Theo tờ Wall Street Journal, trong những tuần gần đây, các loại vũ khí hạng nặng của phương Tây đã bắt đầu được đưa đến Ukraine. Đó đều là những loại vũ khí mà Kiev mong muốn sở hữu giúp lật ngược tình thế, cho phép quân phòng thủ phản công ngăn đà tiến công của Nga.
Các loại khí tài hiện đại - do Mỹ, Ba Lan, Pháp và Đức sản xuất - đang tràn vào Ukraine đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Từ đó, Kiev có thể nhắm mục tiêu vào các kho chứa đạn dược quan trọng, cơ sở hạ tầng phòng không và các trung tâm chỉ huy của lực lượng Nga. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc đưa những loại vũ khí này vào hoạt động ở chiến trường đang trở thành thách thức với quân đội Ukraine.
Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nhận định việc các quốc gia phương Tây viện trợ nhiều loại pháo khác nhau đang biến thành “cơn ác mộng” đối với quân đội Ukraine.
Đến nay, Ukraine đã tiếp nhận các tổ hợp M142 HIMARS, M777, pháo tự hành M109 từ Mỹ, Australia, Canada; lựu pháo PzH2000 của Đức; AHS Krab từ Ba Lan và nhiều loại khí tài khác. Trên lý thuyết, các tổ hợp này đều sử dụng đạn cỡ nòng 155mm, song thực tế, mọi thứ không đơn giản vậy.
Ông Jack Watling, đồng tác giả bản báo cáo của RUSI cho biết: “Không có hệ thống pháo nào trong số này có điểm chung ở tất cả các khía cạnh. Nhiều người lầm tưởng rằng chúng ta có thể thay đổi các loại đạn của các hệ thống pháo này với nhau. Nhưng thực tế không phải vậy”.
Vị chuyên gia này cho biết những yếu tố kể trên vẫn chưa phải là tất cả các vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt. Một số hệ thống pháo có cỡ nòng 39 và một số có cỡ nòng 52, do đó chúng có phạm vi hoạt động khác nhau. Phụ tùng thay thế của các loại pháo này cũng không giống nhau, yêu cầu bảo trì, các cơ chế tải và cơ chế nạp đạn cũng khác nhau. Tất cả điều đó dẫn đến các yêu cầu đào tạo khác nhau trong việc vận hành và bão trì hệ thống.
Ngoài ra, do một số hệ thống được cung cấp với số lượng nhỏ, không có đủ số lượng để luân phiên vào - ra chiến trường để bảo trì, chúng sẽ chỉ được thu hồi khi bị hỏng. Nhiều loại pháo với các khả năng khác nhau cũng tạo ra thách thức cho các hệ thống chỉ huy và điều khiển cũng như các chỉ huy trên chiến trường.
Ông Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corp, giải thích rằng việc chuyển đổi vũ khí từ thời Liên Xô sang vũ khí hiện đại cũng rất phức tạp. Bên cạnh việc đào tạo binh sĩ, bảo trì cũng là một vấn đề. Ông cũng nhấn mạnh Ukraine sẽ gặp phải khó khăn trong việc tìm kiếm linh kiện thay thế cho các vũ khí của phương Tây.
Ông Boston cho biết một vấn đề khác là phụ tùng. Với những loại vũ khí từ thời Liên Xô, Ukraine có thể lấy các thiết bị cũ hoặc không còn sử dụng để sửa chữa và thay thế. Nhưng với vũ khí của phương Tây, Ukraine không có phụ tùng nào ngoài những gì họ đã được viện trợ.
Bên cạnh đó, do hầu hết các thiết bị phương Tây nặng hơn nhiều so với thiết bị mà Ukraine và Nga sử dụng, điều này cũng có thể đặt ra một thách thức lớn.
Nhìn chung, để xoay chuyển tình thế, sở hữu các loại vũ khí cần thiết vẫn là một yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, theo ông Watling, phương Tây nên rút ra bài học với kế hoạch viện trợ quân sự trong tương lai, chẳng hạn như xe thiết giáp chở quân và xe chiến đấu bộ binh, đồng thời cố gắng hạn chế số lượng các hệ thống khác nhau có thể cung cấp cho Ukraine.