Đó là câu hỏi được đặt ra trong trong bài viết với tựa đề "Tại sao châu Âu cần đề phòng Thổ Nhĩ Kỳ" của nhà báo Adriel Kasonta thuộc Trung tâm Báo chí châu Âu về nghiên cứu quốc tế và an ninh trên trang tin "National Interest" (Mỹ).
Người dân Syria tại khu dành cho người tị nạn ở Nizip, tỉnh Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk có vẻ như chưa thật sự cẩn trọng trong quá trình nghiên cứu. Quyết định cung cấp gói viện trợ trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người tị nạn tồi tệ nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay.
Theo thỏa thuận hồi tháng trước về kế hoạch hành động để hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giảm gánh nặng người tị nạn ở châu Âu, các nguyên thủ "Lục địa già" đã quyết định cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ gói viện trợ trên trong hơn hai năm nhằm nới lỏng các hạn chế thị thực và đẩy nhanh giai đoạn theo dõi, đánh giá về khả năng nước này gia nhập EU.
Khoản viện trợ được mô tả là một thỏa thuận "bẩn", do thực tế không có sự đồng thuận giữa các nước thành viên EU trong chương trình viện trợ này. Khoản viện trợ bao gồm 500 triệu euro từ ngân sách của EU còn 2,5 tỷ euro còn lại là đóng góp của các quốc gia thành viên, trong đó số tiền yêu cầu từ mỗi quốc gia đều được dựa trên cùng một công thức sử dụng để xác định những đóng góp của nước thành viên vào ngân sách EU. Điều này có nghĩa là Đức sẽ phải chi tiền nhiều nhất (534 triệu euro), tiếp theo là Anh (410 triệu euro) và Pháp (6 triệu euro).
Mặc dù trên thực tế, Berlin đóng góp lớn nhất, nhưng Thủ tướng Đức Angela Merkel (người đã sẵn sàng chấp nhận gần 1 triệu người tị nạn trong mùa hè vừa qua) đã đặt mình dưới áp lực, sức ép chính trị rất lớn và buộc phải hủy chuyến thăm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trước thềm bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời đặt áp lực lên các nước thành viên EU còn lại trong việc hoàn tất thỏa thuận với nước này.
Tuy nhiên, ý tưởng này đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của các nước thành viên EU ở khu vực Đông Âu như Hungary, Slovakia, Cộng hòa Séc và Ba Lan, trong đó tập trung phản đối vấn đề liên quan tới một quốc gia không phải là thành viên EU.
Đề cập đến vấn đề di cư ở Malta vừa qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU- Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Hungary Viktor nêu rõ: "Chúng tôi không muốn ngồi xuống đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ, đàm phán chỉ khiến họ nghĩ rằng họ là cơ hội cuối cùng để cứu chúng tôi khỏi làn sóng di cư".
Trong khi đó, nhà phân tích nổi tiếng Fadi Hakura thuộc Chatham House (Anh) đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về độ tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ khi gia nhập EU, khi các nước phương Tây dường như sẵn sàng gạt các giá trị châu Âu sang một bên để giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, như lời "nguyền" của nhà triết học nổi tiếng người Pháp F.M Voltaire: "Khi liên quan đến vấn đề tiền bạc, tất cả mọi người đều cùng một tôn giáo".
Điều đáng ngạc nhiên là khi chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy, người ta "nhắm mắt làm ngơ" trước những thiếu sót về quyền con người của Thổ Nhĩ Kỳ, và "gật đầu" trước những khoản tiền mà Ankara mong muốn, trong khi EU thừa biết rằng "Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn gia nhập EU chủ yếu vì lý do kinh tế, chứ không phải là để nâng cao chất lượng dân chủ và nhân quyền trong nước".
Hơn nữa, khi các nhà báo bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ sự thật về việc Ankara cung cấp vũ khí cho chiến binh thánh chiến ở Syria và tiếp đó là vụ bất hòa gần đây nhất với Nga đã biến cam kết hỗ trợ đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng của Thổ Nhĩ Kỳ, nhất là sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris, trở nên phức tạp và viển vông hơn.
Tuy nhiên, ông Donald Tusk nhấn mạnh: "Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác, vẫn phải ký kết thỏa thuận với một đất nước có cội nguồn lịch sử và văn hóa không bắt nguồn từ châu Âu".