Vì sao Mỹ cho xuất khẩu dầu sau 40 năm?

Các chuyên gia dựa trên nhiều nguồn tin chính trị đã đưa ra dự báo rằng Mỹ sẽ sớm dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu đã tồn tại ở nước này từ năm 1975.

Việc dỡ bỏ lệnh cấm này là một phần của thỏa thuận chi tiêu dự kiến được đệ trình lên lưỡng viện Quốc hội Mỹ vào cuối tuần này. Vậy tại sao Mỹ lại ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu và việc dỡ bỏ quy định này sẽ có tác động như thế nào tới người tiêu dùng và doanh nghiệp nước này?

Ảnh chụp tháng 12/1973 khi xe ô tô phải xếp hàng dài trước trạm xăng ở thành phố New York do lệnh cấm vận của OPEC. Ảnh: AP

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đưa ra lệnh cấm vận sau khi Mỹ bắt tay cùng Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur hay còn được biết đến là cuộc chiến giữa các nước Arab và Israel năm 1973 khiến giá dầu tăng vọt từ 3 USD lên 12 USD. Ở thời điểm đó, nước Mỹ đã lâm vào cảnh lao đao vì thiếu xăng dầu.

Để trả đũa, Mỹ ban hành luật cấm xuất khẩu dầu vào tháng 12/1975 để đảm bảo nguồn dầu khai thác được tiêu thụ trong nước; tuy nhiên có ngoại lệ khi các công ty nước này được phép xuất khẩu tới một số nước nhất định được chấp thuận như Canada.

Vấn đề nguồn cung dầu mỏ của Mỹ đã vướng phải nhiều khó khăn vào những năm 70 của thế kỷ trước khi khai thác giảm mạnh do các giếng dầu gần cạn kiệt. Ngay cả khi có mỏ dầu Alaska cứu cánh trong những năm 1980 thì Mỹ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu vàng đen. Sản lượng khai thác của Mỹ từng chạm mốc gần 10 triệu thùng/ngày trong những năm đầu thập kỷ 70 nhưng đến năm 2008 đã giảm tới một nửa.

Tình thế đột ngột thay đổi hoàn toàn khi các công ty năng lượng Mỹ nắm trong tay “vũ khí lợi hại mới”: Đó là kỹ thuật khai thác dầu đá phiến. Ngay lập tức, sản lượng khai thác dầu của Mỹ nhảy vọt từ 5 triệu thùng/ngày năm 2008 thành 9 triệu thùng/ngày trong năm nay. Thậm chí còn xảy ra tình trạng bi hài khi trong tháng 3 năm nay Bộ Năng lượng Mỹ tiết lộ thành phố Cushing, bang Oklahoma- nơi được mệnh danh là "trung tâm lưu trữ" dầu của nước này với các bồn chứa lớn có khả năng lưu trữ 85 triệu thùng dầu, đang gặp phải tình trạng quá tải.

Diễn biến này tại Mỹ đã tác động khá mạnh tới giá "vàng đen" thế giới khiến trong tuần này, dầu thô đã giảm tới mức 35USD/thùng.

Một tàu chở dầu gần cảng Aransas, Texas. Ảnh: AP


Những công ty khai thác lớn như Exxon Mobil và thậm chí công ty nhỏ hơn như Continental Resources luôn đóng vai trò đầu tàu kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm. Họ muốn bán dầu khai thác tại Mỹ tới càng nhiều thị trường càng tốt, đặc biệt là những nước sẵn sàng trả cho họ mức giá hời.


Chính vì vậy lợi ích kinh tế là không hề nhỏ. Các chuyên gia kinh tế nhận định việc xuất khẩu dầu giúp giảm giá nhiên liệu và vì vậy từ ngành nông nghiệp cho tới hàng không Mỹ sẽ cắt giảm được khoản chi phí khá lớn đồng thời tạo động lực đầu tư vào giao thông và tạo thêm nhiều việc làm.

Vậy nhưng những nhóm hoạt động vì môi trường lại lo ngại rằng cuộc chạy đua của các công ty dầu mỏ Mỹ sẽ dẫn tới hậu quả ô nhiễm môi trường.

Việc kết thúc luật cấm xuất khẩu dầu đã có 40 năm tuổi cũng có thể coi là phần thưởng lớn đối với đảng Cộng hòa, bởi các nghị sĩ của đảng này luôn ủng hộ chấm dứt việc thực thi luật này. Đổi lại đảng này cũng thỏa hiệp với yêu cầu từ đảng Dân chủ về việc kéo dài thêm 5 năm ưu đãi cho nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời đồng thời đóng góp cho quỹ bảo vệ nguồn nước.

Hà Linh (Theo AP)
Bắc Mỹ loay hoay vận tìm cách chuyển dầu trong tương lai
Bắc Mỹ loay hoay vận tìm cách chuyển dầu trong tương lai

Ngành dầu mỏ Bắc Mỹ hiện đang gặp bài toán khó trong việc tìm đường vận chuyển dầu sau khi Tổng thống Barack Obama phủ quyết dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN