Binh luận trên tờ Tin tức Arab, Ramzy Baroud, học giả, tư vấn truyền thông và nhà bình luận lâu năm về Trung Đông cho rằng, ngay sau khi bắt đầu lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến ở Gaza vào cuối tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và người đồng cấp Bỉ Alexander De Croo, đã xuất hiện trong một cuộc họp báo chung tại cửa khẩu Rafah.
Ông Sanchez mô tả những gì đang xảy ra ở Dải Gaza là “một thảm họa”, trong khi Thủ tướng Croo kêu gọi “chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch” và ngừng gây thương vong cho trẻ em. Điều đáng chú ý là cả hai nhà lãnh đạo châu Âu này đều tuyên bố rằng họ có thể quyết định công nhận nhà nước Palestine, ngay cả khi EU không làm như vậy.
Với quan điểm tương tự từ Ireland, khi Thủ tướng nước này Leo Varadkar cho rằng Israel đã hành động “quá mức” và Tổng thống Ireland Michael D Higgins chỉ trích Israel “coi thường luật pháp quốc tế”, một số nhà lãnh đạo châu Âu dường như đã nhận thức được thực tế rằng sự chiếm đóng của Israel là nguyên nhân chính dẫn đến “sự thù địch” ở Gaza.
Rõ ràng, Israel không hài lòng với quan điểm đang phát triển này ở châu Âu. Theo các phương tiện truyền thông, Tel Aviv ngay lập tức triệu tập đại sứ của cả 3 nước trên để phản đối. Phản ứng này cho thấy Israel không sẵn sàng nhượng bộ châu Âu dù là vấn đề nhỏ nhất - chẳng hạn như lên án việc sát hại trẻ em hoặc mong đợi một giải pháp hòa bình nào đó tập trung vào chủ quyền của người Palestine.
Việc Tây Ban Nha và Bỉ tỏ ý rằng họ có thể quyết định công nhận Palestine ngay cả khi không có sự đồng thuận của EU là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ về chính sách đối ngoại ở châu Âu. Hóa ra không phải tất cả các chính phủ châu Âu đều chỉ trích tình trạng bạo lực leo thang ở Gaza như Đức và Anh chẳng hạn.
Điều thú vị là các quan chức EU khác cũng đang kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine. Ví dụ, đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh EU Josep Borrell đã lập luận vào tuần trước rằng “sự đảm bảo tốt nhất cho an ninh của Israel là thành lập một nhà nước Palestine”. Ngay cả David Cameron, cựu Thủ tướng Anh và hiện là Ngoại trưởng, cũng có quan điểm tương tự. Israel sẽ không có được an ninh trừ khi nước này đảm bảo được “sự an toàn, an ninh và ổn định lâu dài” cho người Palestine, ông Cameron nói.
Có thể nỏi ở châu Âu đang có sự sự nhấn mạnh ngày càng tăng về “giải pháp” và quyền lợi cho người Palestine, điều gần như thiếu vắng trong các thông điệp chính trị phương Tây trước ngày 7/10.
Vấn đề đó cũng cho thấy một sự thật là người Palestine đã thành công, thông qua sự phản kháng và sự kiên định của họ, trong việc tái khẳng định Palestine trong chương trình nghị sự toàn cầu. Nhưng làm thế nào mà người Palestine có thể thành công như vậy bất chấp việc chính nghĩa của họ bị gạt ra bên lề trước cuộc xung đột ở Gaza?
Thứ nhất, theo học giả Baroud, không giống như các cuộc chiến trước đây, lần này người Palestine đã đồng lòng lên tiếng. Không hề diễn tập hay thậm chí phối hợp, có cảm giác như thông điệp của người Palestine được truyền đi một cách liền mạch, khi tất cả họ, bất kể tư tưởng, thành phần, đều tập trung vào hành động tấn công bạo lực của Israel mà không rơi vào cái bẫy của trò chơi đổ lỗi phe phái điển hình.
Ví dụ, ngay cả những đứa trẻ đã mất người thân trong gia đình ở Gaza cũng dũng cảm đứng trước ống kính và tuyên bố sẽ không bao giờ yếu đuối và không gì có thể đẩy họ rời khỏi vùng đất này. Nhiều người Palestine từ già đến trẻ đều lặp lại cùng một quan điểm và sử dụng thông điệp tương tự, ngay cả khi họ đang nằm trên giường bệnh.
Điều này khiến Israel phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để cắt đứt 2,3 triệu người Palestine ở Gaza khỏi phần còn lại của thế giới, chặn internet, cắt điện và mọi hình thức liên lạc, ngay cả giữa chính người Palestine. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, một thông điệp rõ ràng và thống nhất của người Palestine vẫn tiếp tục được khuếch đại lên gấp nhiều lần bởi các nhà hoạt động trên mạng xã hội.
Thứ hai, tình trạng phe phái giữa người Palestine đột nhiên biến mất. Trong nhiều năm, các quan điểm phe phái đã chia rẽ người Palestine thành các nhóm lợi ích xung đột nhau, cản trở nỗ lực của người dân Palestine nhằm thống nhất đằng sau một ban lãnh đạo duy nhất – vốn có khả năng truyền đạt, đại diện và bảo vệ các khát vọng chính trị của họ.
Tất cả các cuộc đàm phán và thỏa thuận Fatah-Hamas đều thất bại, khiến người dân Palestine không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tìm cách đoàn kết vượt qua lợi ích của các chính trị gia. Sự đoàn kết này hiện đang được thể hiện, buộc tất cả mọi người, kể cả những người liên kết với Chính quyền Palestine: Trong khi người dân Gaza đấu tranh để giải thoát các tù nhân ở Bờ Tây, thì người dân Bờ Tây cũng đứng lên bảo vệ Gaza.
Thứ ba, sự thống nhất bên ngoài Palestine cũng là yếu tố rất quan trọng. Người Arab và người Hồi giáo đóng vai trò là hạt nhân của tình đoàn kết với Palestine trong suốt chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza. Họ đã phản đối, tẩy chay, đấu tranh và cả vận động Israel. Hơn nữa, hàng chục triệu người, vượt ra ngoài giới hạn của thế giới Arab và Hồi giáo, đã tuần hành ủng hộ các quyền của người Palestine.
Quả thực, những cuộc thảo luận hoàn toàn mới về vấn đề Palestine hiện đang thu hút sự quan tâm trên toàn thế giới. “Nam Toàn cầu” (các nước đang phát triển và mới nổi ngoài phương Tây) một lần nữa ủng hộ cuộc đấu tranh của người Palestine, trong khi một bộ phận ở phương Tây đang thách thức các chính phủ, tập đoàn lớn và các phương tiện truyền thông chính thống trong việc biện minh, hỗ trợ và ủng hộ chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza.
Tóm lại, ngày càng nhiều nhà lãnh đạo và quan chức phương Tây đang lên tiếng vì họ hiểu rằng quyền của người Palestine đã trở thành một chính nghĩa toàn cầu và việc kéo dài sự chiếm đóng của Israel cùng chế độ phong tỏa hà khắc sẽ không mang lại dư luận tốt cho Tel Aviv cũng như phương Tây.