Vị thẩm phán trong phiên tòa luận tội Tổng thống Trump

Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts sẽ có cơ hội để thể hiện sự công tâm trong cuộc đấu đá đảng phái trên chính trường Mỹ khi ông đóng vai trò chủ tọa tại cuộc xét xử luận tội Tổng thống Donald Trump tại Thượng viện.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump (phải) trò chuyện với Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts năm 2018. Ảnh: Reuters

Phát biểu với tờ Wall Street Journal, ông Andrew D. Martin, Hiệu trưởng trường Đại học Washington ở St Louis và là nhà khoa học chính trị nghiên cứu tòa án, nhận định: “Sự kiện đó có tầm quan trọng lớn với di sản cá nhân của Chánh án và di sản của Tòa án Tối cao”.

Theo ông Martin, lòng tin của công chúng Mỹ chính là sức mạnh của hệ thống tư pháp và vai trò của chánh án giữa trung tâm cuộc đấu đá chính trị đảng phái không chỉ định hình quan điểm của công chúng đối với cá nhân ông, mà còn sẽ định hình quan điểm của người dân đối với tòa án.

Trái với quy trình ở quốc hội, các vụ tranh tụng ở Tòa án Tối cao không được phát qua truyền hình, một phần để làm dịu dư luận và loại trừ khả năng tuyên bố của luật sư và thẩm phán bị sử dụng cho mục đích riêng. Lần gần đây nhất mà người Mỹ chứng kiến Chánh án Tòa án Tối cao xuất hiện trong một thời gian dài là tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ năm 2005. 

14 năm kể từ khi Tổng thống khi đó George W. Bush đề cử ông Roberts kế nhiệm ông William Rehnquist, Chánh án Tòa án Tối cao Roberts đã nỗ lực củng cố hình ảnh hệ thống tòa án (tư pháp) là một cơ quan hoàn toàn độc lập về chính trị với tổng thống (hành pháp) và quốc hội (lập pháp). Mặc dù phe Cộng hòa và Dân chủ đấu đá nhau kịch liệt về các vị trí thẩm phán nhưng ông Roberts cho rằng các tòa án giải quyết tranh chấp bất chấp khác biệt về tư tưởng đảng phái.

Bản chất cuộc luận tội thực ra chỉ là áp dụng quy trình kiểu tòa án để cáo buộc và kết luận xem ai đó có phạm tội chính trị hay không, chứ không phải là vi phạm luật pháp. Do đó, vai trò của thẩm phán trong phiên tòa xét xử có thể không rành mạch như trong các phiên tòa bình thường.

Chánh án Roberts, người sẽ làm chủ tọa phiên xét xử tại Thượng viện, đóng vai trò là người có thẩm quyền trước bên cáo buộc Tổng thống Trump và bên bảo vệ Tổng thống. Tuy nhiên, quyền lực của ông Roberts với quy trình này không nhiều bằng một thẩm phán tòa án cấp thành phố xét xử vụ móc túi. Quy định của phiên xét xử sẽ do bồi thẩm đoàn, trong trường hợp này là Thượng viện, soạn. Trong khi đó, giới lãnh đạo Cộng hòa làm chủ Thượng viện đã tuyên bố ông Trump không có tội.

Quy trình xét xử Tổng thống Trump sẽ tuân theo hướng dẫn luận tội năm 1986 của Thượng viện, theo đó Chánh án Tòa án Tối cao quyết định câu hỏi có liên quan, yêu cầu cung cấp các bằng chứng và một số vấn đề khác. Tuy nhiên, Thượng viện có thể bác bỏ quyết định của chánh án bằng bỏ phiếu.

Có 19 phiên xét xử luận tội từ khi Hiến pháp Mỹ được thông qua năm 1788, nhưng chỉ có hai phiên tòa liên quan tổng thống và đòi hỏi vai trò của Chánh án Tòa án Tối cao.

Trong phiên xét xử Tổng thống Andrew Johnson năm 18, Chánh án Tòa án Tối cao Salmon P. Chase đã đóng vai trò quyết định và bỏ ít nhất hai lá phiếu quan trọng. Thượng viện bác bỏ một số quyết định của ông nhưng không thành công vì thiếu lá phiếu của một thượng nghị sĩ.

Trái lại, Chánh án Rehnquist đã nỗ lực hết sức để “tránh đường” trong phiên xét xử Tổng thống Bill Clinton năm 1999 và không phán quyết nào của ông bị bác bỏ. 

Chú thích ảnh
Chánh án Tòa án Tối cao William Rehnquist tuyên thệ tại Thượng viện trong phiên xét xử luận tội Tổng thống Clinton năm 1999. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo ông Frank Bowman, Giáo sư luật Đại học Missouri, vì quy trình xét xử tuân thủ quy định của Thượng viện hơn là của Tòa án Tối cao nên khi các vấn đề nảy sinh, thẩm phán cần bàn bạc với người am hiểu các quy định trong quốc hội. Ông Bowman cho rằng Chánh án Roberts có thể đi theo mô hình của ông Rehnquist vì không muốn nhánh tư pháp dính líu vào vấn đề đảng phái.

Tổng thống Trump từng xem thường các thẩm phán và tòa án đưa ra các quyết định mà ông thấy đáng bị bác bỏ. Ông Trump từng bị ông Roberts chỉ trích năm 2018 vì có hành vi như vậy.

Mặc dù khi làm tổng thống, ông Trump đối xử kính trọng với Chánh án Tòa án Tối cao trong các lần gặp mặt, nhưng khi là ứng cử viên tổng thống, ông Trump từng coi ông Roberts là “thảm họa” khi bỏ phiếu ủng hộ Đạo luật chăm sóc sức khỏe giá rẻ.

Bà Kathryn Webb Bradley, Giáo sư luật Đại học Duke, nhận định: “Nếu Chánh án Tòa án Tối cao phán quyết chống Tổng thống về một vấn đề cụ thể nào đó, sẽ có người phản đối việc ông đã làm, cho dù phán quyết đó thế nào”.

Các chuyên gia kỳ vọng ông Roberts có thể tận dụng cơ hội thể hiện quan điểm đứng ngoài các vấn đề chính trị đơn thuần và nếu làm được thì sẽ rất tốt cho nước Mỹ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Những nhân vật có thể xoay chuyển phiên luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện
Những nhân vật có thể xoay chuyển phiên luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện

Theo tờ Washington Post, những nhân vật này có khả năng làm sáng tỏ nhiều thứ, thậm chí xoay chuyển tình thế phiên luận tội Tổng thống Donald Trump của Thượng viện Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN