Ông Putin và bà Merkel đã gặp gỡ Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro O. Poroshenko để bàn về cuộc xung đột này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đang được đưa trở lại chương trình nghị sự ngoại giao và các nhà lãnh đạo đang cố gắng khởi động lại hiệp định ngừng bắn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Hollande, Tổng thống Ukraine Poroshenko bàn về vấn đề hòa bình ở Đông Ukraine ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Vấn đề gai góc nhất trong cuộc đàm phán là sự hiện diện của quân đội Nga ở miền Đông Ukraine, vốn chưa bao giờ được Moskva thừa nhận. Theo một nhà ngoại giao Ukraine cấp cao giấu tên, tại các cuộc đàm phán 4 bên với nhóm Bộ tứ Normandy, ông Putin đã từ chối thừa nhận việc triển khai quân. Nhà ngoại giao này cho hay đề nghị về việc Nga phải rút vũ khí về nước đã được nêu ra nhiều lần trong các cuộc đàm phán, nhưng ông Putin vẫn khăng khăng trả lời rằng: “Đây là vũ khí do Nga chế tạo, nhưng chúng tôi không sở hữu nó”.
Bất kỳ sự dàn xếp nào trong tương lai cũng sẽ liên quan đến việc giải quyết vấn đề sự hiện diện của Nga. Theo cách nói ngoại giao thì việc thảo luận về vấn đề này cũng giống như bàn bạc về việc thực thi 14 điểm trong hiệp định ngừng bắn Minsk II được ký kết hồi tháng 2/2015.
Sau các cuộc biểu tình trên đường phố ở Ukraine nhằm lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor F. Yanukovych hồi năm 2014, Bộ Ngoại giao Nga đã nói rõ yêu cầu của Moskva, đó là: Ukraine nên tiến hành phân quyền quản lý để trao quyền tự trị cho các cộng đồng thân Nga ở miền Đông, điều sẽ làm suy yếu chính phủ trung ương thân phương Tây ở Kiev. Đây đã trở thành yêu cầu cuối cùng được ghi trong Thỏa thuận Minsk II.
Để đạt được các mục tiêu này, được biết với cái tên gói dàn xếp chính trị của Thỏa thuận Minsk II, Nga đã nhất trí rút quân khỏi miền Đông Ukraine (được ghi trong thỏa thuận là “quân đội nước ngoài”) đi kèm với việc Ukraine phải sửa đổi Hiến pháp để phân quyền quản lý.
Phát biểu trong chuyến thăm nhà nước tới Ấn Độ tuần này, ông Putin nói rằng việc thực thi các dàn xếp chính trị và quân sự của thỏa thuận này phải được tiến hành “ít nhất song song với nhau” và rằng những phản đối của Ukraine trong lĩnh vực quân sự chỉ là “cái cớ để họ không phải thực hiện điều gì trong lĩnh vực chính trị”.
Theo Hryhoriy M. Nemyria - một thành viên của Quốc hội Ukraine, các nhà ngoại giao châu Âu đã đưa ra một ý tưởng trước thềm các cuộc họp hôm 19/10, đó là Moskva sẽ rút các vũ khí hạng nặng về các kho vũ khí gần đó thay vì rút hẳn về Nga như là điều kiện tiên quyết cho cải cách chính trị. Ông cho biết châu Âu muốn Ukraine chấp nhận dàn xếp này trong bối cảnh có nhiều vấn đề an ninh khác liên quan đến Nga.
Một nhóm nhỏ trong Quốc hội Ukraine hiện phản đối bất kỳ sự nhượng bộ nào và có thể “nhấn chìm” toàn bộ thỏa thuận, cho dù ông Poroshenko có nhất trí về một dàn xếp nào đó ở Berlin đi chăng nữa. Việc sửa đổi Hiến pháp cần tới sự ủng hộ của tuyệt đại đa số Quốc hội. Những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine nói rằng họ thà chiến đấu hoặc “bắt thóp” Nga thay vì nhượng bộ, bởi một cuộc chiến tranh quy mô lớn cũng mang lại nhiều rủi ro cho ông Putin.
Các cuộc đàm phán ở Berlin diễn ra chỉ một ngày trước khi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) họp hội nghị thượng đỉnh tại Brussels mà ở đó Italy khăng khăng thảo luận về việc có nên nới lỏng trừng phạt Nga hay không. Tuy nhiên, ngày 18/10, bà Merkel cảnh báo rằng khó có khả năng đạt được bước đột phá. Bà nói: “Mọi người đừng nên hy vọng phép màu từ cuộc họp lần này” và nhấn mạnh rằng hành động của Nga đã khiến mọi việc tồi tệ hơn. Trước đó, người phát ngôn của bà Merkel là ông Steffen Seibert nói rõ rằng Chính quyền Merkel đã xem xét phương án tiếp tục trừng phạt Nga.