Giới phân tích cho rằng mặc dù giữ im lặng, song thực tế Triều Tiên đang âm thầm chuẩn bị và nỗ lực để có thể giành nhiều lợi thế nhất. Cũng có ý kiến cho biết việc Bình Nhưỡng không xác nhận thông tin trên làm dấy lên những hoài nghi không biết Seoul và Washington có hiểu đúng ý định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không.
Tuần trước, ông Donald Trump đã đồng ý gặp ông Kim Jong-un vào cuối tháng 5/2018 để thảo luận việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đổi lại Triều Tiên sẽ được nhận những đảm bảo về an ninh. Tổng thống Trump dự đoán các cuộc đàm phán này sẽ là một "thành công vĩ đại". Tuy nhiên, thông báo về sự kiện lịch sử này lại do một đặc phái viên Hàn Quốc đưa ra tại Nhà Trắng, không có sự tham dự của các quan chức Mỹ và chỉ được phía Washington xác nhận lại sau đó.
Trong khi đó, hơn 72 giờ sau, phía Triều Tiên vẫn chưa hề lên tiếng bình luận về thông tin này. Phương tiện truyền thông chính thức của nước này cũng không đăng tải thông tin nói trên.
Trao đổi với AFP, Koh Yu-hwan - Giáo sư của trường Đại học Dongguk - nhận định: "Đây chỉ là tuyên bố đơn phương của ông Trump. Còn ông Kim Jong-un cũng chỉ truyền tải đến nhà lãnh đạo Mỹ một thông điệp miệng" thông qua các nhà trung gian Hàn Quốc. "Đối với Triều Tiên, đó không phải là một thỏa thuận chính thức. Chưa có gì đảm bảo. Đối với Bình Nhưỡng, một tuyên bố chính thức phải được dựa trên một thỏa thuận cấp chính phủ, trong đó nêu rõ chương trình nghị sự và địa điểm gặp gỡ". Ông nói thêm rằng cuộc gặp cấp cao giữa Triều Tiên với Hàn Quốc mà Seoul thông báo sẽ diễn ra vào tháng 4 tới cũng đi theo mô tuýp này.
Ngược lại, Tổng thống Mỹ lại tỏ ra hào hứng thông báo về cuộc gặp có khả năng diễn ra giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Trump tự hào khi đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, thể hiện niềm tin rằng Triều Tiên sẽ "cân nhắc việc phi hạt nhân" và các nhà lãnh đạo nước này sẵn sàng "kiến tạo hòa bình".
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng sự im lặng của Bình Nhưỡng là nhằm mang lại cho Triều Tiên "cơ hội tối đa" trong các động thái tiếp theo. Van Jackson, chuyên gia về quốc phòng của trường Đại học Victoria ở Wellington, nói: "Triều Tiên sẽ không tự trói tay mình hay đưa ra bất kỳ cam kết nào. Có lẽ chúng ta nên thận trọng khi tin vào bất kỳ điều gì chúng ta được thông báo một cách gián tiếp".
Sự thay đổi bất ngờ nói trên diễn ra sau 1 năm căng thẳng gia tăng liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, trong đó hai bên liên tục khẩu chiến và đe dọa chiến tranh. Chính vì vậy, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều, nếu trở thành sự thực, sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một vị tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên, và họ sẽ phải tìm cách vượt qua hàng thập kỷ mất niềm tin lẫn nhau.
Theo giới truyền thông, những địa điểm diễn ra cuộc gặp này có thể là Khu Phi Quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên, cũng có thể là Đảo Jeju của Hàn Quốc, hoặc Thụy Sỹ - nơi ông Kim Jong-un đã theo học thời niên thiếu - hoặc Thụy Điển, thậm chí là Washington D.C và một số địa điểm khác.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng cuộc gặp cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể tạo thêm nhiều biến động tại một khu vực vốn đã bất ổn. Cuộc gặp này dự kiến diễn ra mà không có sự chuẩn bị như những cuộc gặp thông thường khác. Có tin cho biết Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời của nhà lãnh đạo Kim Jong-un mà không cần tham khảo ý kiến của các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu.
Những người khác đánh giá chính Bình Nhưỡng có lẽ cũng bất ngờ trước việc Tổng thống Trump nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Như vậy, ở đây tiềm ẩn một nguy cơ, đó là một cuộc gặp được tổ chức vội vàng có thể dẫn đến thất bại và gây hậu quả lớn hơn, nguy hiểm hơn.