng thành” nào ở Trung Quốc. Chuyên gia này nhấn mạnh: "Hầu hết các vụ đều được tiến hành bởi các nhóm bạo lực, chứ không phải các tổ chức khủng bố theo ý nghĩa truyền thống”. Tuy nhiên, chuyên gia Lý Vĩ nói rằng có thể có một tổ chức khủng bố đứng đằng sau nhóm của Nuramat Sawut, do vụ bạo lực mà nhóm này gây ra có quy mô lớn.


Trong khi đó, ông Phan Chí Bình - chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Tân Cương - lại nói rằng nhiều khả năng nhóm của Nuramat Sawut được một tổ chức khủng bố trong nước ủng hộ. Ông Phan Chí Bình nhấn mạnh: “Thực ra là nhà chức trách vẫn chưa phát hiện ra tổ chức này. Đó là lý do tại sao họ duy trì việc sử dụng những từ ngữ ở mức độ ôn hòa như 'các nhóm bạo lực'”.


Tháng 6 vừa qua, ông Lý Kiện Hòa - Hiệu phó trường Đại học Công an Nhân dân Trung Quốc, một học viện cảnh sát hàng đầu của nước này - đã nói rằng Trung Quốc vẫn chưa có tổ chức khủng bố “trưởng thành” nào, nhưng sẽ có một ngày như vậy.


TTK


Khủng bố bằng rìu ở Tân Cương, 37 người thiệt mạng
Khủng bố bằng rìu ở Tân Cương, 37 người thiệt mạng

37 dân thường thiệt mạng và 13 người khác bị thương trong vụ tấn công khủng bố xảy ra hôm 28/7 ở huyện Toa Xa (Shache), địa khu Kashgar, phía Tây Bắc Khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN