Theo Rod Lyo, chuyên gia phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cấu trúc an ninh của châu Á từ trước đến nay được xác định bởi 2 thành phần chính: Một loạt các thỏa thuận liên minh với Mỹ là trung tâm và một nhóm các thể chế trong đó ASEAN là trọng tâm. Vấn đề hóc búa đối với môi trường an ninh châu Á hiện nay đó là cả hai trụ cột an ninh trên – được thành lập trong giai đoạn các quốc gia châu Á còn khá yếu- đang phải vật lộn để cân bằng với sức mạnh của một số cường quốc châu Á đang trỗi dậy mạnh mẽ hơn.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang là tâm điểm của vấn đề. Trong khi giới phân tích vẫn tranh cãi về việc đâu sẽ là phạm vi mở rộng trong một chiến lược lớn có tính toán của Bắc Kinh, Rod Lyon cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi hai mục tiêu khác biệt. Bắc Kinh tìm cách để các nước láng giềng chấp nhận những đòi hỏi về các lợi ích của nước này và thiết lập một “Vạn lý trường thành trên biển” nhằm ngăn chặn sự tiếp cận của Hải quân Mỹ tới châu Á.
Trung Quốc một thiết lập một "Vạn lý trường thành trên biển" nhằm ngăn chặn sự hiện diện của Hải quân Mỹ trong khu vực. |
Hai mục tiêu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: Mục tiêu thứ nhất sẽ giúp cho Trung Quốc chiếm lợi thế trong việc tạo ra một vùng đệm trên biển, khiến cho Hải quân Mỹ giảm dần sự hiện diện trong khu vực. Chiến lược “Vạn lý trường thành trên biển” được triển khai trong bối cảnh Mỹ đang cắt giảm ngân sách quốc phòng nói chung và Hải quân nói riêng.
Tất nhiên, vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình theo đuổi 2 mục tiêu trên, như Brad Glosserman - chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) - chỉ ra trong một bài bình luận gần đây trên trang mạng National Interest rằng Bắc Kinh đang tạo ra một làn sóng lo ngại mới đối với các nước trong khu vực. Những quốc gia có đủ sức mạnh để có thể phản ứng lại, chẳng hạn Nhật Bản, đã bắt đầu thể hiện sự đáp trả. Các quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là Philippines và Việt Nam, đã bắt đầu theo đuổi các biện pháp tái cân bằng.
Tuy nhiên, nhìn chung, nếu các nước Đông Nam Á vẫn duy trì các thể chế như trước đây, họ sẽ khó có thể chống lại một cách hữu hiệu trước sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc. Với hầu hết các thành viên của ASEAN, cảm giác này chưa biến thành những lựa chọn chiến lược cứng rắn hơn; đồng thời cũng chưa đủ để Trung Quốc xem xét lại chiến lược của mình.
Trong khi đó, cả ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á, nhu cầu về sự hiện diện của Mỹ đang tăng lên nhanh chóng. Các mối quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ với các nước châu Á bắt đầu đặt ra hai câu hỏi: Họ cần sự bảo đảm ở mức nào và Mỹ có thể đáp ứng đến đâu? Những câu hỏi này không dễ tìm được đáp án trong thời gian ngắn, bởi vì bảo đảm là một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với hành động ngăn chặn.
Hệ thống đồng minh của Mỹ không có nhiều khả năng sẽ tăng thêm vì nếu chính phủ Mỹ có đề xuất thì chưa chắc quốc hội nước này đã thông qua. Hơn nữa, không phải đối tác nào cũng mang lại lợi ích cho Mỹ. Và cuối cùng, vấn đề còn ở chỗ các nước, như Indonesia chẳng hạn, muốn liên minh với Mỹ gần gũi đến đâu? Có thể nhận thấy một vài hình thức hợp tác đối tác chặt chẽ giữa Mỹ và Indonesia. Nhưng mạnh mẽ cỡ nào và liệu nước này có thể ký hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ hay không?
Trong bối cảnh hiện nay, khi sự tương đối về chiến lược ở châu Á đang chuyển đổi nhanh chóng rơi vào đúng thời điểm mà ngân sách quốc phòng của Mỹ đang giảm mạnh và Tổng thống Obama không muốn tham gia vào các cuộc xung đột tiềm năng mới, thì nhiệm vụ trấn an là không thực tế.
Điều này khiến các nước ở châu Á phải tìm kiếm các chiến lược thay thế. Biện pháp dễ dàng nhất – mặc dù có hiệu quả thấp nhất – có thể sẽ là nỗ lực để các thể chế hiện nay hoạt động hiệu quả. Những lựa chọn khó khăn hơn bao gồm hiện đại hóa lực lượng quốc phòng – hay còn gọi là chiến lược “tự cứu lấy mình” – hoặc hợp tác chặt chẽ hơn trong các nhiệm vụ quốc phòng thiết thực.
Sự lựa chọn biện pháp tự cứu mình có thể sẽ khiến một số quốc gia bật ra khỏi cuộc chơi khi tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề bất đối xứng trong một môi trường chiến lược hay thay đổi. Hợp tác quốc phòng lớn hơn cũng là một sự lựa chọn khó khăn. Có một lý do giải thích cho việc tại sao liên minh của Mỹ ở châu Á có xu hướng song phương là vì các nước trong khu vực ít có truyền thống hợp tác an ninh. Đó là lý do tại sao chúng ta rất khó trả lời các câu hỏi trên liên quan đến Indonesia.
Australia không phải là đối tác hàng đầu cho các nước châu Á lựa chọn nhằm tăng cường môi trường an ninh khu vực. Từ trước đến nay quốc gia này thường đứng ngoài các điểm xung đột. Tuy nhiên, lợi ích của Australia phụ thuộc rất nhiều vào những diễn biến an ninh ở châu Á.
Tại Hội thảo Nikkei ở Tokyo gần đây, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã đưa hai sự lựa chọn: Hợp tác cùng thịnh vượng và giữ nguyên trạng như hiện nay; hoặc một sự đối đầu, cạnh tranh "bên miệng hố chiến tranh" và thậm chí rơi xuống đó. Bài phát biểu này cho thấy các nhà lãnh đạo trong khu vực đã bắt đầu quan tâm hơn tới một tương lai không dễ chịu chút nào ở khu vực châu Á.
Vũ Thanh (Theo National Interest)