Câu chuyện của Apple trải dài mới 21 năm, từ một nhà sản xuất máy tính suýt phá sản tới một công ty có giá trị nhất ở Mỹ. Apple đã đưa ngành công nghệ từ những cỗ máy to và cồng kềnh tới những thiết bị điện tử nổi tiếng nhất thế giới: iMac, iPod, iPad, iPhone. Sản phẩm của Apple đã tái định hình cuộc sống hàng ngày của người dùng.
Khi chiếc điện thoại thông minh iPhone lần đầu tiên ra mắt năm 2007, nó đã nhanh chóng thay đổi cách thức xã hội tương tác với công nghệ. Hơn 1,4 tỷ chiếc iPhone đã được bán ra từ đó đến nay.
Ngày 31/7 vừa rồi, Apple báo cáo lợi nhuận quý tăng mạnh, lên tới 11,52 tỷ USD, tăng gần 1/3 so với cùng kỳ năm trước đó. Báo cáo này giúp giá cổ phiếu của Apple tăng. Tính tới ngày 2/8, cổ phiếu của Apple đang được giao dịch với mức giá 207,39 USD.
Thống lĩnh thị trường
Theo tờ New York Times, giá trị 13 con số của Apple cho thấy Apple nói riêng và một nhóm công ty khổng lồ nói chung đã thống lĩnh nền kinh tế Mỹ như thế nào. Ngày nay, ngày càng ít công ty Mỹ kiểm soát ngày càng nhiều lợi nhuận hơn so với thời những năm 1970.
Ảnh hưởng của hiện tượng này rất rõ ràng trên thị trường chứng khoán. Tại đây, một nhóm các công ty nổi tiếng như Apple, Amazon, Facebook và Google đã giữ cho thị trường chứng khoán tăng một mạch trong 9 năm qua – đây là chuỗi tăng theo năm dài thứ hai sau chuỗi tăng kết thúc vào năm 2000.
Thành công của các công ty này cũng tạo lực đẩy cho nền kinh tế Mỹ. Nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng nhanh nhất trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, ảnh hưởng của các đại công ty không chỉ dừng lại ở thị trường chứng khoán và các ảnh hưởng không phải lúc nào cũng lành tính.
Các nhà kinh tế đang bắt đầu xem xét vấn đề liệu sự trỗi dậy của các công ty siêu sao như Apple có đang góp phần gây ra tình trạng tăng lương trì trệ, làm giảm tầng lớp trung lưu và gia tăng bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ. Ảnh hưởng chính trị và xã hội rộng lớn của các đại công ty khiến một số nghị sĩ Mỹ yêu cầu có nhiều quy định kiềm chế.
Ông Roni Michaely, một nhà kinh tế tại trường Đại học Geneva, cho biết: “Đó là một trong những xu hướng quan trọng nhất mà chúng tôi đang kiểm tra. Nó liên quan tới tăng trưởng kinh tế, bất bình đẳng kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng”.
Trong vài thập kỷ qua, sự phân phối lợi nhuận giữa các công ty Mỹ đã đổi sâu sắc. Năm 1975, 109 công ty Mỹ bỏ túi một nửa lợi nhuận do toàn bộ các công ty được niêm yết tạo ra. Ngày nay, đa số lợi nhuận chỉ nằm trong tay 30 công ty. Con số trên do giáo sư tài chính Kathleen M. Kahle thuộc Đại học Arizona và nhà kinh tế Rene M. Stulz thuộc Đại học bang Ohio đưa ra.
Các nhà kinh tế đã nhất trí rằng xu hướng một số nhỏ công ty thâu tóm phần lớn lợi nhuận là có thực và sẽ còn kéo dài.
Xu hướng này đặc biệt đúng trong ngành công nghệ. Trong ngành này, một nhóm các công ty lớn và làm ăn hiệu quả giờ thống lĩnh những khu vực năng động nhất và phát triển nhanh nhất nền kinh tế Mỹ.
Kết hợp với nhau, Apple và Google hiện nay cung cấp phần mềm cho 99% điện thoại thông minh trên thế giới. Cứ 1 USD được chi cho quảng cáo trực tuyến ở Mỹ thì Facebook và Google bỏ túi 59 xu.
Amazon thì đang thống lĩnh tuyệt đối mảng mua sắm trực tuyến và ngày càng lớn mạnh trong lĩnh vực như dịch vụ âm nhạc, video trực tuyến.
Các đại công ty trên toàn nền kinh tế
Tuy nhiên, xu hướng này không chỉ giới hạn ở ngành công nghệ. Ngày nay, gần một nửa tổng tài sản của hệ thống tài chính Mỹ do 5 ngân hàng lớn kiểm soát. Cuối những năm 1990, 5 ngân hàng hàng đầu này chỉ kiểm soát hơn 1/5 thị trường.
Trong 10 năm qua, 6 trong số những hãng hàng không lớn nhất Mỹ sáp nhập thành 3 hãng.
Về ngành viễn thông, 4 công ty đang chiếm 98% thị phần không dây Mỹ và con số này có thể chỉ còn 3 nếu T-Mobile và Sprint được phép sáp nhập.
Quá trình sáp nhập này sinh ra lợi nhuận cao hơn cho công ty và có lợi cho nhà đầu tư. Đó là một tin rất tốt cho thị trường chứng khoán.
Năm nay, 5 công ty công nghệ gồm Facebook, Apple, Amazon, Netflix và Alphabet (công ty mẹ của Google) đã góp khoảng một nửa số điểm tăng của chỉ số chứng khoán Standard & Poor’s chuyên theo dõi 500 công ty có mức vốn hóa lớn nhất Mỹ.
Apple là công ty duy nhất có vốn thị trường 1.000 tỷ USD. Amazon năm nay cũng đang theo sát nút Apple khi có giá trị hiện tại là hơn 880 tỷ USD.
Trên thị trường lao động, các học giả cho rằng xu hướng sáp nhập công ty khiến bất bình đẳng thu nhập gia tăng và số tài sản chia cho người lao động bị suy giảm. Khi các công ty sáp nhập với nhau tạo thành công ty lớn hơn từ những năm 1990 ở Mỹ và các nước giàu, thì song song với đó, số tài sản chia cho người lao động suy giảm.
Tuy nhiên, một số nhà kinh tế không đồng ý về quan hệ nhân quả trên. Một số cho rằng những công ty như Apple, Amazon và Google đã chi nhiều để thiết lập vị thế thống lĩnh trên thị trường và giờ đây họ có thể kiếm lợi nhuận khổng lồ mà không cần bỏ nhiều tiền cho chi phí lao động.
Trái lại, một số nhà kinh tế cho rằng khi mà một lĩnh vực có càng ít công ty tham gia thì lĩnh vực đó sẽ ít cạnh tranh với người lao động và do đó các công ty không chịu áp lực phải tăng lương cho người lao động.
Dễ bị chính quyền sờ gáy
Mặc dù khi càng phát triển thì càng có nhiều quyền lực nhưng không có nghĩa là các công ty khổng lồ này “bất khả chiến bại”. Họ có thể dễ bị tổn thương hơn trước đòn công kích từ chính trị gia và các nhà quản lý. Các công ty công nghệ lớn cũng dễ bị chính phủ các nước sờ gáy.
Google vừa đây đã bị phạt số tiền kỷ lục là 5 tỷ USD ở châu Âu vì bị cáo buộc lạm dụng vị thế thị trường để buộc các công ty điện thoại di động cài đặt ứng dụng Google trên điện thoại.
Facebook cũng đang bị các chính trị gia và nhà quản lý buộc phải hành động mạnh hơn để bảo vệ dữ liệu người dùng và ngăn chặn bị lợi dụng làm công cụ để can thiệp bầu cử Mỹ. Tuần trước, tăng trưởng của Facebook đã giảm và công ty này phải tăng chi vào an ninh và bảo mật. Cổ phiếu giảm giá 19%, mất 120 tỷ USD chỉ trong vòng một ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục công kích giám đốc điều hành Amazon, ông Jeff Bezos với cáo buộc công ty này không đóng đủ thuế và lợi dụng Cơ quan Bưu chính Mỹ. Nếu ông Trump biến những công kích thành thay đổi chính sách thì Amazon sẽ thiệt hại nặng.
Trong khi Apple vừa đạt mốc giá trị 1.000 tỷ USD, một số người đưa ra cảnh báo thận trọng: cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vì Trung Quốc chính là thị trường chiếm 18% doanh thu của Apple.
Theo ông Luigi Zingales, giáo sư tài chính Đại học Chicago, cách đây một năm, các công ty công nghệ lớn về cơ bản là không thể đụng chạm tới. Ngày nay, điều đó dường như không đúng nữa.