Lâu nay người ta luôn tránh đề cập khả năng một quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) rời khỏi tổ chức này. Nhưng dù muốn hay không, đường lối chính trị hiện nay của Anh cho thấy EU có thể sẽ sớm phải nhận ra rằng họ sẽ không thể né tránh khả năng ra đi của Anh.
Nếu EU không có Anh
Với sự ra đi của Anh, EU sẽ phải đối phó với ba nhóm thách thức.
Trước hết là các vấn đề ngắn hạn liên quan đến việc thương lượng về sự ra đi của Anh. Mặc dù các hiệp ước của EU có điều khoản quy định việc rút khỏi tổ chức này, người ta vẫn không rõ phạm vi để đàm phán về sự ra đi của bất kỳ quốc gia thành viên nào, đặc biệt là Anh, quốc gia chiếm tới 12,5% dân số và 15% kinh tế của EU. Việc ký kết một hiệp định từ bỏ tư cách thành viên đòi hỏi sự chấp thuận của Anh, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, trong đó Nghị viện châu Âu phải bỏ phiếu xem hiệp định đó có thể chấp nhận được với EU hay không. Điều này không có nghĩa là EU có quyền phủ quyết đối với quyết định ra đi của Anh mà chỉ là với điều kiện nào thì cơ quan này sẽ đảm bảo để có được một hiệp định, và đặc biệt là dạng quan hệ nào sẽ được theo đuổi sau khi Anh không còn là thành viên của EU.
EU sẽ cần phải giải quyết những hệ quả từ sự ra đi của Anh. |
Thứ hai là đúng vào thời điểm đàm phán với Anh, EU cũng sẽ phải bắt đầu thảo luận nội khối về cách thức thay đổi thể chế, ngân sách và vấn đề biểu quyết do sự biến mất của một trong những thành viên lớn nhất của mình. Những thay đổi như vậy, hiếm khi được nhất trí một cách dễ dàng, có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong nội bộ EU, đồng thời thay đổi tính chất và đường lối của tổ chức này.
Cuối cùng, EU sẽ cần phải giải quyết những hệ quả từ sự ra đi của Anh. Sự nhất trí giữa EU và Anh ngoài EU sẽ là vấn đề hết sức quan trọng. Nó có thể dẫn đến sự thay đổi đối với Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Anh có thể sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm tạo ra một kiểu "Câu lạc bộ thị trường duy nhất". Quốc gia này thậm chí có thể ra khỏi EEA.
Nếu Anh rời bỏ EU
Một trong những nhân vật quyền lực nhất của châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Herman Van Rompuy, cho rằng Anh sẽ phá hỏng hình ảnh là một trung tâm tài chính lớn trên thế giới cũng như các hợp đồng thương mại béo bở của mình nếu nước này quyết rời bỏ khối liên minh 28 quốc gia EU.
Trong khi đó, Thị trưởng London Roger Gifford cũng nói rằng, việc Anh rời khỏi EU có thể sẽ dẫn đến một cuộc đào tẩu của các ngân hàng nước ngoài hàng đầu ra khỏi nước này, đồng thời lấy đi vị trí thống trị của London trên các thị trường ngoại hối.
Triển vọng Anh rời khỏi EU đã tiến gần thêm một bước vào tháng 1/2013 vừa qua khi Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tái đàm phán về tư cách thành viên EU của Anh, đồng thời sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về chuyện "đi hay ở lại" EU của Anh vào trước cuối năm 2017 nếu ông tái đắc cử vào năm 2015.
Có nhiều ý kiến nói rằng bất cứ một sự đào thoát nào khỏi EU (đối tác thương mại lớn nhất của Anh) cũng sẽ làm hỏng hình ảnh và ảnh hưởng của Anh, đồng thời tước đi các khoản đầu tư vào nền kinh tế trị giá 2,5 nghìn tỷ USD của nó.
Trong khi đó, những người ủng hộ Anh rời bỏ EU cho rằng Anh nên hướng sang các thị trường đang nổi và phần còn lại của thế giới, chứ không phải là châu Âu.
Gifford, nhà điều hành ngân hàng Thụy Điển Skandinaviska Enskilda Banken tại Anh, nói rằng thật sai lầm khi cho là nước Anh có thể hoạt động đơn độc bên ngoài EU và cho biết thêm có ít nhất tới 90% các thể chế tài chính lớn tại London muốn Anh ở lại EU.
Minh Đức - Thùy Chi (Theo trang mạng "Quan hệ Quốc tế và An ninh")