Trong khi quan hệ giữa Mỹ và EU với Nga đang trở nên căng thẳng xung quanh vấn đề Ukraine thì đồng minh châu Á của các nước này là Nhật Bản tìm mọi cách để tránh sự đối đầu trực tiếp với Nga. Quan hệ song phương Nhật Bản - Nga trong thời gian qua có nhiều tiến triển khiến Nhật Bản tiếp tục cân nhắc trong việc đưa ra phản ứng.Việc Tổng thống Putin sáp nhập Crimea (Crưm) đã gây ra những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga với các nước. Hôm 12/3, Nhật Bản cùng với các nước G-7 đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, trong quan hệ song phương với Nga thì các quan chức hàng đầu ở Nhật Bản tránh thái độ cứng rắn. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cố gắng tránh mọi chỉ trích đối với Tổng thống Putin về vấn đề Ukraine khi họp báo. Ông kêu gọi “tất cả các bên”, không chỉ có Nga mà cả Ukraine, “kiềm chế tới mức tối đa và thể hiện trách nhiệm”, đây là tuyên bố có thái độ mềm mỏng hơn nhiều so với tuyên bố của các lãnh đạo G-7.
Tổng thống Nga Putin tiếp Thủ tướng Nhật Abe trong chuyến thăm nhân dự khai mạc Thế vận hội mùa đông Sochi hồi tháng 2 vừa qua. |
Tokyo có rất ít lựa chọn nếu không hành động cùng các nước G-7. Mối quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật Bản là một lý do quan trọng. Michael Green, cựu quan chức Hội đồng Bảo an và một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Nhật, cảnh báo Nhật Bản có nguy cơ làm giảm vị thế trong câu lạc bộ các nước dân chủ - tự do nếu không tham gia lệnh cấm vận. Ngày 18/3, Nhật Bản đã công bố một số biện pháp trừng phạt Nga như hoãn đàm phán về nới lỏng cấp thị thực, dừng thảo luận hiệp định đầu tư song phương và dừng thỏa thuận khai thác vũ trụ một cách hòa bình, tuy nhiên những biện pháp này hầu như chỉ mang ý nghĩa biểu tượng.
Quan hệ Nga – Nhật bản đã tiến triển tốt hơn trong những năm qua. Chỉ tính riêng năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin năm lần để thúc đẩy quan hệ song phương, và gần đây nhất là cuộc gặp tại Thế vận hội Sochi. Ông Abe muốn thắt chặt hơn quan hệ với Nga, một cường quốc láng giềng ở phương Bắc. Các nhà quan sát hi vọng rằng ông Abe có thể tạo ra bước đột phá trong lịch sử ngoại giao Nga - Nhật để tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình. Hiện tại, hiệp ước hòa bình sau khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2 vẫn chưa được hai nước ký kết do tranh chấp 4 đảo nhỏ nằm ở ngoài khơi đảo Hokkaido, phía Bắc của Nhật Bản. Ngay sau khi Tokyo đầu hàng vào năm 1945, Nga chiếm những hòn đảo này mà không gặp sự phản kháng nào.
Một lý do để Nhật Bản giữ quan hệ ngoại giao với Nga là vì Nga cung cấp 10% khí đốt và 5% dầu thô cho Nhật. Việc phải đóng cửa một số nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima khiến Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm tới đảm bảo an ninh cho nguồn cung năng lượng. Hiệp ước hòa bình giữa hai nước nếu được ký kết sẽ cho phép Nhật Bản có những đầu tư khổng lồ vào thị trường năng lượng ở Nga, tạo ra nguồn cung năng lượng đa dạng hơn.
Hiện tại, tranh chấp chủ quyền với Nga diễn ra không quá căng thẳng và ông Abe mong muốn đạt được một thỏa thuận trong nhiệm kỳ của mình. Nga đã từng đề nghị trả lại hai hòn đảo nhỏ nhất trong nhóm 4 hòn đảo tranh chấp được Nhật Bản gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Tuy nhiên, Tokyo luôn từ chối thỏa hiệp này, đòi Nga phải trả cả 4 đảo. Rất nhiều nhà quan sát mong muốn ông Putin sẽ nhượng bộ hai hòn đảo lớn nhất là Etorofu và Kunashiri để mở đường cho đàm phán ký kết hiệp ước hòa bình.
Tất nhiên, trong thời điểm hiện tại, Tổng thống Putin không sẵn sàng từ bỏ bất kỳ lợi ích nào liên quan tới chủ quyền nên việc ký kết một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản vẫn còn xa vời. Do vậy, Thủ tướng Abe sẽ phải chịu thêm áp lực trong hàn gắn mối quan hệ căng thẳng với các láng giềng quan trọng khác là Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đức Trung (Theo Economist)