Thủ tướng Matteo Renzi (ảnh) bị giáng một đòn mạnh sau cuộc trưng cầu ý dân. Ảnh: AP/TTXVN |
Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 60% số cử tri Italy đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 4/12. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Matteo Renzi đã thừa nhận thất bại và tuyên bố từ chức. Chính trường Italy lại trở nên bất ổn, nhưng có lẽ điều đó chưa đủ để đẩy quốc gia này vào cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện.
Việc đa số cử tri Italy phản đối kế hoạch cải cách hiến pháp là một đòn giáng vào ông Renzi và tác động tức thời đến các thị trường tài chính. Đồng euro đã bị sụt giá mạnh so với đồng USD. Chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... cũng có những lúc giảm điểm đáng kể trong các phiên giao dịch ngày 5/12.
Thủ tướng Renzi cho biết ông sẽ sớm đệ đơn từ chức lên Tổng thống Italy Sergio Mattarella. Tuy nhiên, Tổng thống Mattarella sẽ chỉ chấp thuận đơn từ chức của ông Renzi chừng nào tổng thống coi việc ông Renzi tiếp tục làm thủ tướng sẽ tạo nguy cơ gây nên tình trạng bất ổn chính trị.
Cũng có khả năng một lãnh đạo khác thuộc đảng Dân chủ (PD) trung tả sẽ được giao nhiệm vụ thay thế ông Renzi (như trường hợp ông Renzi đã từng thay thế ông Enrico Letta vào năm 2014). Nhân vật tiềm năng nhất được nhắc đến là Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan.
Tuy nhiên, Tổng thống Mattarella cũng có thể tìm cách thành lập một chính phủ chuyển tiếp, chẳng hạn dưới hình thức đại liên minh, với quyền lực chỉ hạn chế trong phạm vi lĩnh vực ngân sách và cải cách luật bầu cử.
Tổng thống Mattarella sẽ không kêu gọi tổ chức bầu cử sớm chừng nào tiến trình cải cách luật bầu cử ở Italy vẫn chưa được hoàn tất và kế hoạch ngân sách hiện nay của Italy vẫn chưa được quốc hội thông qua. Ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Mattarella trong thời gian tới là thành lập một chính phủ mới, có thể tồn tại cho đến đầu năm 2018 khi cuộc tổng tuyển cử kế tiếp diễn ra.
Dẫu vậy, việc một chính phủ chuyển tiếp tồn tại được bao lâu sẽ phụ thuộc vào các lãnh đạo của những đảng phái chính trị ở Italy.
Kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cũng như quyết định từ chức của ông Renzi đang mở ra cơ hội mới cho phong trào dân túy ở Italy, trong đó có đảng Phong trào 5 Sao (M5S), vốn đang muốn kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về việc liệu Italy có nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) hay không. Sau sự kiện ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, phe dân túy ở Italy giờ đây lại đang được tiếp thêm động lực mới.
Và trong trường hợp Italy phải tổ chức bầu cử trước thời hạn, khả năng phe dân túy lên nắm quyền là không thể loại trừ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với M5S đang ở vị trí thứ hai, chỉ thấp hơn chút ít so với đảng PD của ông Renzi.
Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện là điều chưa thể xảy ra ở Italy. Có chăng ở đây chỉ là sự tê liệt về chính trị. Tổng thống Mattarella có thể sẽ đề nghị ông Renzi tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi dự luật ngân sách được Quốc hội thông qua vào cuối tháng này. Việc Tổng thống muốn ông Renzi ở lại cũng có thể là nhằm thúc đẩy tiến trình cải cách luật bầu cử vốn đang bị trì trệ trong nhiều tháng qua.
Trong lĩnh vực kinh tế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vừa qua cũng là một đòn mạnh tức thời đánh vào lòng tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Italy. Do Italy là nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng euro, nên điều này cũng sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu.
Một triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italy được nâng lên. Các ngân hàng mong manh dễ vỡ của Italy cũng như gánh nặng nợ công đang gia tăng của nước này sẽ trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi ngày đi bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở Pontassieve trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp ở nước này.. Ảnh: AP/TTXVN |
Mặc dù vậy, cú sốc về lòng tin trong ngắn hạn không thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ. Hệ thống ngân hàng Italy đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ euro và đang rất cần tái cấp vốn, nhưng chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ là "lá chắn" mạnh mẽ có thể ngăn chặn tình trạng bán tháo các khoản nợ của Italy.
Kể từ khi chương trình Nới lỏng định lượng (QE) của ECB được triển khai, thị trường trái phiếu của Italy đã trở nên ít nhạy cảm hơn trước những sức ép về chính trị và kinh tế. Ngoài ra, trong trường hợp sức ép nợ công lại tăng lên, ECB có thể sẽ kích hoạt lại chương trình "Giao dịch tiền tệ công khai", gọi tắt là OMT, để kìm lãi suất trái phiếu Italy ở mức thấp và đảm bảo duy trì sự tiếp cận với thị trường Italy.
Các mắt xích yếu nhất trong ngành ngân hàng của Italy đã phần nào trở nên ổn định, và các ngân hàng của nước này trong những tháng gần đây đã có nhiều cải thiện trong việc gia tăng vốn. Bên cạnh đó, những cuộc trắc nghiệm nhằm đánh giá sự ổn định của các ngân hàng cũng đã tăng cường sự minh bạch cho hệ thống ngân hàng của Italy.
Một điểm cần lưu ý khác là chương trình mua trái phiếu của ECB cũng sẽ trở thành "lá chắn" cho các thị trường trái phiếu ở Khu vực đồng euro và giúp ngăn chặn hiệu ứng lây lan từ Italy. Dự kiến, chính sách của ECB sẽ vẫn được nới lỏng và kéo dài trong bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Italy. Nhưng các cải cách kinh tế của Italy sẽ bị dẫm chân tại chỗ, ít nhất cho đến năm 2018, và một số chuyên gia cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý vừa qua sẽ tác động đến triển vọng kinh tế dài hạn của Italy hơn là ngắn hạn.
Những phân tích ở trên cho thấy sau cuộc trưng cầu dân ý vừa qua, rất ít khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Italy cũng như Khu vực đồng euro trong thời gian tới cho dù đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng qua so với đồng USD.