Thành viên lực lượng quân đội Chính phủ Syria đứng canh gác bên ngoài một tòa nhà phá hủy ở Đông Ghouta ngày 2/4. Ảnh: Reuters |
Sau hàng tuần giao tranh khốc liệt giữa quân đội Syria được Nga hậu thuẫn và các nhóm phe nổi dậy tại khu vực Đông Ghouta, Chính phủ Syria đã giành được quyền kiểm soát 90% vùng ngoại ô chiến lược của thủ đô Damascus.
Đây là kết quả của một thỏa thuận đạt được giữa Nga và các nhóm nổi dậy, khi các nhóm này chấp thuận rời khỏi khu vực và di chuyển lực lượng còn lại của mình về thành phố Idlib ở Tây Bắc Syria. Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ còn 1 bước nữa là giành chiến thắng vang dội nhất kể từ lần giải phóng Aleppo vào tháng 12/2016.
Ngay từ giai đoạn đầu Chiến dịch Thép Damascus ở phía Đông Ghouta được phát động tháng 2/2018, Nga luôn thể hiện là một nhân tố hậu thuẫn tích cực đối với Chính phủ Syria, bằng cách hỗ trợ trên không cho quân đội nước này đồng thời chủ trì đàm phán với các nhóm nổi dậy về những thỏa thuận sơ tán. Xét về mặt ngoại giao, Moskva đã ngăn chặn được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua một nghị quyết mà có thể dẫn tới kết quả “trói tay" chính quyền Syria trong cuộc chiến với các nhóm thánh chiến.
Trong khi đó, một đồng minh chủ chốt khác của Tổng thống Assad là Iran lại hạn chế tham gia các hoạt động quân sự, nhường nhiệm vụ cho Moskva và Damascus.
Mặc dù Iran luôn luôn tuyên bố các hoạt động quân sự của nước này tại Syria là mang “bản chất cố vấn”, song với chiến dịch lần này không hề có bất kỳ báo cáo hay thông tin nào về sự xuất hiện của các tướng lĩnh quân đội Iran hoặc thậm chí là những binh sĩ ủng hộ Iran tại Đông Ghouta. Động thái duy nhất của Iran về vấn đề này là khi Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi ngày 22/2 lên tiếng bày tỏ quan ngại của quốc gia này về tình hình khu vực, cũng như kêu gọi một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Vậy lí do gì đã khiến Iran bất ngờ phá vỡ truyền thống lâu năm “ủng hộ chính quyền Damascus trong việc chống lại các nhóm nổi dậy và khủng bố” suốt 7 năm qua? Đây sẽ đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược về Syria của Iran hay đơn thuần chỉ là một bước đi chiến lược nhằm đạt được mục tiêu cụ thể nào đó? Để đi tìm câu trả lời, chúng ta hãy xem xét các yếu tố dưới đây.
Đầu tiên, bắt đầu từ ngày 18/2, chiến dịch tiến công của quân đội Syria tại Đông Ghouta được xúc tiến chỉ thời gian ngắn sau khi nước này bắn hạ một chiếc máy bay F-16 của Israel. Israel tố cáo đây là một phần trong âm mưu của Iran với mục đích muốn tình hình tại Syria leo thang căng thẳng.
Điều này dẫn tới việc chính quyền Tel Aviv mở một chiến dịch mới phản đối sự hiện diện của Iran tại Syria, coi đó là một mối đe dọa trực tiếp tới Israel. Chính vì vậy, bất kỳ sự dính dáng quân sự nào của Iran, tại Ghouta hay ở nơi khác Syria, đều được Tel Aviv coi là cái cớ để gây sức ép lên Tehran, bao gồm thông qua các hành động quân sự nhằm vào lực lượng ủng hộ Iran và ủng hộ Tổng thống Assad tại Syria.
Iran nhận thức rõ rằng sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sụp đổ ở Iraq và Syria, ảnh hưởng của Iran tại Syria luôn là mối quan tâm hàng đầu của Mỹ. Hiện giờ, mặc dù Iran không có bất kỳ hoạt động quân sự nào tại Đông Ghouta, song Mỹ vẫn tiếp tục cáo buộc Tehran cùng với Moskva và Damascus giết hại dân thường vô tội trong khu vực. Với việc Mỹ tố cáo Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học trong chiến dịch Ghouta, Iran hiểu rõ bất kỳ sự dính dáng quân sự nào của nước này tại Syria cũng sẽ khiến Washington dễ dàng hơn thực hiện trả đũa, bao gồm các cuộc tấn công quân sự, nhằm hạn chế thắng lợi của quân đội Syria.
Bên cạnh đó, mục tiêu chính của Iran khi tham gia nhiệm vụ quân sự tại Syria là để đánh đuổi khủng bố và phiến quân khỏi càng nhiều khu vực càng tốt. Với Đông Ghouta, mục tiêu đó có thể đạt được một cách nhanh chóng chỉ bằng đội quân Syria và sự hậu thuẫn của Nga mà Iran không cần phải tham gia trực tiếp.
Tình hình tại Đông Ghouta nhận được sự quan tâm chú ý từ dư luận quốc tế, đặc biệt là trên quan điểm nhân đạo. Điều này có nghĩa là quân sự không phải là phương án duy nhất và hiệu quả nhất trong việc tìm lại sự bình yên trong khu vực, mà phải cần đạt thỏa thuận với các nhóm nổi dậy. Không giống với Nga, Iran không thể - hoặc không sẵn lòng – thiết lập bất kỳ kênh đối thoại hiệu quả nào với phiến quân. Chính vì vậy, nhiệm vụ đàm phán và đạt thỏa thuận hoàn toàn được giao phó cho Moskva.
Quan trọng hơn, trong khi Nga đang tìm cách ngăn chặn nghị quyết ngừng bắn ở Đông Ghouta của HĐBA, thay vào đó là một dự thảo nghị quyết yêu cầu tiếp tục hoạt động quân sự chống khủng bố ở khu vực, thì Iran lại phải nhận sức ép từ LHQ với những cáo buộc liên quan tới xung đột ở Yemen. Do vậy, nếu Iran tham gia chiến dịch Đông Ghouta, đó có thể được sử dụng làm bằng chứng cho thấy Iran đóng vai trò hủy diệt trên khắp khu vực.
Cuối cùng, chiến dịch Đông Ghouta trùng thời điểm với chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin. Nói một cách khác, với thái độ “dửng dưng” của Iran đối với cả hai chiến dịch, mặc dù Iran cũng có một vài tuyên bố chỉ trích động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, rất có thể việc Iran không đoái hoài tới tình hình Syria hiện giờ là kết quả của một thỏa thuận giữa Tehran, Moskva và Ankara. Iran có lẽ nhất trí “án binh bất động” tại cả hai trận địa Afrin và Ghouta nhằm giành được sự chấp thuận của Ankara cho chính quyền Syria xúc tiến chiến dịch vào phía đông ngoại ô Damascus.