Theo mạng tin "Project syndicate", các nhà kinh tế đang ngày càng mâu thuẫn về tương lai kinh tế của Trung Quốc.
Những người lạc quan nhấn mạnh tới khả năng học hỏi và tích tụ vốn con người nhanh chóng của Trung Quốc, trong khi số bi quan lại tập trung vào sự suy giảm ưu thế nhân khẩu học nhanh chóng, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao, sự suy giảm các thị trường xuất khẩu và dư thừa năng suất công nghiệp. Tuy nhiên, cả hai nhóm đều quên một yếu tố cơ bản hơn cả triển vọng kinh tế Trung Quốc: Đó là trật tự quốc tế.
Đồng NDT đang tìm cơ hội trở thành đồng tiền dự trữ toàn cầu. |
Câu hỏi được đặt ra là liệu Trung Quốc có thể duy trì mức tăng trưởng GDP cao trong khuôn khổ trật tự toàn cầu hiện nay, trong đó có các quy định thương mại, hoặc liệu việc thay đổi trật tự do Mỹ chi phối có hỗ trợ cho xu hướng tiếp tục trỗi dậy về kinh tế của Trung Quốc hay không? Tuy nhiên, câu trả lời vẫn chưa rõ ràng. Trung Quốc đang tìm cách đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) vào rổ các đồng tiền để quyết định giá trị tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tức Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hiện nay, SDR bao gồm đồng euro, đồng yên Nhật Bản, đồng bảng Anh và USD.
Vấn đề SDR đã thu hút được sự chú ý khi Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde, phát biểu tại Thượng Hải hồi tháng 4 vừa qua rằng việc đồng NDT được đưa vào rổ này chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi nhận được câu hỏi tương tự, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã trả lời mập mờ khi nói rằng việc đưa đồng NDT vào SDR là một bước tích cực, nhưng chỉ có thể được thực hiện nếu Trung Quốc đạt được thêm những tiến bộ trong cải cách ngành tài chính và biến đổi mô hình tăng trưởng. IMF dự kiến bỏ phiếu về việc đưa đồng NDT vào SDR trong tháng 10 tới, khi họ xem xét thành phần của SDR 5 năm một lần. Nhưng đến lúc đó, dù có đa số phiếu ủng hộ việc bổ sung đồng NDT vào rổ SDR, Mỹ vẫn có thể sử dụng quyền phủ quyết.
Việc sử dụng hạn chế SDR có nghĩa là việc bổ sung đồng NDT chủ yếu là một động thái có tính biểu tượng, nhưng đó là một biểu tượng mạnh, như một kiểu xác nhận việc sử dụng toàn cầu đồng NDT. Một kết quả như vậy sẽ không chỉ thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng NDT, mà còn là thước đo khoảng không dành cho Trung Quốc trong trật tự kinh tế toàn cầu hiện nay. Cho đến nay, khoảng không này là không lớn. Trong một cuốn sách năm 2011, nhà kinh tế Arvind Subramanian dự đoán đồng NDT sẽ trở thành một đồng tiền dự trữ toàn cầu vào cuối thập kỷ này hoặc đầu thập kỷ sau. Ngày nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới (dựa trên tỷ suất sức mua), và là thành viên lớn nhất trong thương mại quốc tế. Bắc Kinh đang tích cực thúc đẩy việc quốc tế hóa đồng NDT, như thông qua việc nới lỏng các quy định hối đoái.
Rõ ràng là Trung Quốc đang đương đầu với những thách thức lớn trong hệ thống toàn cầu hiện có và họ nỗ lực tìm một vai trò làm lợi cho sức mạnh kinh tế của mình. Điều đó cùng với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" và việc thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có thể giải thích lý do chính phủ Trung Quốc đang tìm cách lập lại trật tự thế giới, nhất là trong các hệ thống tiền tệ và thương mại.
Chắc chắn Trung Quốc vẫn cần tiến hành những cải cách trong nước quan trọng, nhất là trong ngành tài chính, để xóa bỏ những bóp méo trong phân phối nguồn lực và ngăn chặn suy giảm kinh tế. Nhưng việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ chối theo đuổi việc phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu, cho dù phải đối mặt với tăng trưởng giảm sút, cho thấy Bắc Kinh chấp nhận sự hy sinh cần thiết để giành được vai trò quốc tế của đồng NDT, cùng với tăng trưởng và phồn vinh kinh tế lâu dài.