Dù đã được cảnh báo rất nhiều và Bỉ đã có nhiều biện pháp về an ninh để ngăn chặn thảm họa khủng bố diễn ra, nhưng rốt cuộc những kẻ khủng bố vẫn thực hiện được tội ác của chúng ngay tại những địa điểm đông người và đúng vào giờ cao điểm giữa lòng châu Âu. Khủng bố đang tiếp tục gây bàng hoàng và thách thức cả châu Âu và ngày 22/3 không chỉ là "ngày đen tối" đối với Bỉ mà đối với cả châu Âu.
Thực tế, Bỉ - nơi có nhiều văn phòng của các tổ chức thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - mới là mục tiêu dễ nhắm tới nhất của các nhóm khủng bố. "Pháo đài Hồi giáo", "Lò phát sinh bạo lực", “Trung tâm của vũ khí lậu" và "Quận Thánh chiến",… là những gì mà báo chí toàn thế giới đã mô tả về nước Bỉ và thủ đô Brussels từ nhiều tháng qua. Đất nước Bỉ nhỏ bé có đến hơn 400 công dân đã trốn đến Syria để chiến đấu cho IS, con số cao hơn bất kỳ nước nào khác tại châu Âu. Sự chỉ trích của công chúng Bỉ đối với chính sách an ninh của chính phủ ngày càng tăng lên, khi mà mỗi ngày trôi qua, truyền thông lại đưa tin nhiều hơn về tình trạng thiếu kiểm soát an ninh tại quốc gia này.
Những thảm kịch khủng bố hồi năm ngoái ở Paris luôn gắn với những đối tượng xuất thân từ Brussels và quận Molenbeek là vùng ngoại ô "đáng sợ" nhất. Dân số quận này có đến hơn 50% là người nhập cư. Phần đông người nhập cư cũng không gây ra vấn đề gì với người dân và chính quyền sở tại, nhưng có một số lượng không nhỏ có cách hành xử khác biệt. Hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy ngầm được cho là diễn ra khá phổ biến. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này là 30%, trong khi chỉ số trung bình trong nước là 8,4%. Ngoài các vụ khủng bố tháng 11/2015 ở Paris, những phần tử xuất thân từ Molenbeek còn tham gia vào việc lên kế hoạch hoặc thực hiện một số vụ tấn công lớn trên thế giới.
Cảnh sát Bỉ phong tỏa tuyến đường dẫn tới Molenbeek trong chiến dịch truy quét khủng bố ngày 18/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một nguyên nhân khác khiến Bỉ trở thành mục tiêu của các vụ tấn công khủng bố là bởi quốc gia này được coi là thị trường lớn về vũ khí lậu. Lâu nay, hoạt động kinh doanh và buôn lậu súng ở Bỉ đã trở thành một ngành kinh doanh phát đạt và có quy mô lớn nhất châu Âu. Nhiều chuyên gia an ninh cảnh báo " nếu có 500 đến 1000 euro ở Brussels, chỉ mất nửa giờ là kiếm được vũ khí".
Bỉ cũng vấp phải những khó khăn nhất định cả trong hệ thống quản lý. Trên bình diện đảm bảo an ninh, 19 khu vực của thủ đô thuộc quyền kiểm soát của sáu đơn vị cảnh sát riêng biệt, gây phức tạp cho việc trao đổi thông tin về truy tìm tội phạm trong phạm vị toàn Brussels. Ngoài ra, nước Bỉ bị chia tách thành 3 vùng với ngôn ngữ và văn hóa khác nhau hoàn toàn, chính vì vậy cơ quan an ninh sở tại gặp nhiều khó khăn trong việc phối hợp điều tra, bắt giữ tội phạm cũng như hợp tác tình báo. Luật pháp Bỉ cũng được cho là đang làm khó các cơ quan an ninh. Hiện tại, cảnh sát không được phép theo dõi các cuộc nói chuyện trên điện thoại, vì thế họ khó có thể phát hiện được những kẻ đang có âm mưu khủng bố.
Cả châu Âu đang phẫn nộ và lo lắng. Sau Pháp, Bỉ đã trở thành nạn nhân của nhóm khủng bố IS tự xưng. Chưa thể nói trước nước nào ở châu Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của chúng khi mà các mạng lưới chân rết của IS đã trải rộng khắp châu lục. Một châu Âu đang đau đầu giải quyết vấn đề người di cư và nỗi lo nước Anh rời khỏi EU, giờ lại chồng chất thêm nguy cơ khủng bố. Có lẽ sự đoàn kết và đồng lòng là chưa đủ mà châu Âu cần có một cách tiếp cận mới, một phương thức hợp tác mới để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ khủng bố.