Vấn đề hạt nhân Iran: Giờ G sắp điểm

Tờ "Chính trị thế giới" cho rằng một cuộc chạy marathon ngoại giao đang diễn ra quyết liệt khi chỉ còn gần 3 tuần nữa, ngày 31/3, là thời hạn chót để ký một thỏa thuận chính trị, hay còn gọi là thỏa thuận khung giữa Iran với nhóm P5+1, gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức về vấn đề hạt nhân Iran, giai đoạn tiên quyết cho việc ký thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng 6 tới.

Vì thời gian gấp rút như vậy, nên trên thực tế, cuộc marathon ngoại giao này đã diễn ra từ nhiều tuần nay giữa hai bên (Iran và P5+1) để giải quyết những bất đồng có thể cản trở việc ký một thỏa thuận cuối cùng. Ngày 5/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Thụy Sĩ để một lần nữa gặp riêng người đồng cấp Iran Javad Zarif trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc thảo luận gay gắt giữa các nhà thương lượng của Iran và P5+1.

Trước khi tới Thụy Sĩ, ông Kerry đã cảnh báo Iran rằng thời điểm quan trọng đang tới gần để người Ba Tư có thể chứng tỏ với thế giới một cam kết rằng nước này không tìm cách sản xuất bom nguyên tử. Ông Kerry khẳng định: “Iran không bao giờ có quyền sở hữu bom nguyên tử bởi vì nước này đã ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ 2, phải). Ảnh: AFP/TTXVN


Đúng là các cuộc thương lượng sắp tới đây sẽ có tính chất quyết định bởi vì nó sẽ đề cập đến những cơ sở cơ bản của một thỏa thuận do Mỹ đưa ra vào ngày 27/2 vừa qua. Không thông báo chi tiết nội dung của bản dự thảo này, nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ đã đưa ra các nguyên tắc mà Iran phải "đương nhiên chấp nhận", trong đó có việc Iran không được phép sản xuất plutoni nhằm mục đích quân sự tại lò phản ứng Arak, cũng như không được phép sử dụng nhà máy Fordo để làm giàu urani.

Mỹ chỉ chấp nhận cho Iran sử dụng địa điểm Natanz để làm giàu urani, nhưng cũng chỉ được phép làm giàu ở mức đủ để sử dụng cho hạt nhân dân sự, tuyệt đối không được làm giàu urani đến mức có thể chế tạo vũ khí giết người hàng loạt. Ngoài ra, theo yêu cầu của Mỹ, Iran phải giảm một cách đáng kể số máy ly tâm và phải cho phép các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát tất cả các địa điểm hạt nhân của mình vào bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết.

Về vấn đề dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran, Mỹ đề nghị giảm bớt “dần dần”. Thế nhưng Iran nhấn mạnh rằng những sự trừng phạt phải được hủy bỏ hoàn toàn ngay sau khi thỏa thuận được ký. Với chừng ấy bất đồng về những vấn đề chủ chốt, người ta vẫn có thể hoài nghi về khả năng ký được thỏa thuận này đúng lịch trình.


Theo đánh giá của Nhà Trắng cơ may thành công là 50/50. Vì Mỹ không muốn nhượng bộ thêm nữa, nên không có gì bảo đảm một thỏa thuận được ký trước thời hạn cuối cùng. Trên thực tế, thái độ hoài nghi này là do nhiều nhân tố, trong đó Mỹ chỉ trích Iran luôn thể hiện thái độ “cầm chừng” để tranh thủ thời gian, kéo dài thương lượng. Những người hoài nghi cho rằng chính trong thời gian đàm phán, Iran vẫn không ngừng thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình, nhưng trên bàn đàm phán, họ vẫn tiếp tục có thái độ "cởi mở" với một thỏa thuận với nhóm P5+1.

Theo các chuyên gia, có một điều chắc chắn là Iran sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ về chương trình hạt nhân của mình, vì nhiều chính khách của nước này từng tuyên bố rằng đấy là danh dự của đất nước, là phẩm giá của dân tộc. Iran luôn nuôi dưỡng giấc mơ trở thành một siêu cường khu vực và quyết tâm thực hiện nó. Vì vậy, trong khi chờ đợi kết quả của các cuộc thảo luận đang diễn ra, Iran vẫn tiếp tục chiến thuật là đưa ra những dấu hiệu mâu thuẫn nhau.

Dư luận cũng không thể không chú ý tới một thực tế là trong khi cuộc thương lượng hạt nhân đang ở vào giai đoạn quyết định, tuần qua quân đội Iran đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân ở eo biển Hormuz, cửa ra vào vô cùng quan trọng của Vùng Vịnh, nơi vận chuyển phần lớn lượng dầu mỏ của khu vực Trung Đông ra thế giới, và nơi đây hiện đang neo đậu nhiều tàu chiến của phương Tây, phục vụ cuộc chiến chống tổ chức khủng bố mang tên "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Với lực lượng hải quân lên tới 20.000 quân, trong quá khứ, Iran đã từng nhiều lần đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz nếu họ bị tấn công quân sự.

Đối với thỏa thuận hạt nhân cuối cùng, theo giới quan sát, ngoài thái độ mập mờ, "câu giờ" của Iran, thái độ dè dặt của các phần tử bảo thủ và diều hâu của Mỹ, kiên quyết phản đối một thỏa thuận như vậy với Iran, cũng là một nhân tố rất đáng lo ngại. Ngoài ra, nhiều người cho rằng cũng không nên coi thường ảnh hưởng của Israel, nước đang ra sức làm tất cả để ngăn chặn thỏa thuận ấy. Thủ tướng nước này là Benjamin Netanyahu cách đây ít ngày đã đến tận phòng họp của Quốc hội lưỡng viện Mỹ để đọc một bài diễn văn, kêu gọi các nghị sĩ nước chủ nhà tẩy chay thỏa thuận hạt nhân với Iran và công kích hướng tiếp cận "quá mềm mỏng" của chính quyền Dân chủ đang cầm quyền ở Mỹ đối với Iran. Và đương nhiên, hoạt động ấy của ông Benjamin Netanyahu rất có thể cũng góp phần làm cho các cuộc thương lượng đang đi tới đích về vấn đề hạt nhân của Iran càng thêm phức tạp.


TTK

Mỹ, Pháp thống nhất về chiến lược đàm phán hạt nhân Iran
Mỹ, Pháp thống nhất về chiến lược đàm phán hạt nhân Iran

Ngày 7/3, các nhà ngoại giao Mỹ và Pháp khẳng định đã thống nhất với nhau về chiến lược cũng như mục tiêu nhằm đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN