Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Tokyo từ hôm 25/5, chiến lược nhằm đảm bảo chuyến công du kéo dài 4 ngày diễn ra thành công của Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo sẽ là nhấn mạnh vào quan hệ cá nhân và song phương, tránh những điểm khác biệt trong vấn đề thương mại và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), đàm phán thương mại song phương và vấn đề Triều Tiên sẽ có trong chương trình nghị sự giữa hai bên, song giới chức bác bỏ khả năng có một tuyên bố chung sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo. Báo Nhật Bản Japan Times dẫn nguồn tin chính phủ cho biết thay vì ra tuyên bố chung, lãnh đạo hai nước sẽ tổ chức một buổi họp báo để thể hiện “mối quan hệ tin tưởng vững mạnh”.
Nguồn tin cho biết thêm chiến lược của Tokyo là tránh gây khiêu khích đối với Tổng thống Trump, mà thay vào đó thể hiện bản thân như một đối tác thương mại thân thiện nhất của Washington.
Shujiro Urata, một chuyên gia thương mại đồng thời là Giáo sư tại Đại học Tokyo, nhận định chiến lược của Nhật Bản là hướng tới các cuộc đàm phán trong tâm trạng thoải mái, trái ngược với tình hình trả đũa bằng thuế quan khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc như hiện nay.
Theo vị chuyên gia trên, trong bối cảnh Tổng thống Trump chỉ trích Trung Quốc “phá vỡ thỏa thuận” và gọi Liên minh châu Âu còn “tồi tệ hơn Trung Quốc”, một thỏa thuận thương mại với Nhật Bản có thể nhanh chóng được ký kết và các cuộc đàm phán đang diễn ra “một cách êm đẹp”.
Một trong những khúc mắc lớn hiện giờ trong thương mại hai nước cũng là thuế quan. Các bộ trưởng thương mại của Mỹ và Nhật Bản vẫn chưa tìm thấy điểm chung trong vấn đề cắt giảm thuế. Đầu tuần này, Tokyo cho biết họ sẽ cắt giảm thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp Mỹ chỉ khi Washington dỡ bỏ thuế đối với hàng công nghiệp, bao gồm ô tô Nhật Bản.
Tổng thống Trump tuần trước tuyên bố ô tô nhập khẩu là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ nhưng trì hoãn áp thuế đối với hàng nhập khẩu ô tô của Nhật Bản và EU trong sáu tháng.
Về vấn đề Triều Tiên, Thủ tướng Abe kỳ vọng bày tỏ rõ mối quan tâm trước các vụ phóng tên lửa tầm ngắn gần đây của Bình Nhưỡng và thảo luận làm thế nào để ông có thể tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh song phương với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước khi Tổng thống Trump đến Tokyo, Thủ tướng Abe ngày 24/5 đã có cuộc trao đổi với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Cả hai đều nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên.
Stephen Nagy, Phó Giáo sư chuyên quan hệ quốc tế tại Đại học International Christian Tokyo, cho biết Thủ tướng Abe thừa khả năng khéo léo khi đối mặt với Tổng thống Trump bằng cách đề cao tình bạn cá nhân.
“Thủ tướng Abe rất nhanh khi nhận ra làm việc với Tổng thống Trump không thể áp dụng mối quan hệ đối đầu, từ những bài học với lãnh đạo Australia, Canada, Đức… Ông Abe biết rõ phải củng cố quan hệ với Mỹ về mặt an ninh, và muốn làm việc đó thì phải mua một vài hệ thống vũ khí Mỹ hay xây dựng các nhà máy tại những khu vực ủng hộ ông Trump. Thủ tướng Abe biết nhà lãnh đạo Mỹ thích cái gì để có mối quan hệ bền chặt và mối quan hệ Mỹ-Nhật hiện giờ chắc chắn là mạnh hơn 2 năm trước”, chuyên gia Nagy dự đoán.
Theo nhà phân tích, Bắc Kinh sẽ âm thầm theo dõi sát sao chuyến thăm lần này tới Tokyo của Tổng thống Trump. “Trung Quốc đang cảm thấy rất nhiều sức ép, từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, hoạt động tăng cường tự do hàng hải trên Biển Đông và động thái của Mỹ cử hai tàu chiến qua Eo biển Đài Loan chỉ vài ngày trước. Bắc Kinh sẽ coi việc Mỹ tăng cường liên minh với Nhật Bản là điều mối lo ngại”.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc – xuống cấp vì các tranh chấp liên quan đến hậu quả thời chiến và lãnh thổ - được cho là có phần “tan băng” trong năm ngoái. Tuần trước, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại CPC Dương Khiết Trì đã có chuyến công du tới Tokyo và gặp Thủ tướng Abe.
Hai bên nhất trí thúc đẩy sự chuẩn bị cho chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức tại Osaka vào tháng tới.
Da Zhigang - Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Bắc Á tại Học viện Khoa học Xã hội tỉnh Hắc Long Giang – kết luận: “Làm cách nào để thành công duy trì sự cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington là một bài kiểm tra chiến lược và trí tuệ chính trị cho Tokyo”.