Tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) dẫn đánh giá của giới chuyên gia và giới ngân hàng Anh cho biết, các công ty Trung Quốc đang chuẩn bị một làn sóng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và chế tạo của châu Âu trong nỗ lực tìm kiếm thị trường mới và giành quyền kiểm soát các chuỗi cung cấp toàn cầu.
Làn sóng đổ bộ vào châu Âu diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh đang kêu gọi các công ty Trung Quốc "vươn ra toàn cầu" và đặt nền móng mới ở nước ngoài, thay vì chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu. Clive Whiley, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Tài chính Evolution Securities China cho rằng, nhiều công ty Trung Quốc coi châu Âu là điểm đến tốt hơn so với Mỹ bởi châu Âu ít có "thái độ bảo hộ" đối với đầu tư của Trung Quốc hơn.
Sức hấp dẫn của công nghệ Trung Quốc giá rẻ-Ảnh internet |
Hiện nay, các tập đoàn và doanh nghiệp của Trung Quốc đang nhắm vào các doanh nghiệp châu Âu có kinh nghiệm về chế tạo, cung cấp nguyên vật liệu và các sản phẩm đặc biệt. Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp châu Âu có thế mạnh. Ông Whiley cho rằng, các công ty Trung Quốc coi ý tưởng mua lại các doanh nghiệp châu Âu là cách tốt nhất trong việc "bù đắp kinh nghiệm chế tạo sản xuất chi phí thấp với kỹ năng và công nghệ hiện đại".
Trong vòng 6 tháng tính đến cuối tháng 3/2011, các công ty Trung Quốc đã đầu tư 64,3 tỷ USD vào các thương vụ mua lại, cho vay tại thị trường châu Âu. Con số này lớn hơn gấp đôi so với tổng đầu tư của các công ty Trung Quốc tại châu Âu trong 11 quý trước. Theo đánh giá của Ngân hàng Grisons Peak tại Luân Đôn (Anh), chế tạo và sản xuất là hai lĩnh vực chủ chốt mà các công ty Trung Quốc tập trung vào.
Trong các thương vụ gần đây của các công ty Trung Quốc tại châu Âu phải kể đến việc China National Bluestar mua lại Elkem, công ty có trụ ở chính tại Na Uy chuyên sản xuất silic cho ngành công nghiệp năng lượng Mặt trời, hồi tháng 1/2011. Bluestar cũng đã mua lại một nhà máy của Courtaulds tại Anh chuyên về công nghệ vật liệu cácbon. Bluestar mong muốn sẽ có thể sử dụng bí quyết sản xuất của các doanh nghiệp châu Âu bằng cách chuyển giao công nghệ về các nhà máy tại Trung Quốc.
Ông Richard Orders, người đứng đầu bộ phận châu Á của Tập đoàn đầu tư Moelis (Mỹ) nhận định, lý do các công ty Trung Quốc đầu tư vào châu Âu có thể là vì việc giành quyền tiếp cận một số nhóm khách hàng cụ thể sẽ rất khó có thể giải quyết thông qua nỗ lực cá nhân của các công ty Trung Quốc. Chẳng hạn như các doanh nghiệp trên khắp thế giới có thể dễ dàng ký hợp đồng mua thiết bị công nghệ cao từ một nhà cung cấp châu Âu nhưng chắc chắn họ sẽ chần chừ nếu như nhà cung cấp đến từ Trung Quốc và không có nhiều uy tín trên thương trường quốc tế.
Cách đây 3 năm, China South Locomotive, một trong những nhà sản xuất thiết bị đường sắt lớn nhất của Trung Quốc, đã mua lại Công ty Dynex Semiconductor - một nhà sản xuất hàng đầu về thiết bị điện tử chuyên dụng dùng để kiểm soát máy móc điện tử của Anh. Một trong những động cơ của thương vụ này là Trung Quốc muốn sử dụng công nghệ của Dynex nhằm chế tạo động cơ tàu cao tốc sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của Dynex, ông Paul Taylor cho rằng, thương vụ này cũng đã mang lại lợi ích cho công ty của ông. Ông Paul Taylor nói: "Công ty Trung Quốc đã rất ủng hộ và giúp chúng tôi hướng tới thị trường mới vốn trước đây chúng tôi không thể xâm nhập".
Anh hiện được coi là thị trường tiềm năng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo một giám đốc ngân hàng tại Anh, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc tin rằng Anh có nhiều doanh nghiệp tư nhân chuyên về chế tạo và hiện đang được định giá thấp. Tuy nhiên, một số nhà quan sát đã cảnh báo về khả năng các thương vụ của Trung Quốc tại châu Âu sẽ sớm đổ vỡ bởi các "ông chủ" mới Trung Quốc thiếu hiểu biết về thực tế kinh doanh tại châu Âu.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Anh)