Đây là số liệu được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) công bố tại Hội nghị lần thứ năm của Liên hợp quốc (LHQ) về các nước kém phát triển nhất (LDC 5), diễn ra tháng 3 vừa qua tại Doha (Qatar), trong đó kêu gọi thế giới quan tâm hơn tới việc xóa bỏ tình trạng "đói nghèo" kỹ thuật số tại các nước kém phát triển, tạo động lực thúc đẩy tiến bộ ở nhóm nước này.
Theo nghiên cứu của ITU, năm 2022, khoảng 407 triệu người ở các nước kém phát triển có sử dụng Internet, song còn tới 720 triệu người vẫn chưa được kết nối. Ngay cả trong số những người có thể truy cập Internet, nhiều người đã không duy trì truy cập do các rào cản từ nhận thức đến kỹ năng và chi phí. Sự chênh lệch về tỷ lệ người sử dụng Internet giữa các nước kém phát triển và phần còn lại của thế giới đã tăng từ 27 điểm phần trăm vào năm 2011 lên 30 điểm phần trăm vào năm 2022. Cũng theo báo cáo, chỉ 83% dân số nhóm LDC được phủ sóng mạng di động 3G trở lên, phương tiện chính để kết nối Internet tại đa số các nước đang phát triển. Trong khi đó, 95% dân số thế giới đã được phủ sóng dịch vụ này.
Hiện có 46 nước nằm trong danh sách các nước LDC của LHQ, trong đó phần lớn nằm ở châu Phi, khu vực có ít kết nối nhất, với 60% dân số không có khả năng truy cập Internet. ITU chỉ ra một số nguyên nhân khiến nhiều người tại các nước LDC vẫn nằm ngoài dòng chảy công nghệ: giá trang thiết bị và dịch vụ cao, người dân thiếu kỹ năng kỹ thuật số căn bản, hiểu biết hạn chế về lợi ích và cách sử dụng mạng, cũng như thiếu cơ sở hạ tầng cần thiết. Thách thức kết nối cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn trong hơn 10 năm qua. Theo ITU, thách thức hiện nay không chỉ là kết nối mạng rộng rãi, mà còn tạo ra sự kết nối có ý nghĩa với trải nghiệm trực tuyến dễ dàng, an toàn, phong phú, hiệu quả và chi phí phải chăng.
LHQ khẳng định cuộc cách mạng kỹ thuật số được xem là lực lượng định hình thời đại, đem lại cơ hội rất lớn từ cải cách giáo dục và y tế, đến thúc đẩy hành động chống biến đổi khí hậu và đạt được tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Vấn đề tiếp cận không đồng đều với công nghệ thông tin và kỹ thuật số là trở ngại chính để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững. Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed cảnh báo rằng, nếu cộng đồng quốc tế không có hành động quyết đoán, khoảng cách kỹ thuật số sẽ trở thành "diện mạo mới của sự bất bình đẳng". Đây cũng là chủ đề của Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới (17/5) năm nay: "Trao quyền cho các nước kém phát triển nhất thông qua công nghệ thông tin và truyền thông”.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh thông điệp công nghệ phải là công cụ để thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, từ đó đảm bảo tương lai công bằng và bền vững hơn ở mọi nơi. Theo đó, ông Guterres kêu gọi thế giới cần tăng đáng kể khả năng tiếp cận và tính bao trùm, đồng thời xóa bỏ khoảng cách kỹ thuật số, hướng tới một tương lai kỹ thuật số mở, công bằng, toàn diện và an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Trong thời gian qua, ITU đã triển khai nhiều dự án và sáng kiến mới như Connect2Recover, Liên minh Kỹ thuật số Partner2Connect để thúc đẩy kết nối và chuyển đổi số toàn cầu, nhất là tại những nước LDC. Trong đó, Partner2Connect ra đời vào năm 2021, khuyến khích lãnh đạo các nước trên thế giới huy động các cam kết, nguồn lực và quan hệ đối tác để triển khai các dự án và giải pháp cho 4 lĩnh vực trọng tâm: kết nối mọi người khắp mọi nơi, trao quyền cho cộng đồng, xây dựng hệ sinh thái kỹ thuật số và khuyến khích đầu tư. Các cơ quan của LHQ cũng xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác rộng khắp nhằm thúc đẩy mọi khía cạnh phát triển bền vững cho nhóm LDC.
Vanuatu là một trong những câu chuyện thành công về chuyển đổi số tại một đất nước có thu nhập thấp và thường xuyên hứng chịu thiên tai. Đảo quốc Thái Bình Dương này đã thoát khỏi danh sách LDC vào tháng 12/2020, chủ yếu nhờ chiến lược tận dụng công nghệ kỹ thuật số là đòn bẩy cho sự phát triển. Trong những năm qua, Vanuatu tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và các ứng dụng để cung cấp các dịch vụ của chính phủ. Quốc gia này cũng đạt được tiến bộ vững chắc trong việc phát triển chính sách kỹ thuật số và khuôn khổ quy định, năng lực an ninh mạng và tăng khả năng thích ứng để đối phó với các thiên tai thường xuyên xảy ra. Mạng lưới kết nối và công nghệ kỹ thuật số không chỉ giúp quản lý rủi ro thiên tai mà còn kết nối các hòn đảo xa xôi vẫn “ngoại tuyến” và mở rộng phạm vi tiếp cận của các dịch vụ công.
Bhutan - đất nước nhỏ bé dự kiến được xóa tên khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất vào cuối năm nay, cũng chú trọng đến vai trò của trình độ kỹ thuật số đối với sự phát triển quốc gia. Chính phủ Bhutan đã triển khai nhiều sáng kiến táo bạo, trong đó có việc xem xét lại chương trình giáo dục quốc gia nhằm đảm bảo mọi người đều được tiếp xúc với công nghệ thông tin và truyền thông, đầu tư mạnh vào giáo dục và giới trẻ. Thậm chí, nhiều trường học ở các vùng sâu, vùng xa được trang bị phòng nghiên cứu khoa học và công nghệ. Quốc gia Nam Á này cũng đang hoàn thiện hệ thống nhận dạng kỹ thuật số, sử dụng công nghệ tiên tiến để cung cấp cho công dân thông tin xác thực an toàn và có thể kiểm chứng để chứng minh danh tính của họ.
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông và sự kết nối toàn cầu tạo tiềm năng lớn để thúc đẩy tiến bộ của con người, thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số và phát triển xã hội tri thức. Ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới năm nay một lần nữa nêu bật vai trò của công nghệ thông tin và truyền thông trong việc thu hẹp khoảng cách xã hội. Như Tổng thư ký ITU Doreen Bogdan-Martin nhấn mạnh: “Con đường dẫn đến thịnh vượng của các quốc gia kém phát triển nhất thế giới chạy qua con đường phát triển kỹ thuật số”, và mục tiêu là “không để ai bị bỏ lại phía sau” trên con đường phát triển. Sự kết nối, đặc biệt là kết nối có ý nghĩa, có thể góp phần giải quyết những thách thức của nhóm LDC và giúp những nước này đạt được mục tiêu chuyển đổi số bền vững.