Từ tôm hùm, váy cưới đến tóc giả: Những thị trường điêu đứng trong dịch COVID-19

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bùng phát tại Trung Quốc đã khiến cho gần như mọi thị trường lớn nhỏ trên thế giới đều bị tác động, từ ngành tôm hùm, váy cưới cho tới tóc giả.

Theo kênh CNN (Mỹ), ảnh hưởng nặng nề nhất mà virus đã gây ra với nền kinh tế toàn cầu là suy giảm các chuỗi cung. Chỉ riêng Apple đã mất 34 tỷ USD giá trị thị trường sau một ngày gần đây khi công ty thông báo virus đã khiến hãng không thể đạt mục tiêu quý. Chuỗi cung liên quan tới Trung Quốc là một nhân tố chính. 

Virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã ảnh hưởng nặng tới kinh tế Trung Quốc và đang gây tác động trên toàn cầu. Không chỉ tác động tới các ngành lớn như ô tô, công nghệ, năng lượng, du lịch, dịch COVID-19 còn ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp nhỏ ở gần như mọi ngóc ngách trên thế giới.

Tại thành phố Geraldton ở bờ biển phía Tây Australia, tôm hùm chen chúc nhau trong các thùng chứa mà chưa biết đi đâu về đâu. Ở New Jersey (Mỹ), một cửa hàng không thể đáp ứng hết đơn hàng đặt váy cưới. Trong khi đó, tại London (Anh), chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ không có đủ nguồn tóc để bán cho khách muốn nối tóc, làm tóc giả.

Chú thích ảnh
Ngành xuất khẩu tôm hùm Australia bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19. Ảnh: AP

Ở Tây Australia, mùa đánh bắt hải sản vừa mới bắt đầu thì hợp tác xã ngư dân Geraldton buộc phải ngừng mua tôm hùm đá của thành viên. Lẽ ra số tôm hùm này sẽ được xuất tới Trung Quốc dịp Tết Nguyên đán. Hợp tác xã này thường xuất khẩu hơn 90% sản lượng đánh bắt cho Trung Quốc và là một trong số bên bán ở Australia phải ngừng xuất khẩu tới quốc gia này.

Hợp tác xã cho biết: “Như các thị trường hải sản khác, chúng tôi có chuỗi cung chuyển động rất nhanh nên chúng tôi đã nằm trong số những người đầu tiên chịu ảnh hưởng thương mại. Chúng tôi cần phải giảm nguồn cung do nhu cầu giảm mạnh”.

Hợp tác xã phải giảm giá mua xuống 0 USD để buộc ngư dân ngừng đưa tôm hùm tới mà không có đầu ra. Giá tôm hùm hiện khoảng 30-35 USD/pound và người Australia đang được ăn tôm hùm giá rẻ hơn hẳn. Một số tôm hùm sẽ được cấp đông, một số đang tìm thị trường mới.

Ở London, Jay Sylla-Johnson bán tóc giả, tóc nối làm từ tóc thật thông qua công ty trực tuyến Tresse de Luxe Hair. Khoảng 90% sản phẩm tới từ Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Công nhân ghép tóc nối tại một nhà máy ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Cô không thể mua sản phẩm mới gần tháng nay vì những người cung cấp ở Trung Quốc không thể tới nhà máy, thậm chí nhiều nhà máy đã đóng cửa. Nhiều thành phố và đường giao thông đã đình trệ nhiều tuần do nhiều biện pháp được áp dụng để kiềm chế virus tại Trung Quốc. Một số nhà máy mà Sylla-Johnson mua hàng giờ mới đang dần hoạt động trở lại, số khác vẫn đóng cửa.

Các nhà cung cấp Trung Quốc cho biết do sợ tóc có thể nhiễm virus và lây lan nên thị trường tóc thật đã tạm thời bị đóng cửa.

Sylla-Johnson phải mua sản phẩm tóc từ Việt Nam và Campuchia, nhưng sản phẩm ở đó cũng phải phụ thuộc vào Trung Quốc để làm ra sản phẩm tóc nối và tóc giả. Sylla-Johnson buộc phải tính tới nhập khẩu từ Ấn Độ để giảm phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc.

Cô nói: “Từ khi bùng dịch COVID-19, giá tóc nối ở Trung Quốc tăng vọt. Một số nhà cung cấp cho biết họ bắt đầu giao hàng nhưng tính thêm phí. Nên giá sản phẩm tăng từ 750 USD lên 770 USD”. Giá tăng có thể ăn bớt vào lãi của Sylla-Johnson.

Tại New Jersey, Giám đốc điều hành Mon Cheri Bridals, ông Steven Lang, cho biết ông không thể đáp ứng nổi đơn hàng. Công ty ông bán váy cưới và váy dạ hội cho học sinh. Trong số 45 nhà máy ở Trung Quốc mà công ty làm ăn cùng, chỉ có một nửa còn hoạt động. Số khác đang chờ kiểm tra và khử trùng.

Chú thích ảnh
Nhà kho của công ty váy cưới Mon Cheri Bridals ở New Jersey ngày 14/2. Ảnh: CNN

Ông Lang cho biết công ty đang làm mọi thứ để các cô gái sắp làm cô dâu hay học sinh sắp đi dự tiệc có sản phẩm để dùng, từ gợi ý mua mẫu váy khác với giá thấp hơn hoặc hoàn lại tiền.

Ông cũng phải tìm mua sản phẩm từ Ấn Độ, Myanmar, Việt Nam nhưng ở nhưng nơi này, vật liệu cũng vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc.

Các chuyên gia cho biết sẽ không thể định lượng nổi toàn bộ tác động kinh tế bởi COVID-19 vì Trung Quốc liên quan tới quá nhiều ngành nghề.

Hoạt động và quá trình phát triển ở Trung Quốc đã trở nên không thể tách rời với thế giới từ cuối những năm 1970 – khi Trung Quốc cải cách kinh tế.

Năm 1970, GDP Trung Quốc dưới 100 tỷ USD. Lúc đó, Mỹ mới vừa vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD.
Khoảng cách giữa hai nền kinh tế ngày càng hẹp lại. Nhờ toàn cầu hóa, GDP Trung Quốc giờ gần 14.000 tỷ USD, còn Mỹ là 21.000 tỷ USD.

Với quy mô và sự liên quan tới mọi ngành nghề trên thế giới của Trung Quốc, không khó hiểu khi dịch COVID-19 đang ảnh hưởng tới toàn bộ chuỗi cung. Ông Steven Lang nói: “Trung Quốc là nguồn lao động, và đó là thứ chúng ta đang nhập khẩu, chúng ta nhập khẩu sức lao động chứ không chỉ sản phẩm. Và thiếu người lao động Trung Quốc, toàn bộ chuỗi cung bị ảnh hưởng”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: EU công bố gói viện trợ mới 232 triệu euro
Dịch COVID-19: EU công bố gói viện trợ mới 232 triệu euro

Nhằm tăng cường sự chuẩn bị toàn cầu cũng như phòng ngừa và ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố gói viện trợ mới 232 triệu euro, trong đó 114 triệu euro hỗ trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đặc biệt là cho kế hoạch ứng phó toàn cầu. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN