Đề nghị này xuất hiện sau khi hạm đội Trung Quốc bắt đầu lên đường tới căn cứ ở nước ngoài đầu tiên ở vùng Sừng châu Phi.
Hãng tin AP (Mỹ) đưa tin ngày 24/7, ông Kuang Weilin – Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Phi (AU) đã gợi ý khả năng Bắc Kinh sẽ xem xét việc đưa binh sĩ tới biên giới Djibouti - Eritrea. Ông nêu rõ Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò hòa giải nếu cần thiết.
Một góc lãnh thổ Djibouti nhìn từ trên không. |
Ông Yevseyev cho rằng Trung Quốc có vai trò ngày càng mạnh với tư cách là một nhà hoạt động chính trị lớn tại châu Phi và Trung Quốc có khả năng gây thêm rắc rối cho Mỹ. Việc Bắc Kinh đang nổi lên sẽ khiến Washington cảm thấy bị đe dọa.
Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi khả năng Trung Quốc sẽ hoàn toàn đảm nhiệm sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Đông Phi như thế nào cho dù từng có kinh nghiệm tham gia một số sứ mệnh hòa bình của Liên hợp quốc.
“Trung Quốc đang cố chứng tỏ bản thân là một nhà chính trị có thể giải quyết các xung đột vũ trang. Tuy nhiên, không rõ Trung Quốc sẽ đương đầu với nhiệm vụ này được bao nhiêu bởi vì Trung Quốc không có nhiều kinh nghiệm trong các hoạt động như vậy”, chuyên gia Yevseyv nói.
Bên cạnh đó, ông cho rằng việc dàn xếp các xung đột vũ trang cần thiết phải có trang thiết bị đặc biệt của lực lượng vũ trang, những đơn vị có vũ khí và đạn dược hạng nhẹ đặc biệt.
Ngoài ra, binh sĩ cần phải có kỹ năng để giao tiếp với người dân địa phương và được đào tạo kỹ lưỡng cho các chiến dịch bảo vệ hòa bình.
“Tôi không chắc chắn rằng Trung Quốc có khả năng đương đầu hoàn toàn với nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng cho một chiến dịch gìn giữ hòa bình cho thấy dấu hiệu rằng Trung Quốc đang dần trở thành một trung tâm quyền lực chính trị”, chuyên gia Yevseyev nhận định.
Theo chuyên gia này, sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc là một mối lo ngại đối với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Bất chấp điều này, lời đề nghị giữ vai trò hòa giải của Trung Quốc cũng có thể nhìn nhận là một động thái ngoại giao tích cực.
Một chuyên gia tại Học viện Ngoại giao Trung Quốc, ông Ren Yuanzhe lại lưu ý rằng hòa giải đã trở thành một xu hướng ngoại giao của Trung Quốc trong những xung đột quốc tế.
Theo ông Ren, xu hướng phát triển của ngoại giao Trung Quốc trong những năm gần đây được đánh dấu bằng hoạt động, sáng kiến và sự tức giận. Nó luôn thể hiện một ví dụ cho thuật ngoại giao của một cường quốc. Điều này được áp dụng tương đương với cách tiếp cận của Trung Quốc trong cuộc xung đột quốc tế ở Trung Đông và Nam Á. Ông Ren nói thêm rằng sức mạnh ảnh hưởng của Bắc Kinh đang dần mở rộng từ châu Á tới toàn thế giới.
Xung đột giữa hai nước láng giềng Djibouti và Eritrea nổ ra từ những năm 1990. Năm 2000, Qatar đã đưa lính gìn giữ hòa bình tới khu vực xảy ra tranh chấp lãnh thổ nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn.
“Trước bối cảnh như vậy, là một cường quốc có trách nhiệm, Trung Quốc đã tuyên bố lập trường của mình bởi vì châu Phi giữ một vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao Trung Quốc. Với việc thực hiện dự án ‘Vành đai và Con đường’ chúng tôi muốn đem sự phát triển và thịnh vượng tới vùng châu Phi”, ông Ren cho biết.
Ông cho rằng nếu Trung Quốc không đóng vai trò hòa giải thì vị trí này cũng sẽ được các nước phương Tây đảm nhiệm.