Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ thực ra là Đức. |
Nếu được hỏi người dân Mỹ rằng đối thủ cạnh tranh lớn nhất của họ là ai, nhiều người sẽ trả lời là Trung Quốc. Trong cuộc khảo sát năm 2012, hai phần ba người dân Mỹ trả lời họ coi Trung Quốc như là một đối thủ cạnh tranh với Mỹ, hơn là một đối tác hay là kẻ thù.
Quá rõ ràng tại sao người Mỹ lại nghĩ như vậy, khi bật TV, không khó để tìm được một chính trị gia hay một chuyên gia nói về thất bại của Mỹ trong việc giải quyết những thách thức từ phía Trung Quốc - ứng viên tranh cử Tổng thống Donald Trump là một ví dụ điển hình.
Song liệu Trung Quốc có thực sự là một đối thủ cạnh tranh như tỷ phú Donald Trump và những người khác nói hay không? Một bản báo cáo toàn diện của tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới về sức cạnh tranh của 140 quốc gia và vùng lãnh thổ cho thấy rằng những nhận xét trên khác xa với sự thật. Hơn thế, những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ thực ra là những quốc gia mà người Mỹ ít lo ngại nhất.
Bản báo cáo đánh giá sức cạnh tranh dựa trên năng lực của các thể chế nhà nước, các chính sách và những nhân tố quyết định sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế – về cơ bản là các nguyên liệu thô cần thiết để đảm bảo một quốc gia có thể phát triển và cải thiện đời sống của người dân, hệ thống trường học và bệnh viện, hệ thống ngân hàng và những nhân tố hỗ trợ đổi mới.
Theo những cơ sở đánh giá trên, nền kinh tế Mỹ có vẻ rất khả quan. Bản báo cáo xếp hạng Mỹ đứng thứ ba toàn cầu về sức cạnh tranh, sau Thụy Sỹ và Singapore. Kế tiếp là Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Phần Lan, Thụy Điển, Anh và Canada. Trung Quốc chỉ đứng thứ 28 trong danh sách này, sau Qatar, Saudi Arabia, Malaysia và nhiều nước khác.
Vậy quốc gia nào thực sự là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ? Theo bản báo cáo, ứng cử viên lớn nhất có thể là Đức, quốc gia đã leo lên một bậc so với năm trước lên đứng thứ tư. Đức có nhiều ngành kinh doanh phát triển và mới mẻ cùng với lực lượng lao động được đào tạo kỹ lưỡng và có tay nghề cao, thực sự có thể cạnh tranh với các công ty và nhân công của Mỹ.
Nhiều người có thể thấy ngạc nhiên khi Mỹ được xếp hạng tốt như thế nào trong bản báo cáo này. Mặc dù ông Donald Trump hô hào “Hãy khôi phục sự vĩ đại của nước Mỹ” (ám chỉ kinh tế Mỹ yếu kém so với trước đây), song tình hình kinh tế quốc gia này vẫn đang khá khả quan, ít nhất là khi so với nhiều nước khác trên thế giới.
Trên thực tế, Mỹ đã leo từ vị trí thứ bảy hồi năm 2012 lên vị trí thứ ba trong năm nay. Điều này một phần là do mọi thứ dường như khó thay đổi ở nhiều nơi khác trên thế giới, nơi các điều kiện đã dẫn tới một “ chuẩn mực mới” thấp hơn về tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng sản xuất trong khi lại cho phép có tỉ lệ thất nghiệp cao hơn. Bản báo cáo xếp hạng Mỹ khá cao chủ yếu là do thành tích của nước này trong cải cách (xếp thứ tư) và sự phát triển của ngành thương mại (xếp thứ tư), cũng như của thị trường tài chính (xếp thứ năm) và quy mô thị trường (xếp thứ hai). Mỹ cũng rất mạnh về hệ thống trường đại học và mối liên kết giữa các trường này với các công ty (xếp thứ hai), “vốn con người” – gồm các nhà khoa học và kỹ sư (xếp thứ tư), chi tiêu cho nghiên cứu và đầu tư của các công ty (xếp thứ ba), và thị trường lao động linh hoạt cho phép người lao động đổi việc và các công ty đổi lĩnh vực hoạt động theo ý muốn (xếp thứ tư).
Song, theo như bản báo cáo, có nhiều lĩnh vực mà Mỹ không thực sự có thế mạnh. Mỹ được xếp hạng khá thấp về cơ sở hạ tầng (xếp thứ 11), năng lực của thể chế nhà nước (xếp thứ 28) và môi trường kinh tế vĩ mô (xếp thứ 96). Mỹ cũng không mạnh như mọi người vẫn nghĩ về chất lượng hệ thống giáo dục (xếp thứ 18), toán học và khoa học (xếp thứ 44) và phụ thuộc quá mức vào nhập khẩu và khả năng xuất khẩu yếu kém (cả hai đều xếp thứ 136).
Thị trường bất động sản trì trệ, thị trường chứng khoán sụp đổ cùng với đó là các khoản nợ ngày càng tăng, tất cả những điều trên làm dấy lên nghi ngờ về tương lai của Trung Quốc. Song bản báo cáo khẳng định rằng nền kinh tế của quốc gia này sẽ không hướng đến một sự sụp đổ bất ngờ. Trung Quốc đang được hưởng lợi từ những nền tảng kinh tế vững chắc, bao gồm hệ thống y tế công hiệu quả, cơ sở hạ tầng tốt và môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Song quốc gia này vẫn cần phải nỗ lực nhiều hơn để có thể tìm được nguồn lực tăng trưởng mới trong công cuộc đổi mới và tăng tiêu dùng nội địa.
Bản báo cáo chia 140 quốc gia thành 5 nhóm dựa trên giai đoạn tăng trưởng, trong đó có các quốc gia nghèo nhất, như Bangladesh và Ethiopia, nơi tăng trưởng phụ thuộc lớn vào đất đai và nguồn lao động, các quốc gia dựa vào gia công để tăng trưởng như Trung Quốc và các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Thụy Sỹ, nơi đổi mới là động lực tăng trưởng chính.
Bản báo cáo đặt Trung Quốc vào nhóm thứ ba và Mỹ trong nhóm thứ năm – một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đối thủ cạnh tranh thực sự của Mỹ chính là các đồng minh thương mại châu Âu chứ không phải các nước gia công giá rẻ tại châu Á và khu vực Mỹ Latinh.