Ukraine chưa thấy "ánh sáng ở cuối đường hầm"

Cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế đeo bám Ukraine trong hai năm qua hiện đã lắng dịu. Xung đột ở miền Đông phần nào yên ắng và nền kinh tế le lói sự phục hồi. Song Ukraine vẫn còn chặng đường rất dài trước khi ổn định chính trị hoàn toàn được khôi phục.

Thủ tướng Ukraine Arseni Yaseniuk phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Kiev ngày 11/12. Ảnh: AFP/TTXVN

Nền hòa bình bắt đầu hình thành

Theo Tân Hoa Xã, mặc dù năm 2015 là một năm rất khó khăn đối với Ukraine, song các nỗ lực ngoại giao quốc tế để giải quyết tình hình ở đất nước này đã nhận được một số kết quả khả quan. Giữa tháng 2/2015, lãnh đạo các nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp đã ký một thỏa thuận ngừng bắn quan trọng ở Minsk (thủ đô của Belarus), đưa ra một lộ trình 12 điểm nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng ở Ukraine. 

Mặc dù thỏa thuận này chưa được thực thi đầy đủ và con đường trước mắt không hề dễ dàng, nhưng hiện tại nền hòa bình được cho là đang trở lại khu vực bất ổn này khi toàn bộ biên giới đã gần như im tiếng súng và những người tha hương đang trở về nhà.

Vadim Karasev - Giám đốc Viện Chiến lược Toàn cầu - nói: “Hiện còn quá sớm để nói về một cái kết cho cuộc xung đột này, nhưng có thể nói rằng thỏa thuận ngừng bắn lâu dài đang được thực hiện. Để đạt được hòa bình toàn diện, các bên phải tiếp tục hành động”.

Mặc dù tình trạng bạo lực và căng thẳng đã giảm bớt, song nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột vũ trang vẫn tồn tại. Các bên đối địch vẫn chưa thống nhất được quan điểm chung liên quan đến tương lai của các vùng do phe nổi dậy kiểm soát. 

Thêm vào đó, vẫn còn nhiều câu hỏi liên quan đến việc khi nào tất cả các vũ khí hạng nặng sẽ được rút khỏi tiền tuyến, khi nào tất cả các tù nhân của hai bên được phóng thích và khi nào Kiev sẽ giành lại quyền kiểm soát biên giới Ukraine ở các khu vực mà phe nổi dậy kiểm soát như đã được đề cập trong thỏa thuận hòa bình Minsk, vốn hết hiệu lực vào ngày 31/12. Bên cạnh đó, triển vọng chấm dứt sớm cuộc xung đột vẫn u ám bởi Kiev đã quyết định gia tăng chi tiêu quân sự năm 2016 lên mức 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - con số kỷ lục kể từ khi Ukraine giành độc lập.

Dấu hiệu phục hồi mong manh 

Trong bối cảnh cuộc xung đột - vốn gây tổn hại nặng nề đến các ngành công nghiệp trụ cột và các hoạt động kinh doanh nói chung của Ukraine - đang lắng dịu, nền kinh tế nước này đang có các dấu hiệu phục hồi ban đầu. Sau gần hai năm sụt giảm nhanh chóng, nền kinh tế Ukraine đã tăng trưởng 0,7% trong Quý III/2015. Sự tăng trưởng này, cùng các số liệu kinh tế vĩ mô khởi sắc gần đây, cho thấy đà tăng trưởng trở lại đang sắp diễn ra.

Alexander Sokolov - Giám đốc điều hành công ty đầu tư Pro-Consulting - nói: “Nền kinh tế Ukraine đã chạm đáy và dần trở lại tăng trưởng. Nếu tình hình chính trị trong và ngoài nước có thể duy trì ít nhất ở mức hiện tại thì sang năm 2016, chúng ta có thể hy vọng về mức tăng trưởng 2%”. 

Tuy nhiên, sự lạc quan của ông Sokolov dường như hơi vội vã. Tin xấu là sự ổn định hiện nay có được không phải thông qua cải thiện cơ cấu kinh tế, mà chủ yếu nhờ các khoản vay quốc tế, mà các khoản vay này cần phải được hoàn trả trong nhiều năm tới.

Igor Burakovsky - người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế và Tư vấn Chính sách trụ sở ở Kiev - nói: “Mô hình kinh tế hiện nay của Ukraine đã hoàn toàn lỗi thời. Nếu chúng ta không tiến hành cải cách, chúng ta thực sự sẽ làm tổn hại đến sự tồn tại của Ukraine với tư cách là một nhà nước độc lập, và Ukraine sẽ phải hứng chịu cuộc khủng hoảng lâu dài”.

Tranh cãi chính trị vẫn tồn tại

Tiến hành các cải cách chính trị và kinh tế sâu sắc, kết thúc cuộc xung đột và phát triển sự thịnh vượng của người dân Ukraine là các cam kết chính của chính quyền thân phương Tây tại Ukraine. Tuy nhiên, các cam kết này vẫn chưa được thực hiện và một trong những lý do chính là do bất đồng trong giới cầm quyền.

Mặc dù Tổng thống Petro Poroshenko và các đồng minh đã đề xuất giải quyết cuộc xung đột bằng cách trao đặc quyền cho các khu vực bất ổn - điều vốn được ghi trong Hiến pháp, nhưng ba đảng chính trong Quốc hội đã bác bỏ đề xuất này và nói rằng việc thúc đẩy quyền tự trị trong khu vực vốn bị hoành hành bởi xung đột sẽ “làm quốc gia này tan rã”.

Một điểm khác khiến các nhà hoạch định chính sách Ukraine tranh cãi là làm cách nào để phát triển kinh tế quốc gia hơn nữa. Chính phủ và Quốc hội đã bất đồng về một loạt cải cách kinh tế như sửa đổi luật thuế, áp dụng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong năm 2016, cải cách ngành năng lượng và thay đổi luật doanh nghiệp. 

Những bất đồng về cải cách thuế và dự thảo ngân sách năm 2016 đã dẫn đến việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trì hoãn khoản viện trợ thứ ba cho Ukraine. Nếu Ukraine tiếp tục trì hoãn cải cách kinh tế bởi những bất đồng giữa các thành viên nội các và các nhà lập pháp, thì nước này sẽ có nguy cơ mất đi tất cả những hỗ trợ tài chính từ các nhà cho vay quốc tế.

Liên minh cầm quyền trong Quốc hội cũng đang bên bờ giải thể do tình trạng đối đầu trong chính liên minh. Đầu tháng 9/2015, đảng Cấp tiến - vốn kiểm soát 21 ghế trong tổng số 450 ghế của Quốc hội - đã tuyên bố rút khỏi liên minh, điều này đồng nghĩa rằng 4 đảng phái còn lại trong liên minh không đủ số phiếu ủng hộ tối thiểu là 300 phiếu để sửa đổi Hiến pháp. Nếu nhìn vào bức tranh toàn cảnh hơn, dường như các nhà hoạch định chính sách Ukraine - một vài trong số đó được cho là bị các doanh nghiệp lớn "giật dây" - đang hành động chống lại lẫn nhau.

Tổng thống Ukraine - người đang có tỷ lệ ủng hộ rất thấp do thiếu vắng các tiến triển trong các cải cách cơ bản đầy hứa hẹn - không thể dựa vào chính phủ và Quốc hội. Thực tế này làm sụt giảm ảnh hưởng của ông trong số các đối tác nước ngoài cũng như uy tín của Ukraine trên trường quốc tế.

Chính sách đối ngoại thiếu cân bằng

Chính sách đối ngoại của Ukraine cũng đang trong thế tuyệt vọng. Mặc dù quan hệ của Ukraine với Liên minh châu Âu (EU) nói riêng và phương Tây nói chung đã được tăng cường, nhưng quan hệ của Ukraine với Nga - quốc gia từng là đối tác thương mại và chính trị cốt yếu của Kiev trong nhiều thập kỷ - đã xấu đi nghiêm trọng trong năm 2015. Chính sách hướng Tây của Ukraine, được khởi động từ năm 2014, đã được củng cố trong năm 2015 sau khi Kiev bất ngờ thông qua tất cả các cải cách do EU đề ra để được nhận chế độ miễn thị thực với EU sau 5 năm trì hoãn.

Ukraine trong 2015 xoay trục về EU, rời xa Nga. Ảnh: THX/TTXVN

Quan hệ gần gũi hơn của Ukraine với phương Tây cũng thổi bùng căng thẳng Nga-Ukraine, mối quan hệ vốn đã trầm trọng hơn từ năm 2014 sau những diễn biến ở Crimea và miền Đông Ukraine. Năm 2015, hai nước láng giềng thời Xô Viết đã đưa ra các biện pháp trừng phạt lẫn nhau nhằm vào ngành hàng không, quân sự và một số ngành khác. 

Hiện tại, hai nước đang đe dọa áp dụng cấm vận xuất khẩu lương thực lẫn nhau bắt đầu từ năm 2016. Mặc dù chính quyền Ukraine vẫn vững vàng trong việc phát triển quan hệ với phương Tây bởi cho rằng thương mại tự do với EU sẽ bù đắp cho việc mất đi thị trường Nga, nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng việc cắt đứt quan hệ thương mại với Moskva có thể tổn hại nặng nề đến nền kinh tế Ukraine.

Alexandr Zholud - chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Cấp cao Quốc tế - nói: “Tất cả các thị trường đều có các điều kiện, thị hiếu và tiêu chuẩn khác nhau. Khi một thị trường đóng cửa, việc thâm nhập vào thị trường khác, bán ra cùng một khối lượng hàng hóa như vậy là bất khả thi”. 

Bên cạnh vấn đề kinh tế, việc Ukraine xoay trục sang phương Tây cũng được xác định bởi chính sách quân sự của nước này, đặc biệt là việc thiết lập một đơn vị quân đội chung với Ba Lan và Litva cũng như quyết định gia nhập NATO vào một ngày nào đó.

Bất chấp những thay đổi trong ưu tiên chính sách đối ngoại của Kiev, vấn đề liệu có thể thúc đẩy quan hệ chính trị, kinh tế và quân sự với phương Tây hay với Nga vẫn gây tranh cãi trong nước, trong bối cảnh người dân ở miền Tây, miền Bắc và miền Trung Ukraine có phần ngả về châu Âu, trong khi người dân ở miền Đông và Nam có xu hướng ngả về Nga. Nếu những bất đồng này không được giải quyết thỏa đáng, cuối cùng chúng sẽ mang lại vấn đề nghiêm trọng cho chính quyền.

Trong bối cảnh hiện nay, Ukraine nên theo đuổi một chiến lược độc lập với tư cách một quốc gia không liên kết với bên nào, tổ chức một cuộc đối thoại kinh tế thực chất với tất cả các đối tác quốc tế và áp dụng chính sách cân bằng giữa Đông và Tây trong quan hệ ngoại giao.

TTXVN/Tin Tức
Quan hệ Nga-phương Tây: Hợp tác trong đối đầu
Quan hệ Nga-phương Tây: Hợp tác trong đối đầu

Dù quan hệ Nga – phương Tây có dấu hiệu “ấm lên” trong năm 2015, song trên thực tế, đó là sự “hợp tác trong đối đầu”, đặc biệt khi nhiều vấn đề quốc tế không thể giải quyết được nếu thiếu vai trò của một nước Nga ngày càng quyết đoán và mạnh mẽ trên trường quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN