Ước mơ hòa bình trên mảnh đất Syria

Rời Moskva trong một buổi chiều lạnh lẽo của nước Nga những ngày trung tuần tháng 11, chuyến bay dài đưa chúng tôi đến thủ đô Damascus của Syria.

Chú thích ảnh
Chiến sự bùng phát ở Syria khiến hàng chục nghìn người thương vong và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa trở thành người tị nạn. Ảnh: Trần Hiếu/Pv TTXVN

Đây cũng là chuyến đi đầu tiên của chúng tôi đến một quốc gia Arab, đất nước mà cuộc xung đột dai dẳng sắp tròn 10 năm (bùng phát hồi tháng 3/2011) tới nay đã cướp đi sinh mạng của khoảng nửa triệu người, khiến hơn 1 triệu người bị thương. Khoảng 5,6 triệu người đã chạy khỏi Syria để tránh chiến tranh xung đột, chủ yếu sang các nước láng giềng, chưa kể 6 triệu người nữa phải rời bỏ nhà cửa lang bạt trong lãnh thổ Syria.

Cảm nhận đầu tiên khi ngắm thủ đô Damascus từ trên máy bay là thành phố này của Syria không sáng sủa như Moskva. Đèn điện trong thành phố chỉ đủ dùng, nhiều khu vực vẫn tối và Sân bay quốc tế Damascus có lẽ là điểm sáng nhất. Đoàn các phóng viên nước ngoài, trong đó có chúng tôi, tới Damascus đưa tin Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria nhanh chóng làm thủ tục ở sân bay, rồi được xe cảnh sát, nhân viên an ninh hộ tống đưa đến khu tổ hợp Grand Town gần sân bay, nơi diễn ra hội nghị.

Vấn đề người tị nạn Syria hiện nay đã trở thành vấn đề quốc tế lớn. Ước tính trong tổng số dân gần 17 triệu người Syria (thống kê năm 2018), gần 12 triệu người phải chạy nạn ở cả trong và ngoài nước. Đây quả là con số khủng khiếp. 

Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria lần này có lẽ là hội nghị đầu tiên quy mô như vậy nhằm giải quyết vấn đề người tị nạn Syria. Hội nghị do Chính phủ Syria tổ chức với sự hỗ trợ tích cực của LB Nga và có đại diện của gần 20 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế tham dự. Tuy nhiên, rất nhiều đối tác quan trọng, như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), hay những nước hiện có một lượng lớn người Syria chạy sang tị nạn như Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, lại không tham gia hội nghị. 

Chính phủ của Tổng thống Syria  Bashar al-Assad coi vấn đề người tị nạn Syria là vấn đề quốc gia và cam kết sẽ nỗ lực hồi hương đến người tị nạn cuối cùng, bất chấp tình hình kinh tế-xã hội của đất nước Trung Đông này vẫn hết sức khó khăn do chiến tranh tàn phá cũng như do những chiến dịch bao vây, cấm vận của các nước phương Tây nhằm vào Syria. Tuy nhiên, nhiều đối tác phương Tây và một số quốc gia khu vực cho rằng chưa đủ điều kiện để người tị nạn “tự nguyện” quay trở về với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, nên không tạo thuận lợi cho việc hồi hương người tị nạn. Bên cạnh đó, dường như những toan tính chính trị của mỗi đối tác trên "bàn cờ Syria" cũng chính là rào cản khiến việc giải quyết và trợ giúp người tị nạn Syria trở nên khó khăn. 

Trong thời gian diễn ra hội nghị, chúng tôi đã đến thăm trại tị nạn tạm thời Hirjila ở ngoại ô Damascus, gần sân bay, nơi hiện đang có hơn 800 người tị nạn sinh sống, hầu hết đến từ khu vực Idlib ở Tây Bắc Syria, giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Anh phóng viên người Syria làm việc cho một hãng truyền thông Nhật Bản, tình nguyện làm phiên dịch tiếng Arab cho tôi, cho biết trại tị nạn này được Chính phủ Syria lập ra cách đây 3 năm và có điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng tốt hơn nhiều các trại tị nạn khác trên đất nước Syria. Với hơn 400 căn nhà kiên cố, người dân tị nạn ở đây được cung cấp miễn phí thực phẩm và chăm sóc đầy đủ, đồng thời có nhà để ở chứ không phải sống trong các lều tạm. 

Ông Ali Khanum, bị cụt hai chân do bom đạn, ở làng al-For-ar thuộc tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, chia sẻ: “Chúng tôi rời al-For-ar do các nhóm khủng bố nã pháo và chiếm khu vực này”. Người dân làng ông phải chạy tới Aleppo, và rời Aleppo đến trại tị nạn khi chính phủ mở hành lang Halep - Aleppo. Hiện gia đình ông đã an toàn trong trại này, nhưng một người họ hàng của ông thất lạc giờ vẫn không biết ở đâu.

Còn cô Memarya 26 tuổi, có hai con nhỏ, cũng người vùng Idlib, bày tỏ: “Cuộc sống ở đây hiện đã tốt hơn. Chính phủ nỗ lực để có điều kiện tốt hơn cho người tị nạn từ Idlib đến trại này. Tuy nhiên, anh biết đấy, chúng tôi không có đủ thuốc men vì tình hình kinh tế tồi tệ ở Syria do các biện pháp trừng phạt mà Mỹ gây sức ép”. Nói về nguyên nhân mình đến trại Hirjila, cô Memarya cho biết: “Tôi đã sống một năm ở Idlib. Tuy nhiên, anh trai tôi đã bị khủng bố giết và chúng tôi quyết định tản cư đến đây”. Khi được hỏi về mong ước của mình, cô nói: “Tôi muốn trở về nhà. Còn nước Syria trở lại với cuộc sống cách đây 10 năm”.  

Ông Ali Khanum hay cô Memarya chỉ là 2 trong số hơn 800 người được sơ tán từ các vùng chiến sự ở tỉnh Idlib, nơi vốn là thành trì cuối cùng của lực lượng phiến quân đối lập tại Syria, và một số tỉnh lân cận. Tại trại tị nạn này, họ được bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu, được bảo đảm an ninh. Nhưng, trái tim họ vẫn hướng về những ngôi làng xa xôi ở Tây Bắc Syria, mảnh đất quê hương họ.

Tháng 3 vừa qua, thời điểm cuộc xung đột tại Syria bước sang năm thứ mười, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi nhanh chóng thúc đẩy đối thoại để tìm được giải pháp chính trị lâu dài cho tình hình Syria, bởi theo ông "một thập niên chiến tranh xung đột không mang lại điều gì tốt đẹp ngoài sự hủy hoại và nỗi khốn khổ của người dân". Từ đó tới nay, mặc dù các cuộc đối thoại nhằm thúc đẩy việc đàm phán sửa đổi Hiến pháp giữa chính quyền Syria và phe đối lập trên cơ sở tiến trình chính trị đề ra theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vẫn tiếp tục, song chưa đạt được kết quả mang tính đột phá. Dù chính quyền Damascus hiện đã kiểm soát khoảng 70% lãnh thổ Syria, song tình hình an ninh tại Syria vẫn còn những diễn biến đáng lo ngại, giao tranh nhỏ lẻ vẫn xảy ra.

Chú thích ảnh
 Khói bốc lên sau cuộc oanh kích của quân Chính phủ Syria nhằm vào các vị trí của quân nổi dậy ở phía Nam tỉnh miền Tây Bắc Idlib ngày 27/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Khó khăn lớn hiện nay Chính phủ Syria là một nền kinh tế suy sụp và cơ sở hạ tầng bị tàn phá nghiêm trọng, trong khi trước chiến tranh, người dân Syria thu nhập trung bình mỗi tháng từ 500-700 USD. Đại dịch COVID-19 bùng phát càng khiến tình hình thêm phức tạp. Trong khi đó, gánh nặng trừng phạt vẫn đè nặng. Ngay trước thềm Hội nghị quốc tế về hồi hương người tị nạn Syria, Mỹ và EU đồng loạt công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Damascus. 

Mất mát vô cùng lớn là cảm nhận của chúng tôi trên đường ra sân bay Damascus. Rời Syria, đất nước từng được xem như "xứ sở thần tiên của chàng Alladin", chúng tôi vẫn ám ảnh về ước mơ của một cụ bà với khuôn mặt nhăn nheo, khắc khổ, đi lại rất khó khăn mà chúng tôi đã gặp ở trại tị nạn tạm thời Hirjila. Hơn 2 năm trước, khi các nhóm khủng bố tấn công ngôi làng Kafriya ở vùng Idlib, nơi cụ sinh sống, cụ đã phải chạy nạn suốt 4 ngày từ Cafaria đến làng Jibrin gần thành phố Aleppo, rồi từ Jibrin đến đây. Ước mơ của bà cụ, chính là có một "Thần đèn" có thể giúp đất nước Syria trở lại cuộc sống hòa bình, như thời gian hơn 10 năm trước, để bà được về nhà, về làng Kafriya. Đó cũng là ước mong chung của hàng triệu người Syria trên mảnh đất đã bị chiến tranh, xung đột tàn phá suốt 10 năm này.

Duy Trinh - Trần Hiếu (Phóng viên TTXVN tại LB Nga)
Quân nổi dậy ở Syria tấn công đáp trả lực lượng ủng hộ chính phủ 
Quân nổi dậy ở Syria tấn công đáp trả lực lượng ủng hộ chính phủ 

Ngày 27/10, các nhóm nổi dậy ở Syria đã bắn hàng trăm tên lửa và đạn pháo vào các vị trí của quân chính phủ ở Đông Bắc Syria, đáp trả một vụ tấn công của lực lượng ủng hộ quân chính phủ một ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN