Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, mở đầu bài xã luận, hai tác giả Juan Manuel Harán và Patricio Giusto khẳng định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ tới Argentina nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách tại quốc gia Nam Mỹ này phân tích thành quả tăng trưởng kinh tế bền vững mà Việt Nam thể hiện trong hơn 3 thập kỷ qua, đồng thời tìm ra giải pháp cho các vấn đề liên quan đến phát triển và hội nhập theo kinh nghiệm từ Việt Nam.
Theo hai tác giả trên, kể từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đôi với hội nhập khu vực mạnh mẽ và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp với các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á cũng như với các nền kinh tế lớn trên thế giới.
Trong 37 năm qua, nhờ tính nhất quán trong chính sách vĩ mô, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định. Nếu như trong thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới, trong giai đoạn 1986 - 1990, tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 4,4%/năm, thì trong giai đoạn 1991 - 1995, chỉ số này đã tăng gấp đôi, đạt 8,2%/năm.
Không giống như các quốc gia mới nổi khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn được duy trì ở mức cao trong những năm tiếp theo. Trong giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình 6,8%/năm, qua đó trở thành một trong số 10 nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Bài xã luận nhấn mạnh, tương tự như với các nền kinh tế khác trên thế giới, đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine cũng có những tác động tới Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam đã kịp thời đưa ra các chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Trên thực tế, vào năm 2022, GDP của Việt Nam đã tăng hơn 8%. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và là “cơn gió ngược” so với nhiều nền kinh tế mới nổi khác.
Trong bài xã luận, các tác giả đánh giá cao quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam đã thành công trong việc gia nhập nhiều tổ chức đa phương và tham gia tích cực vào các tổ chức tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nhiều diễn đàn quan trọng khác. Ngoài ra, Việt Nam có quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời ký kết gần 100 hiệp định thương mại song phương.
Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới với phạm vi và mức độ cam kết sâu rộng hơn so với các FTA trước đây, như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Về vai trò quan trọng của Việt Nam đối với Argentina, bài xã luận cho biết Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 của Argentina trên thế giới, đồng thời là đối tác chủ chốt trong hợp tác Nam - Nam của quốc gia Mỹ Latinh này tại Đông Nam Á và là cửa ngõ để xâm nhập vào thị trường ASEAN.
Hai tác giả Juan Manuel Harán và Patricio Giusto khẳng định, chuyến thăm Argentina của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - chuyến thăm cấp cao đầu tiên của lãnh đạo Việt Nam đến quốc gia Nam Mỹ này kể từ năm 2010 - sẽ làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước và tạo tiền đề cho việc nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược trong thời gian tới.
Kết thúc bài xã luận, các tác giả nhấn mạnh Việt Nam là một đối tác quan trọng vì tương lai của Argentina và là một ví dụ thành công về hội nhập kinh tế, trong đó quá trình “cất cánh” của Việt Nam là hình mẫu để quốc gia Nam Mỹ này học hỏi kinh nghiệm và tham khảo chính sách về phát triển và hội nhập.