Vai trò BRIC trong hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu

Cách đây 10 năm, Chủ tịch Goldman Sachs Asset Management (GSAM) Jim O'Neill trong bài viết “Thế giới cần các nền kinh tế BRIC mạnh hơn” đăng trên báo "Bưu điện Giacácta", nhận định rằng Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Braxin có thể nhanh chóng trở nên mạnh hơn. Mới đây, trong bài viết “Thế giới cần một BRIC như thế nào sau 10 năm” cũng đăng trên báo này, ông Jim đã lưu ý rằng, bốn quốc gia thành viên BRIC thậm chí còn mạnh hơn ông dự kiến, khi đã trở thành “thương hiệu” cả về thương mại lẫn văn hóa và tạo thành một nhóm chính trị.

Jim O'Neill dự báo, trong bối cảnh có rất nhiều mối quan tâm lớn về kinh tế thế giới hiện nay, nhất là những khó khăn liên quan tới khủng hoảng nợ của nhiều nước phát triển trên thế giới, bốn nền kinh tế đang nổi nói trên và một số nền kinh tế khác sẽ tiếp tục gia tăng về quy mô. Sự giàu có, thịnh vượng của những nền kinh tế này sẽ không chỉ thúc đẩy vai trò của họ trên thế giới, mà còn mang lại cho họ một tương lai tốt đẹp hơn. Sự tăng trưởng liên tục của các nước BRIC là điều tốt lành cho chính họ và cho phần còn lại của thế giới. Với sự tăng trưởng này, thế giới sẽ chứng kiến những cải thiện đáng kể về quá trình hoạch định chính sách toàn cầu của những nước này.

Trước hết, nếu BRIC tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng thì nhóm này sẽ trở thành một phần lớn hơn của kinh tế thế giới với tỷ trọng tăng từ 8% lên 14% năm 2010 và 20% năm 2011, tức là tăng từ 3.000 tỷ USD ban đầu lên 13.000 tỷ USD hiện nay và chiếm 1/3 mức tăng GDP danh nghĩa của toàn cầu trong thập kỷ vừa qua. Tốc độ tăng trưởng thực tế của BRIC khoảng 8% đã giúp cho tốc độ tăng trưởng trung bình của thế giới đạt mức 3,5% bất chấp những khó khăn to lớn trong giai đoạn 2001 - 2002 và từ năm 2008. Nếu không có sự đóng góp này thì mức tăng trưởng trung bình của toàn cầu chỉ khoảng 1,6%.

Với tổng GDP 13.000 tỷ USD, BRIC (chưa tính đến thành viên mới Nam Phi) có thể gọi nhóm này là “nền kinh tế Mỹ mới”. Trong tương lai gần, bốn nước BRIC có thể có mức tăng trưởng chậm lại, nhưng tỷ trọng trong GDP toàn cầu của nhóm vẫn tiếp tục tăng. Trung Quốc dường như chỉ đặt mức tăng trưởng 7 - 8% khi đang phải đối mặt nhiều thách thức, Ấn Độ có thể tăng tốc và đạt được mức tăng trưởng như của Trung Quốc, nếu vẫn tiếp tục cải cách, mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài vào ngành bán lẻ. Trong một vài năm tới, tổng GDP của các nước BRIC sẽ vượt Mỹ và châu Âu.

Căn cứ vào khả năng tăng trưởng của BRIC, nhóm này cần đóng vai trò trung tâm hơn nữa trong việc hoạch định chính sách kinh tế toàn cầu. Cuộc khủng hoảng năm 2008 đã đặt G-20 vào trung tâm hoạch định chính sách thế giới, nhưng với thực trạng kinh tế Mỹ và châu Âu đầy khó khăn như hiện nay thì tiếng nói của BRIC trong G-20 đã trở nên có “trọng lượng” hơn.

Theo tác giả, mỗi thành viên của nhóm BRIC nên cùng với Mỹ, Nhật Bản và khu vực đồng euro, có thể cả Canađa và Anh trở thành trung tâm của một G mới, có thể là G-9, hoặc nếu loại Anh và Canađa, thì sẽ là một G-7 mới. Như vậy, BRIC phải có tư cách đại diện ít nhất cũng như Pháp, Italia và Đức trong các cơ quan toàn cầu và G-7, để cho phép và đảm bảo sự quản lý toàn cầu hiệu quả hơn.

Tác giả nhấn mạnh, quy mô của cuộc khủng hoảng đang diễn ra cần phải được các nhà lãnh đạo châu Âu nhìn nhận là động lực để tiến hành các biện pháp “táo bạo” và “kiên quyết” hơn, trong khi các nước BRIC phải thấy “vận may” và “vai trò” của họ gia tăng để mang lại nhiều cơ hội hơn nữa cho phần còn lại của thế giới.

Việt Tú (P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN