Vụ bắt giữ Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Strauss-Kahn về những cáo buộc xâm phạm tình dục đã hầu như chắc chắn đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp của ông ta. Liệu vụ việc có tác động như thế nào đối với tương lai của IMF và nền kinh tế toàn cầu?
Cảnh sát áp giải ông Strauss-Kahn (giữa) rời khỏi sở cảnh sát ở New York ngày 15/5. AFP-TTXVN |
Trong bài viết ngày 16/5 trên tạp chí Time của Mỹ, tác giả Michael Schuman cho rằng tác động ngắn hạn của việc bắt giữ Straus-Kahn sẽ được cảm nhận rõ nhất ở khu vực đồng euro. Các bộ trưởng tài chính châu Âu nhóm họp vào ngày 16/5 để bàn biện pháp đối phó với khủng hoảng nợ ở Hy Lạp. Straus-Kahn lâu nay đóng một vai trò chủ chốt trong các nỗ lực của các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm đối phó với khủng hoảng nợ trong khu vực, và việc ông ta đột ngột vắng mặt khiến các cuộc thảo luận về Hy Lạp thêm bối rối.
Tuy nhiên, theo Michael Schuman, tác động của vụ bắt giữ Strauss-Kahn là rất nhỏ so với sự chia rẽ nghiêm trọng giữa các thành viên của khu vực đồng euro. Cho đến giờ, hoàn toàn chưa có một sự đồng thuận nào giữa chính phủ các nước châu Âu về cách thức tốt nhất cho Hy Lạp. Một số cho rằng cần gia hạn các chương trình cứu trợ, trong khi một số khác muốn hoãn thời hạn thanh toán trái phiếu Hy Lạp. Vụ bắt giữ đó cũng đặt ra những câu hỏi căn bản hơn về vai trò của IMF trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông Steven Dunaway, chuyên gia cao cấp về kinh tế quốc tế của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), cho rằng Strauss-Kahn đóng một vai trò rất lớn trong IMF, đặc biệt trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính hiện tại. Riêng trong cuộc khủng hoảng nợ hiện nay ở châu Âu, ông đóng một vai trò hết sức quan trọng. Strauss-Kahn có sự tiếp cận với lãnh đạo của các quốc gia, điều mà các quan chức cấp dưới của IMF không có được. Việc ông bị bắt sẽ khiến IMF ở thế rất bất lợi trong việc thuyết phục các nước chấp nhận một giải pháp nào đó do tổ chức này đưa ra trong các tình huống khủng hoảng. Steven Dunaway cho rằng vụ bê bối của Strauss-Kahn sẽ không ảnh hưởng đến danh tiếng của IMF, mặc dù về lâu dài nó sẽ là một khó khăn cho các nước châu Âu trong việc lựa chọn người thay thế Strauss-Kahn.
Theo bài xã luận của báo Le Figaro, “trong khi chờ đợi tách biệt đúng sai, một điều rõ ràng là Strauss-Kahn sẽ không thể trở thành tổng thống tương lai của Cộng hòa Pháp. Biểu tượng mới của cánh tả Pháp đã hoàn toàn sụp đổ. Hiếm khi nào công chúng thấy một sự tan rã nhanh chóng như vậy”.
Theo bài xã luận trên báo Libération, hiện tại Strauss-Kahn đã bị loại khỏi cuộc chơi. Xã luận của Libération kêu gọi các ứng cử viên tiềm năng của đảng Xã hội cần thực hiện trách nhiệm của mình, tránh để cho đảng này rơi vào thất bại liên tục lần thứ tư trong cuộc tranh cử tổng thống. Còn theo báo Le Figaro, Phủ Tổng thống Pháp chủ trương phản ứng một cách vô cùng thận trọng trước vụ án này, với nhận định việc Strauss-Kahn có thể bị loại ra khỏi cuộc tranh cử chưa hẳn đã là một điều tốt cho đối thủ là đương kim Tổng thống Sarkozy. Tại Điện Élysée ngày 15/5, có nguồn tin cho biết, cũng “không loại trừ đây là một cú diễn xuất ngoạn mục được dàn dựng nhằm lật ngược tình thế sau đó để mang lại lợi thế” cho ứng cử viên hàng đầu của đảng Xã hội. Mặc dù Strauss-Kahn đã có một số lần thoát khỏi những cáo buộc về tham nhũng và tình dục, song theo Le Figaro, thử thách lần này đối với Strauss-Kahn còn lớn hơn cả những chông gai trong cuộc tranh cử Tổng thống Pháp.
Ngày 15/5, IMF ra thông báo nhấn mạnh rằng định chế này vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Nhân vật số hai của IMF, ông John Lipsky, người Mỹ, giữ chức quyền Giám đốc điều hành. Ủy ban châu Âu trấn an việc Strauss-Kahn bị buộc tội tại Mỹ không có tác động gì đến các kế hoạch giúp đỡ tài chính đã được dự kiến đối với những nước trong khu vực đồng euro, đặc biệt là Hy Lạp.
Đỗ Thúy (P/v TTXVN tại Mỹ)