Viện nghiên cứu về kiểm soát vũ khí (SIPRI) có trụ sở tại Xtốckhôm (Thụy Điển), vừa công bố báo cáo cho biết, số đầu đạn hạt nhân hiện nay trên thế giới đã giảm về số lượng, song ngày càng gia tăng về độ tinh vi.
Báo cáo nêu rõ Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakixtan và Ixraen hiện sở hữu tổng cộng khoảng 4.400 đầu đạn hạt nhân hoạt động. Báo cáo còn giải thích rõ, một vũ khí hạt nhân được coi là hoạt động tức là khi một đầu đạn hạt nhân đã được gắn vào tên lửa hoặc được đặt tại một căn cứ quân sự có nhiều hoạt động. SIPRI cho biết, khoảng 2.000 vũ khí hạt nhân hiện vẫn trong tình trạng sẵn sàng hoạt động khẩn cấp. Tám nước trên hiện sở hữu tổng cộng 19.000 vũ khí hạt nhân, so với 20.530 vũ khí hồi đầu năm 2011.
Bom B61-12. Ảnh: internet |
Theo báo cáo, số lượng vũ khí hạt nhân giảm chủ yếu là từ kho vũ khí hiện nay của Nga và Mỹ, nơi một số vũ khí bị xem là đã quá cổ lỗ. Trang tin Euobsever cho biết Shannon Kile, một nhà nghiên cứu cao cấp của SIPRI, nhận xét: “Bất chấp những lợi ích sống còn của thế giới trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân, chưa có một nước nào hiện sở hữu vũ khí hạt nhân thể hiện sự sẵn sàng từ bỏ kho vũ khí của mình”.
Thay vào đó, các nước như Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ đang lên kế hoạch hoặc đang xây dựng hệ thống chuyển giao vũ khí hạt nhân mới. Kile nói thêm: “Chương trình hiện đại hóa lâu dài đang diễn ra ở các nước trên chứng tỏ vũ khí hạt nhân vẫn là một minh chứng cho quyền lực và sức mạnh trên trường quốc tế”.
Hồi đầu tháng 5, NATO thông báo kế hoạch thay thế 180 quả bom hạt nhân chiến thuật rơi tự do B61 đã lỗi thời của họ đang được giữ trong các căn cứ quân sự tại Bỉ, Hà Lan, Italia, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Những quả bom do Mỹ chế tạo này sẽ được thay thế bằng những quả bom trọng lực hạt nhân được điều khiển chính xác B61-12. Việc nâng cấp này ước tính tiêu tốn khoảng 3 tỷ euro.
Theo báo cáo của European Leadership Network (ELN), cơ quan tư vấn có trụ sở ở Anh, những quả bom hạt nhân đang được cất giữ tại các nước châu Âu không có hệ thống dẫn đường. ELN còn đưa ra lời cảnh báo rằng động thái nâng cấp này có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ khí. Trong khi đó, các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga nói với hãng thông tấn Interfax hồi cuối tháng 5 rằng, họ đã thử một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới (ICBM) được thiết kế đặc biệt để xuyên thủng được hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu của NATO. Loại tên lửa mới này có tầm bắn 6.000 km.
Các số liệu của ELN cho thấy Mỹ hiện có 1.737 đầu đạn hạt nhân chiến lược chiến trường được mang bởi 812 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoạt động, các tên lửa đặt trên tàu ngầm và máy bay ném bom. Nga hiện có 1.492 đầu đạn hạt nhân trên 494 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Thái Vân (P/v TTXVN tại Bỉ)