Chia sẻ với tờ Arab News ngày 8/12, chuyên gia tư vấn và giảng viên truyền thông Mohamed Chebaro, nhà báo kỳ cựu người Anh gốc Liban với hơn 25 năm kinh nghiệm về chiến tranh, khủng bố, quốc phòng, thời sự và ngoại giao, cho biết khi đón ông từ sân bay về Amman (thủ đô Jordan), người tài xế taxi đã nói: “Hãy nhìn vào các cửa hàng McDonald's và quán cà phê Starbucks. Chúng trống rỗng. Đây là điều ít nhất mọi người có thể làm để bày tỏ sự cảm thông và đoàn kết với người Palestine trước cuộc tấn công của Israel ở Gaza và phản đối ‘sự thiên vị’ của phương Tây”.
Vài giờ trước đó, trước khi lên chuyến bay từ London đến Trung Đông, một tài xế taxi khác, người Anh gốc Á, nói với ông Chebaro rằng nhiều người hiện không thể hiểu được tại sao thế giới lại tê liệt trước sự đau khổ của người Arab và người Hồi giáo trước cảnh bạo lực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông hàng ngày từ Gaza.
Theo ông Chebaro, tình hình đối với thường dân Palestine ở Gaza đang tiếp tục xấu đi từng phút. Họ đã phải hứng chịu hai tháng bị Israel ném bom dữ dội, khiến hơn 17.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương khi Israel quân đội Israel tìm cách tiêu diệt Hamas. Công chúng Arab và Hồi giáo đã không thể tin được trước cảnh thương vong vẫn tiếp tục leo thang với phụ nữ và trẻ em Palestine bị sát hại, trong khi cộng đồng quốc tế đứng nhìn, thậm chí không thể mở rộng viện trợ hoặc đồng ý bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn mới nào có thể là bước đầu tiên để chấm dứt giao tranh.
Trước thương vong dân sự như vậy, mọi người trên khắp thế giới đều có thể chứng kiến, hậu quả từ cuộc chiến của Israel ở Gaza là sự nghi ngờ của người Arab đối với phương Tây tăng lên vì những điều mà họ cho rằng cuộc chiến này vẫn tiếp diễn và không bị cản trở do có sự ủng hộ hành động của Israel. Tất cả những điều này đang chuyển thành cảm giác phẫn nộ của người dân ở một số nước phương Tây với những gì được coi là “thiên vị” và “tiêu chuẩn kép” trước sự thống khổ của người Palestine do sự bắn phá không ngừng và không cân xứng của quân đội Israel.
Kể từ khi Israel tuyên chiến với Hamas sau cuộc tấn công ngày 7/10, lập trường của phương Tây về cuộc xung đột ở Gaza đã được theo dõi chặt chẽ. Trong suy nghĩ của nhiều người Arab - cả người bình thường và các chuyên gia - phương Tây có nguy cơ làm bùng phát thêm tình hình vốn đã bất ổn và tạo ra tình cảm chống phương Tây ngày càng tăng cao mà có thể phải mất hàng thập kỷ để hàn gắn.
Ở Trung Đông thời gian gần đây, nhiều người đã bày tỏ sự thất vọng trước lập trường của phương Tây, dù họ được đào tạo ở Mỹ và châu Âu. Trong cuộc xung đột ở Dải Gaza, họ nhắc đến sự nguy hiểm và tác động của việc sử dụng một số cụm từ nhất định, chẳng hạn như đề cập đến cuộc chiến Israel - Hamas thay vì Israel - Palestine.
Cũng có sự tức giận trước câu chuyện của các phương tiện truyền thông phương Tây mô tả những gì Hamas đã làm vào ngày 7/10 là “các cuộc tấn công”, trong khi những gì quân đội Israel đang thực hiện chỉ là “đáp trả” hoặc “hành động trả đũa/tự vệ”. Trên thực tế, đây là cuộc chiến tổng lực của Israel nhằm vào Gaza, san phẳng nhiều khu dân cư và khiến thường dân vô tội, nhiều trong số đó là những người không ủng hộ Hamas, không còn nơi nào để đi.
Những người khác, bao gồm các học giả và chuyên gia trên khắp khu vực, đã nói về việc những nước ở Nam toàn cầu đang mất niềm tin vào truyền thông phương Tây và đặc tính của nó, vốn từ lâu đã chứng kiến họ “rao giảng” cho phần còn lại của thế giới về tính công bằng và khách quan của truyền thông. Họ cho rằng các chính trị gia và phương tiện truyền thông phương Tây đã không giữ được lập trường cân bằng.
Trong vài tuần đầu tiên của cuộc xung đột, các quan chức và truyền thông phương Tây thường xuyên ủng hộ quan điểm của Israel, đồng thời thận trọng ủng hộ người Palestine khi đặt trong bối cảnh ở đâu và khi nào. Một số người thậm chí còn coi hành vi của phương Tây là cái cớ để tiếp tục gây thương vong dân sự và có thể “bật đèn xanh” cho kế hoạch chuyển người Palestine từ Gaza sang Ai Cập và từ Bờ Tây tới Jordan.
Tóm lại, ngoài sự lên án chung về tình trạng bạo lực tiếp diễn của Tổng thư ký Liên hợp quốc và các cơ quan khác nhau của tổ chức này, cũng như của một số quốc gia từ cả Nam toàn cầu và Bắc toàn cầu, hầu hết các nước phương Tây đều tỏ ra rụt rè trước những nỗ lực nhằm ngăn chặn xung đột. Quan điểm này của phương Tây có thể khiến xung đột nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát và đe dọa lan rộng chiến tranh ở Trung Đông đầy biến động đồng thời tạo cơ hội cho các nhóm cực đoan tuyển mộ thêm tân binh để sau đó trỗi dậy mạnh mẽ hơn trong khu vực.