Tương lai bấp bênh của thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã tuyên bố từ chức - đúng như mong muốn của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Sự ra đi của ông Davutoglu sau cuộc họp của đảng Công lý và Phát triển (AKP) ngày 22/5 tới có thể đặt ra những thách thức đối với thỏa thuận mà Liên minh châu Âu (EU) đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 18/3 vừa qua.

Từ khi cuộc khủng hoảng di cư nằm trong chương trình nghị sự của mối quan hệ EU - Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Davutoglu là người tham dự tất cả các hội nghị thượng đỉnh liên quan. Ngày 18/3 ở Brussels, chính ông đã ký tắt thỏa thuận cho phép đưa trở lại Thổ Nhĩ Kỳ tất cả những người tị nạn và nhập cư tới Hy Lạp trái phép để đổi lấy việc EU tiếp nhập 72.000 người tị nạn Syria. Và cũng chính ông đã tháp tùng Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo cấp cao châu Âu tới Gaziantep ngày 23/4 nhằm thúc đẩy thực hiện thỏa thuận này.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu trong cuộc họp báo sau phiên họp Ban lãnh đạo AKP ở Ankara ngày 5/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhà nghiên cứu Cigdem Nas, Tổng Thư ký Quỹ Phát triển kinh tế đóng tại Istanbul, ông Davutoglu đã gây ra một nguy cơ khi ông chấp nhận thỏa thuận không được ưa chuộng này, tức là bắt buộc phải nhận lại toàn bộ người nhập cư vào EU trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ mà không chỉ ở Hy Lạp kể từ ngày 1/6 tới. Như vậy, việc loại bỏ ông Davutoglu khỏi chính phủ có thể gây bất ổn cho thỏa thuận này.

Sau tuyên bố từ chức của ông Davutoglu, nhiều ý kiến lo ngại đã được gửi đến bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU. Thế nhưng, bà Mogherini trả lời rằng còn quá sớm để nói liệu sự ra đi của ông Davutoglu có tác động gì tới thỏa thuận hay không. Bà Mogherini nói: "Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ thảo luận với giới chức Thổ Nhĩ Kỳ và cùng xác định xem làm cách nào để thúc đẩy thỏa thuận".

Giới quan sát không thống nhất về vấn đề đó. Ông Dimitrios Triantaphyllou, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và châu Âu thuộc Đại học Kadir Has, cho rằng không cần phải lo lắng vì thỏa thuận là một quyết định chính trị lớn, trong đó Tổng thống Erdogan đã can dự ngay từ đầu. Thổ Nhĩ Kỳ và EU đều cần thỏa thuận này để hạn chế dòng người nhập cư. Theo ông Triantaphyllou, Tổng thống Erdogan dự định sử dụng thỏa thuận để phía EU bỏ chế độ thị thực trong khu vực tự do đi lại Schengen cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ, coi đây là một thắng lợi trong chiến dịch thiết lập chế độ tổng thống của ông. Thế nhưng, việc bãi bỏ thị thực còn phải đạt được sự đồng thuận của các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu. Từ nay tới đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải thỏa mãn toàn bộ 72 điều kiện mà Ủy ban châu Âu đặt ra và sự ra đi của ông Davutoglu có thể làm phức tạp tình hình.

Liên quan tới một điều kiện là luật chống khủng bố, nhà ngoại giao Sinan Ülgen nhận xét: "Một trong những tiêu chí liên quan đến luật chống khủng bố là phải tuân theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong bối cảnh cuộc chiến chống đảng Công nhân người Kurd (PKK) và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thì điều này rất khó khăn".

Tổng thống Erdogan đã nói rõ bất đồng với EU về vấn đề khủng bố trong bài diễn văn đọc tại Istanbul ngày 6/5 vừa qua. Ông nói: "EU yêu cầu chúng tôi thay đổi luật chống khủng bố. Các ngài hãy bắt đầu bằng việc thay đổi tâm lý cho phép bọn khủng bố dựng lều". Ông Erdogan nhấn mạnh khi viện dẫn việc những người ủng hộ PKK dựng lều ở thủ đô Brussels, ngay sát trụ sở EU nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hồi tháng 3 vừa qua. Tổng thống Erdogan cũng không ngừng nhắc lại rằng nếu châu Âu không bỏ thị thực cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ thì nước này sẽ không thực thi thỏa thuận đã ký.

Trước quan điểm cứng rắn của Tổng thống Erdogan, nhà ngoại giao Sinan Ülgen tỏ ra lo lắng: "Thủ tướng Davutoglu đã thành công khi thiết lập được mối quan hệ mang tính tin cậy với lãnh đạo châu Âu, đặc biệt với Thủ tướng Merkel, người đóng góp rất nhiều vào việc ký kết thỏa thuận với EU. Vậy dưới ảnh hưởng quá lớn của Thủ tướng Davutoglu, người kế nhiệm ông liệu có duy trì được mối quan hệ tin cậy này hay không?"
TTK
Thổ Nhĩ Kỳ dồn dập không kích mục tiêu PKK
Thổ Nhĩ Kỳ dồn dập không kích mục tiêu PKK

Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/5 đã tấn công một loạt mục tiêu của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở khu vực miền Bắc Iraq.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN