Chuyến đi này thể hiện một cách rõ nét và cũng được đánh giá là một bước đi quan trọng để Anh đẩy mạnh những nỗ lực cố gắng đổi mới bản thân thành một quốc gia thương mại toàn cầu sau quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) năm 2016. Đây cũng là bước kế tiếp trong một lộ trình mới đã được định hình sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh Theresa May tới Bắc Kinh hồi đầu năm nay, với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ đối tác mới Anh-Trung Quốc trở nên vững chắc hơn nhằm hướng tới một tương lai mà hai nước có thể hợp tác cùng nhau.
Với Anh, thương mại hậu Brexit là một trong những vấn đề chính cần giải quyết thỏa đáng để có thể "an toàn" vượt ra khỏi cái bóng EU sau gần nửa thế kỷ tất cả các hoạt động trao đổi mậu dịch của quốc gia này đều được định hình theo EU. Trong tình hình hiện tại, khi khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU sau khi rời khỏi khối vẫn chưa rõ ràng thì London thực sự cần những thỏa thuận thương mại trực tiếp với các đối tác ngoài khối.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng mà hầu hết các doanh nghiệp đều mong muốn hướng tới, không khó hiểu khi Trung Quốc luôn là một trong những đối tác quan trọng mà London muốn ký kết thỏa thuận thương mại tự do để củng cố hành trang rời khỏi EU. Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, còn Trung Quốc cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của Anh với kim ngạch thương mại năm ngoái đạt 79 tỷ USD, tăng gần 6,2% so với năm 2016. Hơn 500 doanh nghiệp Trung Quốc đã mở văn phòng tại Anh, với tổng vốn đầu tư 21,8 tỷ USD vào các dự án, từ các lĩnh vực truyền thống như thương mại, tài chính và viễn thông đến các lĩnh vực mới nổi như năng lượng mới, sản xuất hàng hóa cao cấp, cơ sở hạ tầng.
Phát biểu trước chuyến thăm, Ngoại trưởng Hunt khẳng định Anh và Trung Quốc là hai cường quốc lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu, vì vậy trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời khỏi EU và đón nhận nhiều cơ hội vươn xa hợp tác hơn bao giờ hết, London cam kết nỗ lực tăng cường quan hệ song phương cho thế kỷ 21. Ông nêu rõ: "Đối thoại chiến lược Anh-Trung Quốc là một cơ hội quan trọng để đẩy mạnh hợp tác song phương theo khuôn khổ quan hệ đối tác toàn cầu và 'Kỷ nguyên vàng' trong quan hệ Anh-Trung".
Những phát biểu của tân Ngoại trưởng Jeremy Hunt cũng nhất quán với chủ trương của Chính phủ Anh, coi mối quan hệ với Trung Quốc là điểm nhấn trong chính sách ngoại giao thời kỳ hậu Brexit. Khi thăm Trung Quốc hồi đầu năm, Thủ tướng Theresa May cam kết sẽ thúc đẩy quan hệ hai nước sau Brexit, trong đó tính tới mọi cơ hội cho các mối quan hệ thương mại tương lai. Việc ông Hunt chọn Trung Quốc là điểm đến trong chuyến công du đầu tiên sau khi nhậm chức cũng cho thấy tầm quan trọng của Bắc Kinh. Vốn là một chính trị gia có quan điểm thắt chặt quan hệ Anh- Trung Quốc, chuyến thăm của ông Hunt lần này rõ ràng là một nỗ lực khác mà Chính phủ Anh thực hiện để đẩy mạnh cam kết và cũng để đối tác nhận thấy sự "nghiêm túc" của London.
Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh, ông Hunt đã dồn trọng tâm thảo luận về hợp tác giữa hai nước. Phát biểu sau cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định hai bên đã nhất trí đẩy mạnh trao đổi thương mại và đầu tư song phương. Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh cho biết phía Trung Quốc đã đề nghị "triển khai các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại song phương" thời kỳ hậu Brexit. Và tất nhiên, lời đề nghị trên được phía Anh "hoan nghênh" và khẳng định sẽ khai thác khả năng này.
Về phía Trung Quốc, đặt trong hoàn cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ đang ngày càng gia tăng thì việc có thêm được một "đồng minh" mạnh như Anh cũng là một nước cờ mang lại lợi thế lớn. Ý này được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc lồng ghép rất rõ trong buổi họp báo với người đồng cấp Anh. Ông Vương Nghị khẳng định rằng “Trung Quốc và Anh cần coi sự phát triển của mỗi bên là cơ hội chứ không phải mối đe dọa". Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Anh, với vai trò là các ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, cần nêu cao trách nhiệm và có nghĩa vụ phải duy trì chặt chẽ chủ nghĩa đa phương, cơ chế thương mại tự do và các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như phản đối chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Đáp lại lời kêu gọi này, Đại sứ Anh tại Trung Quốc Barbara Woodward khẳng định Anh sẽ hợp tác với Trung Quốc để đảm bảo WTO sẽ là một phần quan trọng trong các quá trình giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế.
Có thể nói, đặt trong bối cảnh hiện tại của cả hai bên thì việc hợp tác là chiến thắng quan trọng cho cả hai chính phủ. Với Anh, nhu cầu càng cấp thiết hơn khi Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier, đã tỏ ra "e dè" với kế hoạch Brexit mà chính phủ của bà May công bố hồi đầu tháng, trong đó thể hiện mong muốn duy trì quan hệ thương mại mật thiết nhất có thể với EU thời kỳ hậu Brexit.
Tuy nhiên, để đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc vẫn còn là vấn đề thời gian, bởi Bắc Kinh sẽ chỉ ký kết một thỏa thuận như vậy sau khi London hoàn tất các quy trình chia tay EU, sau đó là ít nhất vài năm đàm phán. Theo chính trị gia và cũng là chuyên gia tư vấn của Beaconfeild có trụ sở tại Anh Jackson Ng, việc ông Hunt trở thành Ngoại trưởng Anh và được cử tới Trung Quốc là một tin tốt lành với một nước Anh toàn cầu hậu Brexit, bởi ông là một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động tại các thị trường châu Á, kết hôn với người vợ Trung Quốc và ông là chính trị gia dẫn đầu nhóm ủng hộ quan hệ hợp tác Anh-Trung trong quốc hội đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh. Còn chuyên gia Yu Jie, trưởng bộ phận đánh giá quan hệ Trung Quốc tại LSE AIDEAS, phòng nghiên cứu chiến lược chính sách ngoại giao thuộc Trường Kinh tế London, thì cho rằng ông Jeremy Hunt là "chất xúc tác cần có" để thúc đẩy kế hoạch xây dựng "kỷ nguyên vàng" trong quan hệ Anh- Trung, song Bắc Kinh phải cân nhắc thận trọng về khả năng ký kết thỏa thuận thương mại với Anh khi tương lai chính phủ đương nhiệm đang phụ thuộc rất nhiều vào tiến trình Brexit. Trong trường hợp một Brexit cứng xảy ra, hoặc một Brexit không có thỏa thuận rõ ràng, thì Chính phủ Trung Quốc sẽ không chính thức khởi động tiến trình đàm phán này.
Bên cạnh đó, việc bà May vẫn tỏ thái độ "lạnh nhạt" với dự án “Vành đai và con đường” của Trung Quốc, bất chấp người tiền nhiệm của bà năm 2015 đã đưa Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cũng khiến tham vọng "mở chương mới" trong "kỷ nguyên vàng" quan hệ Anh-Trung Quốc không dễ trở thành hiện thực.