Theo ông John Feffe, Giám đốc Dự án Tiêu điểm Chính sách Đối ngoại của Viện Nghiên cứu Chính sách (Mỹ), 7/2016 không phải là một tháng tốt đối với Trung Quốc. Hôm 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết có lợi cho Philippines liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông. Một vài ngày trước đó, Seoul đã quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc, một động thái mà Bắc Kinh đã liên tục phản đối.
Và tiếp đó là vấn đề kinh tế. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán vào mùa Hè năm ngoái tại Trung Quốc làm dấy lên đồn đoán rằng nước này sẽ trải qua một cuộc suy thoái trong năm 2016. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Trong Quý II năm nay, nền kinh tế Trung Quốc có mức tăng trưởng 6,7%, dù sụt giảm so với thời kỳ tăng trưởng hai con số trong những năm 2000. nhưng vẫn rất đáng nể.
Chủ tịch Tập Cận Bình bắt tay các cán bộ trong lực lượng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PCA). |
Tuy nhiên, con số này có thể là không chính xác. Bắc Kinh đã đầu tư rất nhiều vào nền kinh tế để giữ mức tăng trưởng ổn định. Năm 2011, đầu tư khu vực tư nhân đã tăng khoảng 40%. Trong nửa đầu năm 2016, con số này chỉ đạt 2,8%.
Để tạo bước đột phá, nhà nước Trung Quốc đã đổ tiền vào phát triển cơ sở hạ tầng. Một chiến lược hỗ trợ như vậy là hợp lý, nhưng Trung Quốc cũng sẽ có khả năng tăng chi tiêu quân sự của mình sau quyết định về THAAD và phán quyết của Tòa Trọng tài. Chi tiêu lớn về “súng và bơ” (hay còn gọi là chính sách kinh tế “vừa đánh vừa xoa”) là không bền vững trong dài hạn.
Không điều gì trong số trên là tin tốt đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trung Quốc từ lâu đã hy vọng kiểm soát nhiều nhất có thể các vùng ở Biển Đông thông qua chính sách "đường 9 đoạn”, trong đó có việc cải tạo các bãi đá thành đảo và những thách thức mang tính gây hấn đối với những quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác trong khu vực. Philippines đã khởi kiện chống lại Trung Quốc theo các điều khoản của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Tòa Trọng tài đã phán quyết bác bỏ yêu sách mơ hồ của Trung Quốc ở Biển Đông và tuyên bố rằng những bãi đá bị cải tạo không đủ điều kiện là đảo.
Phán quyết của Tòa Trọng tài đã tạo ra sự phản ứng dữ dội mang tính dân tộc chủ nghĩa ở Trung Quốc và được nhà nước khuyến khích. Nhưng sự phản ứng rùm beng trong ngắn hạn này không thể che khuất những bất ổn ngày càng tăng trong giới chính trị. Nhiều người trong Đảng không hài lòng với chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình. Và các nhà cải cách đã đề phòng khi nhà nước đóng cửa cơ quan truyền thông của họ, trong đó gần đây nhất có tạp chí hàng tháng Yanhuang Chunqiu.
Trong ngắn hạn, ông Tập Cận Bình có thể dựa vào sự giận dữ mang tính dân tộc chủ nghĩa nhằm vào phán quyết của Tòa Trọng tài. Ông có thể miêu tả Trung Quốc như là nạn nhân của một chiến lược ngăn chặn do Mỹ sắp đặt với sự giúp đỡ của Hàn Quốc thông qua các phương tiện như THAAD.
Nhưng cuối cùng nhà lãnh đạo Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề kinh tế. Và điều này có nghĩa là phải biến sáng kiến “Con đường Tơ lụa” của mình thành hiện thực.
Thông qua một loạt sáng kiến Con đường Tơ lụa, Bắc Kinh đã kết nối sự thịnh vượng của người dân trong nước với sự tiến bộ kinh tế của các nước láng giềng. Tầm nhìn này là một bước tiến từ cách tiếp cận viện trợ và thương mại trước đó. Sáng kiến Vành đai Con đường Tơ lụa, với sự đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực giao thông tốc độ cao và giao lưu văn hóa, cung cấp một kịch bản kiểu Kế hoạch Marshall cho các nước vốn vẫn chưa hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, chẳng hạn như các quốc gia Trung Á. Các tuyến đường cao tốc mới cũng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu từ 36 xuống còn 26 ngày.
Nhưng Sáng kiến Con đường Tơ lụa cũng có một ý nghĩa sâu sắc đối với Hàn Quốc. So với 10 năm trước đây, theo một báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện nay có tác động đối với nền kinh tế Hàn Quốc lớn hơn gấp 3 lần so với sự tác động trong tăng trưởng kinh tế của Mỹ hay Nhật Bản. Điều này một phần là do thương mại giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc là đối tác lớn thứ hai của Trung Quốc. Do vậy, quyết định triển khai THAAD đến nay không có tác động lớn đến vấn đề thương mại.
Nhưng tranh chấp ở Biển Đông đã dội một gáo nước lạnh vào Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc. Thỏa thuận với Philippines bị trì hoãn. Thương mại với khu vực Đông Nam Á đã giảm, và Nhật Bản đã thay thế Trung Quốc là nhà cung cấp quỹ phát triển cơ sở hạ tầng hàng đầu ở các nước ASEAN. Hiện cả Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đang đối mặt với một quyết định quan trọng.
Ông Tập Cận Bình phải quyết định liệu những nỗ lực của ông nhằm bảo đảm vị thế "cường quốc" cho Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh là xứng đáng để hy sinh tăng trưởng kinh tế khu vực – điều cuối cùng sẽ cung cấp nền tảng cho sự thịnh vượng bền vững cho chính Trung Quốc – hay không. Nếu ông Tập Cận Bình không thể ổn định nền kinh tế Trung Quốc và đảm bảo tăng trưởng cao, ông sẽ phải đối mặt với sự bất đồng gia tăng trong nội bộ Đảng.
Trong khi đó, Trung Quốc phải lựa chọn giữa thế kỷ 19 và 21. Nước này có thể trở lại với sự nhận thức hẹp hòi về quyền lực bằng cách khẳng định yêu sách của mình ở Biển Đông, quay lưng lại với phán quyết của Tòa Trọng tài, và khuyến khích sự bốc đồng dân tộc chủ nghĩa trong công chúng ở Trung Quốc.
Hoặc Trung Quốc có thể đi theo một hướng khác. Nước này có thể chuyển dự án Con đường Tơ lụa vào các chiến lược hội nhập khu vực. Bắc Kinh có thể mở rộng các dự án năng lượng bền vững - năng lượng mặt trời, gió - đến khu vực nói chung để tạo ra một Con đường Tơ lụa Xanh. Và Trung Quốc có thể làm tất cả điều này để tăng cường thay vì làm suy yếu luật pháp quốc tế.
Trong tháng trước, Trung Quốc đã phải lùi vài bước. Nhưng, như người ta vẫn nói, nước này có thể làm như vậy nhằm tập trung sức lực để tiến xa hơn về phía trước trong thế kỷ 21.