Thật khó để trả lời câu hỏi này, bởi riêng việc định nghĩa thế nào là “vaccine tốt nhất” cũng đã là thử thách không nhỏ. Liệu đó là vaccine bảo vệ cơ thể tốt hơn trước bệnh dịch nguy hiểm? Hay là vaccine có khả năng đề kháng mọi biến chủng virus đang hiện diện xung quanh? Là loại vaccine cần ít liều tiêm nhất? Loại phù hợp nhất với lứa tuổi? Hay là loại đại diện tổng hòa các yếu tố trên?
Ngay cả khi đã định nghĩa được khái niệm “tốt nhất”, vấn đề nảy sinh tiếp theo sẽ là liệu người mong muốn tiêm ngừa có tiếp cận được “vaccine tốt nhất” đó hay không. Khi loại vaccine phù hợp như mong đợi còn chưa dồi dào, phần lớn người dân trên thế giới sẽ được tiêm ngừa bằng bất kể loại vaccine nào sẵn có.
Vậy nên “vaccine tốt nhất” đơn giản chính là loại vaccine đang có sẵn cho người tiêm, đó có thể là câu trả lời rõ ràng, hợp lý nhất. Nếu cách lý giải trên vẫn chưa thực sự thuyết phục, mọi người sẽ phải chấp nhận một thực tế: Rất khó để so sánh chất lượng, hiệu quả giữa các loại vaccine, vì một số lý do sau đây.
Nhiều người quan niệm kết quả thử nghiệm lâm sàng của vaccine, nhất là ở giai đoạn 3, có thể giúp đưa ra câu trả lời về “vaccine tốt nhất”. Nhưng có thể đây chỉ là một thông số tham khảo. Những thử nghiệm lâm sàng, thường được tiến hành trên phạm vi hàng chục nghìn tình nguyện viên, đi vào so sánh số ca nhiễm bệnh ở nhóm đối tượng được tiêm vaccine và số được tiêm giả dược. Từ mức độ chênh lệch đó sẽ cho ra thông số về hiệu quả vaccine, nói cách khác là khả năng kháng virus của vaccine trong các điều kiện được kiểm soát chặt chẽ của thử nghiệm lâm sàng.
Đã có thông tin về mức hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19. Đơn cử, thử nghiệm lâm sàng cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả 95%, trong khi tỉ lệ đó đối với vaccine AstraZeneca khoảng 90% tùy theo cơ chế tiêm.
Nhưng việc so sánh hiệu quả ở giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng là phức tạp, bởi thử nghiệm được tiến hành trong các điều kiện khác nhau về thời gian, địa điểm; người tham gia thử nghiệm khác nhau về độ tuổi, sắc tộc, điều kiện bệnh nền… Đặc điểm này khiến việc định lượng giảm lây nhiễm trong cộng đồng có thể khác nhau.
Việc so sánh hiệu quả trực tiếp giữa hai loại vaccine là điều có thể thực hiện được, thông qua các nghiên cứu song song. Theo đó, các chuyên gia sẽ so sánh kết quả của những người được tiêm vaccine này với người được chích ngừa vaccine khác trong cùng điều kiện thử nghiệm lâm sàng. Tại Anh, các nhà khoa học đã bắt tay tiến hành nghiên cứu mô hình này giữa vaccine AstraZeneca với vaccine Valneva, nhưng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phải đến cuối năm nay mới hoàn tất.
Trong khi chờ kết quả đo lường này, điều cần quan tâm nhất chính là công dụng của vaccine khi triển khai tiêm chủng đại trà trong cộng đồng, vượt khỏi khuôn khổ thử nghiệm lâm sàng. Ở đây, dữ liệu quốc tế sẽ cho ra thông số về độ hữu hiệu của vaccine (effectiveness) - thước đo về tác dụng của vaccine khi được triển khai trong cộng đồng.
Độ hữu hiệu của vaccine ở một chừng mực nào đó quan trọng hơn mức hiệu quả và có thể so sánh được thông qua chiến dịch tiêm chủng sử dụng nhiều loại vaccine khác nhau trong cùng một cộng đồng dân cư.
Đơn cử, dữ liệu mới nhất của Anh cho thấy cả vaccine Pfizer và AstraZeneca đều có độ hữu hiệu ngang nhau, khi đều là loại vaccine đáng tin cậy, giúp giảm triệu chứng nhiễm bệnh, giảm hàm lượng virus trong cơ thể, giảm tình trạng bệnh tăng nặng, giảm số ca tử vong. Trong trường hợp này, việc bê nguyên độ hiệu quả của vaccine trong thử nghiệm lâm sàng để khẳng định “vaccine tốt nhất” khi tiêm chủng trong thực tế có thể sẽ không chính xác.
Nói cách khác, “vaccine tốt nhất” có thể là một tập hợp nhiều loại vaccine. Đó chính là những vaccine sẵn có, có thể tiếp cận được, giúp người tiêm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, giảm mức độ lây lan trong cộng đồng và giảm nguy cơ bệnh tăng nặng đến mức phải nhập viện. Mọi loại vaccine đã được cấp phép đều có được công dụng này và vì thế “vaccine tốt nhất” có lẽ là loại vaccine sẵn có.