Theo trang mạng "The Diplomat", trong tuần qua, Trung Quốc dường như đã hút hết sự chú ý của quốc tế bằng việc tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (trái) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Không ngoài dự đoán, động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của cả Tokyo và Washington, đẩy căng thẳng liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư lên mức nguy hiểm. Diễn biến này cũng phát đi tín hiệu về sự dửng dưng của Bắc Kinh đối với quan hệ Trung-Nhật cũng như thách thức mạnh mẽ chiến lược tái cân bằng với châu Á của Washington.
Một phản ứng cứng rắn và thống nhất với động thái này là một bài thử quan trọng với liên minh Mỹ-Nhật. Washington đã phát đi tín hiệu không hài lòng bằng cách cử máy bay B-52 bay qua khu vực quần đảo tranh chấp. Ngoài ra, ADIZ có thể tác động tiêu cực đến các mối quan hệ khác của Trung Quốc trong khu vực.
Việc áp đặt ADIZ sẽ làm xấu đi hình ảnh của Bắc Kinh đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Philippines, và làm nguội lạnh phần nào quan hệ từng nồng ấm giữa Trung Quốc với Australia. Canberra đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Australia và ra thông cáo chỉ trích ADIZ là “không có ích cho an ninh khu vực”.
ADIZ cũng khiến quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan rạn nứt hơn và tác động tới quan hệ Bắc Kinh-Seoul. Hàn Quốc phản ứng cứng rắn với tuyên bố ADIZ của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ra thông cáo nhấn mạnh “sẽ để máy bay bay trên Ieodo như thường lệ mà không thông báo với Trung Quốc”. Hàn Quốc hiện duy trì một trung tâm nghiên cứu hải dương trên Ieodo và khẳng định quyết tấm bảo vệ EEZ của mình.
Về phần mình, Trung Quốc xoa dịu căng thẳng ngoại giao với Hàn Quốc khi tỏ ý rằng ADIZ không bao trùm lên không phận Ieodo của Hàn Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng này càng trở nên phức tạp bởi thực tế rằng Nhật Bản cũng có ADIZ trùm lên Ieodo, song phần lớn là vô hại bởi Tokyo không yêu cầu Hàn Quốc nhận dạng máy bay.
Tranh chấp ADIZ Hàn-Trung xảy ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang trải qua giai đoạn “trăng mật” sau khi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye có chuyến thăm bước ngoặt 4 ngày tới Trung Quốc hồi tháng 6 và dường như khá thoải mái với ông Tập Cận Bình. Bà Park Geun-hye tỏ ra sẵn sàng gác lại bất đồng lịch sử liên quan đến Triều Tiên và thay vào đó, tập trung vào củng cố quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, như khởi động các cuộc đàm phán thương mại song phương chờ đợi lâu nay như là một phần trong các cuộc thương thảo ba bên với Nhật Bản.
Seoul và Bắc Kinh dường như song hành với các chỉ trích gay gắt về những tuyên bố của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong vấn đề lịch sử. Thực tế, Trung Quốc đang "tận hưởng" sự rạn nứt sâu sắc giữa Tokyo và Seoul, cũng như có được thành quả ngoại giao lớn khi bà Park Geun-hye chọn thăm Trung Quốc và từ chối họp thượng đỉnh với ông Abe.
Những kêu gọi hàn gắn quan hệ với Nhật Bản cho đến nay vẫn bị Seoul bỏ ngoài tai. Bà Park Geun-hye mới đây đã không nghe theo gợi ý của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel rằng Hàn Quốc cần hợp tác với Nhật Bản trong việc thúc đẩy các vấn đề an ninh, như về Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc cũng bác bỏ lời kêu gọi hợp tác ba bên mạnh mẽ hơn với Bình Nhưỡng của Tổng thống Mỹ Barack Obama, và thay vào đó nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ ba bên với Trung Quốc.
Khiến quan hệ Mỹ-Hàn-Nhật gián đoạn là mục tiêu lâu nay của Trung Quốc, nhằm chặt gẫy cấu trúc liên minh của Mỹ ở Đông Á. Điều này cũng khiến nỗ lực của Mỹ nhằm tái đảm bảo Nhật Bản và Hàn Quốc về những cam kết răn đe mở rộng trở nên khó khăn, trong bối cảnh hai bên có các nhận thức về nguy cơ khác biệt, dù một số vấn đề thậm chí kết nối với nhau, như việc Seoul không thoải mái với những cải cách quốc phòng của Nhật Bản.
Tuy nhiên, giờ đây, chỉ 5 tháng sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa bà Park Geun-hye và ông Tập Cận Bình, dường như quan hệ Trung-Hàn đang trở lại tình trạng bình thường: cơ hội gắn liền với sự thiếu tin tưởng. Vấn đề ADIZ trên biển Hoa Đông có nguy cơ làm thổi bùng những mâu thuẫn âm ỉ trong quan hệ Trung-Hàn, như tranh chấp liên quan đến núi Baekdu hay những quan ngại về an ninh mạng.
Dù cả hai sẽ tìm cách xoa dịu bất đồng, song ADIZ sẽ làm gia tăng khả năng tính toán sai và xóa sạch thiện chí của hội nghị tháng 6. Trong khi đó, vẫn còn nhiều biến số khác ngoài tầm kiểm soát của Soeul và Bắc Kinh. Cuối cùng, dù quan hệ song phương với Nhật Bản sẽ vẫn lạnh nhạt, động thái của Bắc Kinh vô tình làm hồi sinh quan hệ ba bên nhạt nhòa giữa Seoul với Tokyo và Washington.
TTK