Sau những đợt tấn công dữ dội của lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, một lần nữa, câu chuyện viện trợ hay không viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine lại được Washington mang ra cân đong đo đếm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một sự ủng hộ như vậy của Mỹ sẽ chỉ khiến hai miền Đông và Tây của Ukraine tiến gần hơn đến một cuộc chiến tranh tổng lực.Cảnh đổ nát tại nhà ga sân bay quốc tế Sergey Prokofiev ở Donetsk, miền đông Ukraine sau các cuộc giao tranh. Ảnh: AFP/TTXVN |
Nguyên nhân khiến phe ly khai thực hiện các cuộc tấn công dọc các phần lãnh thổ chiến lược trên tiền tuyến ở miền Đông Ukraine trong thời gian gần đây được cho xuất phát từ mối lo ngại Mỹ có thể sớm nhúng tay vào cuộc chiến. Ông Andrew Wilson, tác giả của cuốn “Khủng hoảng Ukraine là gì với phương Tây”, nhận định: “Một lí do khiến lực lượng nổi dậy đẩy mạnh các cuộc tấn công vào thời điểm hiện tại là nhằm đạt được thắng lợi trước khi vũ khí Mỹ có khả năng ập đến”. Cũng theo ông Wilson, về phần mình, Mỹ lại phải “đối mặt với một thế tiến thoái lưỡng nan”: Nếu không hành động ngay, cuộc xung đột có thể trở nên tồi tệ hơn; nhưng nếu nhúng tay vào cuộc chiến này, Mỹ chưa thể loại trừ những rủi ro lớn.
Liên hợp quốc cho biết 278 người đã bị giết trong vòng 12 ngày tính đến ngày 21/1 khi phe nổi dậy chiến dấu để giành các đầu mối liên lạc và giao thông quan trọng. |
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn thất bại và con số thương vong của cuộc xung đột đã kéo dài 10 tháng ở Ukraine tăng lên, Nhà Trắng lại đứng trước áp lực tăng cường vai trò của Mỹ. Theo một bản báo cáo độc lập được công bố hôm 2/2, 8 cựu quan chức cấp cao Mỹ hối thúc đã đến lúc Washington dành 3 tỉ USD viện trợ quân sự cho Ukraine.
Dù cho đến thời điểm này vẫn chưa xác nhận thông tin có hay không viện trợ vũ khí sát thương cho quân đội Kiev, song Nhà Trắng cho biết đang “liên tục xem xét” đường hướng chiến lược. Trong một tuyên bố, Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết: “Mặc dù trọng tâm vẫn là tìm kiếm một giải pháp thông qua các biện pháp ngoại giao, nhưng chúng tôi luôn xem xét các phương án khác nhằm mở đường cho một giải pháp thông qua đàm phán”.
Theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ phương án viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine được xem xét lại vào thời điểm này, một phần là vì các biện pháp khác, như các lệnh cấm vận kinh tế nhằm vào Moskva, không thể tạo ra sự thay đổi trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong khi đó, phương án này tái xuất hiện trong bối cảnh phương Tây thiếu các giải pháp cho cuộc khủng hoảng đang leo thang ở Ukraine. Tuy nhiên, bản thân động thái viện trợ vũ khí, nếu được thực hiện, được đánh giá sẽ chỉ góp phần làm tăng mức độ nguy hiểm của cuộc chiến.
Một vấn đề khác cũng được đặt ra xem xét là liệu giải pháp vũ khí sẽ thật sự tạo nên sự khác biệt cho cục diện của cuộc xung đột tại Ukraine. Trong khi bản báo cáo của các cựu quan chức Mỹ nhấn mạnh nhu cầu của Ukraine với các loại tên lửa chống tăng hạng nhẹ để đối chọi với “số lượng lớn các xe bọc thép mà Nga đã triển khai ở Donetsk và Lugansk”; nhiều chuyên gia cho rằng trang bị vũ khí cho Ukraine chỉ thuộc hàng ưu tiên thứ yếu. “Vấn đề không phải là vũ khí, Ukraine là nhà sản xuất vũ khí lớn thứ tư thế giới. Vấn đề của họ nằm ở… sự lãnh đạo, quản lý, hậu cần”, ông Balazs Jarabik từ tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại của Mỹ Carnegie Endowment for International Peace, nói.
Thêm vào đó, nếu kịch bản viện trợ vũ khí sát thương thực sự diễn ra, một yếu tố cần xét đến là việc các loại vũ khí của phương Tây yêu cầu việc huấn luyện đặc biệt. Và điều này đồng nghĩa với việc quân đội của NATO sẽ xuất hiện tại Ukraine. Theo một số nhà quan sát, đây là điều không mong muốn vì cả Nga lẫn phương Tây đều tránh tham gia vào một cuộc chiến tranh tổng lực.
Cùng lúc này, khi Washington xem viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine là một giải pháp để cân nhắc thì nhiều chuyên gia lại xem đó là bước leo thang của cuộc chiến đến từ các đối tác của Ukraine. “Tôi e là chúng ta phải công nhận rằng sẽ có một cuộc chiến tranh ngày càng nảy lửa với nhiều thiệt hại hơn. Và gửi thêm vũ khí sẽ chỉ đổ thêm dầu vào lửa, và mang đến khả năng là chúng ta sẽ phải can thiệp”, chuyên gia Fiona Hill thuộc viện nghiên cứu Brookings ở Washington, nói.
Anh Minh (
Theo AFP)