Ngay cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố triển khai quân đội ở biên giới để mạnh tay chặn dòng người di cư, cắt giảm viện trợ cho các nước là điểm đến của người di cư, thậm chí dọa đóng cửa biên giới Mỹ-Mexico, tình hình vẫn không được cải thiện.
Cảnh hỗn loạn tại biên giới Mexico - Mỹ do dòng người di cư Trung Mỹ lại tái diễn với quy mô lớn hơn rất nhiều. Cuộc khủng hoảng người di cư Trung Mỹ thực sự chưa có lối thoát.
Dòng người di cư, ước tính hiện lên tới khoảng 8.000 người, chủ yếu là nông dân, sinh viên, xuất phát từ thị trấn San Pedro Sula của Honduras, đi qua lãnh thổ Guatemala với tổng quãng đường lên tới gần 2.500 km và bị lực lượng an ninh biên giới Mexico chặn lại ở cửa khẩu miền Nam nước này. Bằng nhiều cách, kể cả vượt sông biên giới, dòng người di cư lọt qua đã đặt chân tới Mexico rồi tìm cách vào Mỹ, sau khi từ bỏ nỗ lực vào Mexico bằng con đường hợp pháp vì tiến trình xin tị nạn hợp pháp ở Mexico kéo dài và cũng vì phần lớn họ nhắm tới điểm đến cuối cùng là Mỹ.
Số liệu mới nhất của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP) cho biết chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, cơ quan này đã bắt giữ 16.658 người nhập cư bất hợp pháp, tăng hơn 900 người so với tháng trước đó và gần 12.000 người so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tháng 9/2018 trở thành tháng có số người di cư bất hợp pháp tới Mỹ cao kỷ lục, chủ yếu là những người đến từ Honduras, Guatemala và En Salvador vì muốn trốn chạy bạo lực và nghèo đói.
Giới chức Mỹ đánh giá đây là cuộc khủng hoảng biên giới "chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ", kéo theo nhiều hệ lụy. Trong khi đó, số liệu của Ngân hàng Thế giới cho biết mỗi năm, hơn 500.000 người vượt biên giới bất hợp pháp sang Mexico và sau đó là sang Mỹ.
Về phía chính quyền Mỹ, thực trạng này tiếp tục gia tăng sức ép đối với các lực lượng hành pháp bảo vệ biên giới phía Nam và thách thức các chính sách cứng rắn của chính quyền Tổng thống Trump. Ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp quốc gia và các biện pháp mạnh tay đầu tiên đã được đưa ra. Bộ Quốc phòng Mỹ đã chỉ thị quân đội lên kế hoạch chi tiết về việc triển khai quân tới biên giới phía Nam, với con số dự kiến từ 800-1.000 binh sĩ vào ngày 31/10 tới.
Mỹ cũng cắt giảm viện trợ cho 3 quốc gia Trung Mỹ là Guatemala, Honduras và El Salvador với lý do chính phủ các nước này đã thất bại trong việc chặn làn sóng di cư đến Mỹ, mà theo Tổng thống Trump là trong đó có rất nhiều đối tượng phạm tội. Nhà Trắng cũng không loại trừ khả năng sẽ đóng cửa biên giới với Mexico để bảo toàn biên giới của mình trước làn sóng người di cư, đồng thời ám chỉ một kế hoạch toàn diện hơn sau cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Về phía Mexico, dòng người di cư Trung Mỹ qua lãnh thổ nước này để tìm cách vào Mỹ thực sự tạo ra sức ép không nhỏ về an ninh và nhân đạo. Việc không thể ngăn chặn dòng người di cư từ Trung Mỹ cũng làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Mexico trong bối cảnh chủ đề này trước đây từng khiến quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng Bắc Mỹ bị rạn nứt. Mặc dù chính quyền Tổng thống Trump theo đuổi chính sách cứng rắn trong vấn đề người di cư Trung Mỹ, đồng thời Mỹ và Mexico cũng từng phối hợp với các nước Trung Mỹ tìm lối thoát cho tình trạng này, song rõ ràng chưa thể giải quyết tận gốc rễ vấn đề.
Tham nhũng đã khiến người dân có tâm lý rời bỏ quê hương tìm đến một chân trời mới và đích đến của họ là nước Mỹ, vốn được tung hô là “miền đất hứa”. Đơn cử như Honduras là một trong những nước có tỷ lệ bạo lực và nghèo đói cao nhất Mỹ Latinh với sự hoành hành của các băng nhóm tội phạm ma túy. Hơn 2/3 dân số nước này sống trong cảnh nghèo khổ. Chưa kể Honduras là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất, mà tình trạng hạn hán nghiêm trọng trong mùa mưa năm nay đã khiến hàng chục nghìn hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Kể từ đầu những năm 2010, hơn 500 triệu người dân Trung Mỹ, hầu hết đến từ Tam giác phía Bắc (Northern Triangle) của các nước El Salvador, Guatemala và Honduras đã rời bỏ quê hương.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump dường như đã từ bỏ vai trò hỗ trợ và quay lưng lại với khu vực Mỹ Latinh trong vấn đề di cư. Mỹ đã “xây tường ngăn cách” khi giảm số lượng người di cư các trại tị nạn tiếp nhận hằng năm xuống mức thấp kỷ lục dưới 30.000 người. Không những thế, Washington cũng tuyên bố chỉ viện trợ khoảng 100 triệu USD cho những nỗ lực của Liên hợp quốc và những quốc gia tiếp nhận người di cư, thấp hơn nhiều so với nhu cầu lên đến hàng tỷ USD.
Với các nước Trung Mỹ, Tổng thống Trump còn theo đuổi chính sách cứng rắn hơn. Ông đã ban hành sắc lệnh chia tách các thành viên trong các gia đình nhập cư dù sau đó lệnh này đã được rút lại. Washington lại đưa ra những quy định có thể cho phép giam giữ người nhập cư kéo dài hơn. Mỹ cũng yêu cầu trục xuất thêm 200.000 người Salvador vào tháng 9/2019 và khoảng 90.000 người Honduras vào đầu năm 2020. Kế hoạch xây dựng bức tường an ninh trên tuyến biên giới chung với Mexico có thể được ví như chất xúc tác kích thích người di cư tìm đến nước Mỹ trước khi quá muộn. Nhiều người di cư hy vọng quy mô dòng người quá lớn hiện nay sẽ khiến chính quyền Tổng thống Trump thay đổi suy nghĩ và cho họ vào Mỹ.
Hình ảnh dòng người kiên trì vượt qua quãng đường đằng đẵng gần 2.500 km, chấp nhận các rủi ro, cho thấy ý chí sắt đá đến tuyệt vọng của những người di cư Trung Mỹ. Hiện nay, dư luận Mỹ vẫn chưa rõ việc triển khai thêm binh lính tới biên giới với Mexico liệu có mang lại hiệu quả không. Những người chỉ trích cho rằng việc tăng quân tới biên giới chỉ là giải pháp tốn kém, là sự cường điệu quá mức của chính quyền ông Donald Trump về mối nguy của dòng người di cư.
Rõ ràng cuộc khủng hoảng di cư hàng loạt từ Trung Mỹ vẫn đang trong tình trạng bế tắc. Thực tế cho thấy đây không phải là vấn đề đơn giản, có thể giải quyết trong “một sớm một chiều”, mà đòi hỏi Washington phải triển khai gói giải pháp tổng thể, gồm các chính sách nhập cư, đảm bảo an ninh biên giới, thừa nhận vai trò của bộ phận dân nhập cư đóng góp cho nền kinh tế để họ yên tâm cống hiến cho nước Mỹ. Bên cạnh đó, phải tiến hành đồng bộ với việc hỗ trợ các nước tại Trung Mỹ gặp khó khăn thông qua các dự án phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ… cũng như tích cực tham gia các cơ chế nhân đạo của Liên hợp quốc hay phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng.