Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc nội chiến. Tối hậu thư mà Tổng thống lâm thời Aleksander Turchinov đưa ra, đã hết hạn vào ngày 14/4 vừa qua, song những người biểu tình ở miền Đông vẫn tiếp tục các hoạt động chiếm đóng. Các nhóm vũ trang ủng hộ Nga vẫn không chấp nhận buông súng và tiếp tục chiếm giữ thêm một số công sở ở Donetsk, Slaviansk, Marioupol, Kramatorsk và Kharkov.
Xe quân sự Ukraine được triển khai trên tuyến đường từ Donetsk tới Odessa thuộc vùng Donetsk ngày 15/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ông Turchinov đã lệnh cho quân đội bắt đầu chiến dịch đặc biệt trấn áp những người biểu tình bằng sức mạnh quân sự, một động thái mà Nga cho là "sẽ vượt qua lằn ranh đỏ" và có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Đầu tuần qua, Hội đồng Bảo an LHQ đã có cuộc họp khẩn cấp trong bầu không khí căng thẳng trước nguy cơ xung đột leo thang tại Ukraine. Nga với thái độ cứng rắn đã tố cáo chính quyền Kiev khiêu khích, còn phương Tây cáo buộc Moskva tìm cách tái diễn kịch bản sáp nhập Crimea.
Đại diện thường trực của Nga tại HĐBA, ông Vitaly Churkin đã kêu gọi các nước phương Tây suy nghĩ một cách nghiêm túc về trách nhiệm mà họ đang nắm giữ và cảnh báo Kiev về sự leo thang bạo lực. Ông nhấn mạnh chính Mỹ và phương Tây là bên quyết định cuộc nội chiến có xảy ra ở Ukraine hay không.
Cách đây vài tháng, Mỹ và phương Tây đã gây sức ép đòi Tổng thống Viktor Yanukovych từ bỏ mọi biện pháp an ninh để khôi phục trật tự tại Kiev khi những người biểu tình thân phương Tây tìm cách tấn công vào Dinh Tổng thống. Dù đại diện chính quyền và phe đối lập Ukraine với sự hiện diện của đại diện Pháp, Đức và Ba Lan hôm 22/2 đã ký thỏa thuận giải quyết cuộc khủng hoảng theo hướng phi bạo lực, nhưng chưa đầy 24 giờ sau đó, Tổng thống Yanukovych đã bị lật đổ bằng làn sóng bạo lực của phe đối lập và các vị trí chủ chốt của chính phủ rơi vào tay các đại diện đối lập vũ trang được phương Tây ủng hộ.
Hiện tình hình đã đảo ngược: Người dân ở Đông Nam Ukraine với đa số là người gốc Nga, không thừa nhận các chính trị gia chiếm quyền ở Kiev. Họ tiến hành các cuộc biểu tình đúng như cách thức những lực lượng thân phương Tây đã làm tại Kiev vài tháng trước. Chính quyền mới tại Kiev đã đưa quân về phía Đông Nam và đe dọa dập tắt các cuộc biểu tình bằng chiến dịch được gọi là "chống khủng bố".
Chính vì vậy, Nga lập tức lên án và cảnh báo hành động này là cực kỳ nguy hiểm và sẽ đẩy Ukraine tới bờ vực nội chiến.
Sự nguy hiểm là ở chỗ, ngoài sử dụng xe bọc thép để buộc người dân miền Đông Ukraine đi theo con đường của mình, chính quyền Kiev còn thuê các tay súng cực đoan của cái gọi là "Đảng Cánh hữu” và các nhóm vũ trang bất hợp pháp khác để chống lại những người biểu tình đòi liên bang hóa đất nước.
Nếu Kiev không được phương Tây “ra lệnh” kiềm chế và rút quân thì xung đột chắc chắn nổ ra và leo thang là điều không thể tránh khỏi. Và khi đó sẽ xảy ra một cuộc nội chiến toàn diện như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo. Viễn cảnh về cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" tương tự như Libya và Syria có thể xảy ra ở Ukraine. Chiến sự, các thành phố bị phá hủy, hàng triệu người tị nạn - tất cả những điều đó không chỉ sẽ xảy ra ở Ukraine, mà toàn bộ châu Âu cũng sẽ phải cảm nhận.
Trong lúc này mọi hy vọng đang hướng về kết quả cuộc đàm phán giữa Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các đại diện của Ukraine được tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 17/4. Phía Nga khẳng định cuộc đàm phán sẽ đổ vỡ nếu chính quyền Kiev tấn công những người biểu tình tại miền Đông. Ngoài ra, Moskva cho rằng không chỉ các nhà lãnh đạo hiện tại của Kiev tham gia cuộc gặp, mà phải phải có cả đại diện phía Nam và phía Đông của đất nước. Chỉ trong trường hợp đó thì các giải pháp sẽ được thông qua mới đảm bảo tính hiệu quả. Ngoại trưởng Sergei Lavrov nhấn mạnh: “Không thể ổn định tình hình và tiến hành cuộc đối thoại quốc gia, nếu chính quyền hiện nay tại Ukraine tiếp tục bỏ qua lợi ích của các khu vực phía Đông Nam đất nước".
Các nhà quan sát cho rằng lối thoát cho cuộc khủng hoảng tại Đông Nam Ukraine là cải cách hiến pháp. Ủy ban đặc biệt lâm thời được lập ra tại Kiev sau cuộc đảo chính đang chuẩn bị dự thảo sửa đổi Hiến pháp Ukraine để trình lên Quốc hội. Tổng thống lâm thời, kiêm Chủ tịch Quốc hội Turchinov đã đề xuất với các đại biểu gia hạn công việc của Ủy ban đặc biệt thêm một tháng, tức là đến giữa tháng 5 tới.
Cho đến nay, những người biểu tình ở Đông Nam Ukraine cũng khẳng định mục tiêu của họ không phải là sáp nhập vào Nga, mà là muốn có một hệ thống liên bang và họ có chính quyền riêng ở vùng Donbass.
Do những yếu tố lịch sử để lại, đất nước Ukraine đang tồn tại 3 phái khác nhau. Phái ủng hộ Nga gồm 11 tỉnh miền Đông Nam với "thủ đô" là Kharkov, phái trung dung gồm 7 tỉnh miền Trung với thủ đô là Kiev và phái theo phương Tây gồm 8 tỉnh miền Tây với thủ phủ là Lvov. Hiển nhiên, 3 phái với những lợi ích khác nhau nên ủng hộ 3 chủ trương khác nhau. Vì vậy, Nga cho rằng Ukraine không thể tồn tại như một quốc gia thống nhất mà chỉ có cách chuyển thành một nhà nước liên bang để các khu vực khác nhau có thể giữ được bản sắc riêng và đôi khi cả những quyền lợi xung đột mà không gây ra đổ vỡ. Moskva cho rằng đó là con đường duy nhất để bảo vệ quyền của các nhóm sắc tộc thiểu số như các nhóm nói tiếng Nga khỏi những người theo chủ nghĩa dân tộc thuần túy tại Ukraine.
Hiện Ukraine đang tính tới cuộc trưng cầu dân ý về quy chế liên bang cùng lúc với bầu cử tổng thống vào ngày 25/5 tới. Ông Turchinov khẳng định không phản đối trưng cầu ý dân và mong muốn tuyệt đại đa số người dân Ukraine sẽ ủng hộ một đất nước Ukraine nhất thể và thống nhất.
Thanh Bình