Theo kênh CNN (Mỹ), hồi đầu dịch COVID-19, Mỹ chứng kiến số người tử vong cao ở nhiều nơi như New York, Detroit và New Orleans. Khi đó, nhà xác và nhà tang lễ chật kín thi thể bệnh nhân qua đời vì COVID-19. Một số bệnh viện ở New York phải dùng xe tải lạnh để chứa thi thể.
Hiện giờ, tình trạng đó không xảy ra ở Mỹ. Số ca mắc COVID-19 tăng vọt không đi kèm số ca tử vong tăng.
Theo Tiến sĩ Kent Sepkowitz, chuyên gia kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Ung thư Tưởng niệm Sloan Kettering ở New York, có nhiều giả thiết giải thích cho điều này.
Thứ nhất, luôn có giai đoạn chênh khoảng 2 tuần hoặc hơn giữa thời gian nhiễm bệnh và tử vong. Do đó, có thể còn quá sớm để làn sóng tử vong mới bắt đầu dâng cao.
Thứ hai, trong đợt này, nhiều người trẻ tuổi nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong ở đối tượng này thấp hơn nhiều.
Thứ ba, những bệnh nhân hiện tại có thể có ít bệnh lý nền hơn những người mắc bệnh hồi tháng ba và tư.
Thứ tư, do nguồn lực hạn chế lúc đầu nên Mỹ chỉ xét nghiệm những trường hợp nặng. Còn hiện tại, Mỹ có thể xét nghiệm trên diện rộng, có thể chẩn đoán COVID-19 ở hàng nghìn người khỏe mạnh và ít có nguy cơ tử vong.
Ngoài ra, các phóng viên tờ The New York Times còn điều tra, tổng hợp số liệu và phát hiện ra lý do có sức thuyết phục cho hiện tượng nói trên: nhà dưỡng lão. Phóng viên đã xác định được rằng trong số các ca tử vong vì COVID-19, có tới 54.000 ca tử vong trong các nhà dưỡng lão. Tỷ lệ này chiếm 43% tổng số ca tử vong ở Mỹ.
Các phóng viên còn lập bảng so sánh từng bang và thấy rằng gần một nửa trong những ca tử vong này (26.331 ca) xảy ra ở 5 bang miền Bắc hứng chịu làn sóng dịch bệnh khốc liệt hồi tháng ba và tư: New Jersey, New York, Massachusetts, Pennsylvania và Illinois.
Điều đó có nghĩa là vấn đề quan trọng quyết định tỷ lệ tử vong cao hay thấp thời gian tới chính là đại dịch hoành hành mạnh ở các bang miền Nam hiện nay có lan vào các nhà dưỡng lão không.
Do các nhà dưỡng lão không bắt buộc phải báo cáo ca bệnh nên cách duy nhất để ước tính con số là kiểm tra các ca bệnh và tỷ lệ mắc bệnh ở những người trên 65 tuổi.
Tất nhiên, đa số trong nhóm 50 triệu người ở độ tuổi này ở Mỹ không sống trong các cơ sở dưỡng lão (ước tính chỉ chăm sóc 1,3 triệu người Mỹ), nhưng đa số người sống trong các nhà dưỡng lão lại thuộc nhóm tuổi này.
Nhìn chung, xem xét nhóm 65 tuổi trở lên là yếu tố vô cùng quan trọng khi kiểm tra tỷ lệ tử vong vì COVID-19. Mặc dù họ chỉ chiếm 16% dân số Mỹ nhưng trên 80% ca tử vong ở Mỹ đều thuộc nhóm này.
Mỹ đã thực hiện 2,2 triệu xét nghiệm cho người trên 65 tuổi và thời kỳ đầu đã xét nghiệm 649.000. Trong 6 tuần tới, Mỹ sẽ xét nghiệm 1,5 triệu người nữa.
Trong giai đoạn sau, số xét nghiệm ở nhóm tuổi trên 65 tăng dần lên 300.000 người hàng tuần. Tính trên toàn quốc, tỷ lệ người già dương tính với COVID-19 giảm hàng tuần. Gần đây nhất, tỷ lệ dương tính của người già là 4%, thấp hơn tỷ lệ toàn quốc 7,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở nhóm này là 13%.
Ví dụ, ở Arizona, các phóng viên tờ The New York Times đã xác định được 541 ca tử vong trong nhà dưỡng lão ở bang này, chiếm 1/3 tổng số ca tử vong toàn bang.
Do đó, bảo vệ cư dân nhà dưỡng lão chính là điều quan trọng để ngăn chặn tỷ lệ tử vong cao như đã xảy ra trong thời kỳ đầu dịch ở các bang miền Bắc.
Mặc dù khó có khả năng các bang miền Nam lại xảy ra tình trạng tử vong cao như miền Bắc hồi mùa xuân, nhưng theo Tiến sĩ Sepkowitz, Mỹ cần chuẩn bị tinh thần phải chứng kiến cảnh phòng cấp cứu, nhà xác và nhà tang lễ quá tải, nhất là khi chính phủ liên bang không hề có chiến lược gì đáng kể để bảo vệ những công dân dễ bị tổn thướng nhất.
Tính tới sáng 3/7, Mỹ ghi nhận 2.837.189 ca mắc COVID-19 sau khi có thêm tới 57.236 ca trong ngày 2/7. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp số ca mắc hàng ngày tại Mỹ ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, trong bối cảnh nước này chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ lễ quốc khánh 4/7.
Số ca mắc tại Mỹ trong một ngày qua cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác và vượt số ca mắc trong ngày cao nhất thế giới là 54.771 ca mà Brazil ghi nhận hôm 19/6.
Tình trạng này khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump phải nghiên cứu kỹ hơn về chính sách ứng phó dịch bệnh và nhiều chính quyền cấp bang cũng tạm hoãn kế hoạch mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.
Hai tuần trước đây, số ca mắc mới tại Mỹ ở mức khoảng 22.000 ca/ngày, nhưng trong 7 ngày qua con số này luôn ở mức trên 40.000 ca/ngày.
Hồi đầu tuần này, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), cảnh báo số ca mắc hằng ngày tại Mỹ có thể lên mức 100.000 nếu không có các biện pháp toàn quốc nhằm kiềm chế tốc độ lây lan. Chuyên gia này mới đây cũng đánh giá rằng, tâm lý chủ quan, lơ là phòng dịch của người dân là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng cao trở lại trong cộng đồng.