Xung đột Ukraine và bài học 100 năm về trước

Việc chính quyền Kiev quyết định tiến hành các chiến dịch trấn áp người biểu tình ủng hộ liên bang hóa ở miền Đông, Nam Ukraine vài ngày qua đã đưa đến một chương mới cho cuộc xung đột tại quốc gia Đông Âu này. Những con số thiệt hại, thương vong là một minh chứng đáng buồn, nó cho thấy một điều: Ukraine đã trở thành vùng đất chia cắt bởi những vết thương khó lành, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Thay đổi sắc thái khủng hoảng

Để hiểu được tình hình Ukraine đang trôi về đâu, điều quan trọng là phải “khảo sát” bản chất cuộc xung đột, đặc biệt là ở miền Đông. Từ những áp bức về chính trị, đòi tự trị khu vực, mâu thuẫn hiện đã chuyển sang chiến dịch quân sự, bán vũ trang đàn áp người biểu tình. Rõ ràng sẽ chẳng còn nhiều không gian cho các lựa chọn chính trị và ngoại giao vốn đã rất hạn hẹp, làm cho nội chiến Ukraine và bất ổn khu vực thực sự là nguy cơ lớn.

Binh sĩ Ukraine được triển khai trên tuyến đường từ Kramatorsk tới thành phố Slavyansk. Ảnh: AFP/TTXVN


Những khu vực có tầm quan trọng chiến lược như Slovyansk, Kramatorsk và Odessa đang bị quân đội chính phủ, lực lượng cánh hữu và các phần tử phát-xít bán vũ trang bao vây, tấn công. Vì lẽ đó, sẽ không thể có các cuộc hội đàm thực sự, chứ chưa nói đến là giải pháp ngoại giao giúp hạ nhiệt khủng hoảng. Người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, tuy khẳng định “Nga sẽ tiếp tục đối sách ngoại giao giúp ngừng leo thang. Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để đưa cuộc khủng hoảng này xuống thang từng nấc một”, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, “chính quyền Kiev vô trách nhiệm, họ liên quan trực tiếp đến những hành động tội ác này. Tay họ dính đầy máu”.

Cùng với đó, cần phải hiểu được các chiến thuật và diễn tiến trên thực địa. Vụ phóng hỏa Tòa nhà Công đoàn ở Odessa, làm người vô tội thiệt mạng, là tội ác chiến tranh. Có nhiều bằng chứng cho thấy, các phần tử cánh hữu chính là thủ phạm gây ra thảm kịch này. Chiến thuật cũng đã rõ: Phái này tiếp tục sử dụng bom xăng, bắn vào người biểu tình, đánh đập, tra tấn… nhằm khủng bố người biểu tình. Các chiến dịch quân sự bản thân nó đã là một sự vi phạm luật pháp quốc tế. Với việc triển khai binh lực nhằm vào người dân, không phải là chiến binh nước ngoài, chính quyền Kiev đã phạm phải tội ác lớn.

Việc làm này sẽ hủy hoại tiến trình đàm phán, đưa Ukraine đi vào giai đoạn bất ổn hơn. Nga vẫn muốn các bên theo đuổi thỏa thuận khung Geneva đạt được hôm 17/4 nhưng đồng thời phải thừa nhận rằng mình không có đối tác hợp pháp ở Ukraine cũng như đối tác đàm phán ở Washington, Brusells - những người vẫn làm ngơ và ủng hộ Kiev. Điện Kremlin cho rằng Mỹ và phương Tây không hề quan tâm đến việc tạo lập hòa bình và trật tự ở Ukraine, thay vào đó họ chỉ muốn lợi dụng tình hình bất ổn để đạt mục đích riêng. Thỏa thuận Geneva vì thế cũng chung số phận với Thỏa thuận ngày 21/2 được ký giữa Tổng thống Viktor Yanukovych với phe đối lập - nó sẽ không được phương Tây và những người lên nắm quyền bất hợp pháp ở Kiev thực thi.

Khủng hoảng đi về đâu?

Thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc Moskva đã mất hết niềm tin vào các biện pháp ngoại giao giúp tạo lập hòa bình. Trước cảnh Kiev và phương Tây lần lữa bội ước, Nga sẽ buộc phải có các bước đi can dự để bảo vệ công dân Nga và tuyến biên giới giáp Ukraine.

Mối nguy về một cuộc nội chiến ở Ukraine ngày càng rõ ràng. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa dừng ở đó. Một cuộc chiến “nồi da xáo thịt” sẽ có thể buộc Nga phải can dự để bảo vệ an toàn cho những người nói tiếng Nga ở Ukraine, hoặc khi Moskva cảm thấy bị đe dọa và buộc phải đáp trả tự vệ. Làm vậy, Nga sẽ bị phương Tây “phê phán”, áp đặt các lệnh cấm vận mới và hiển nhiên sẽ chịu ảnh hưởng nhất định.

Cần những quyết tâm đàm phán, chứ không phải là sự nghi ngờ, im lặng giữa các bên. Ảnh minh họa. Nguồn: AP


Trong tình huống xấu nhất khi xảy ra đụng độ quân sự, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ có lý do để tăng cường mở rộng hiện diện ở các vùng phía đông, và thế đối đầu Nga - NATO khi đó sẽ không chỉ còn là điều trên lý thuyết.

Vậy đâu là con đường tiến đến một giải pháp hòa bình? Điều kiện tiên quyết là chính quyền Kiev phải dừng ngay việc đàn áp đẫm máu người biểu tình; dừng các chiến dịch quân sự, rút quân. Đây sẽ là tiền đề để thúc đẩy lộ trình đàm phán về quy chế bán tự trị liên bang cho miền Đông, miền Nam một cách thật tâm. Cùng lúc, Nga sẽ thể hiện thiện chí, đưa ra một số hình thức trợ giúp như giảm giá khí đốt, nhưng đổi lại Ukraine phải giải giáp lực lượng phát xít bán vũ trang. Quan trọng nhất là cộng đồng quốc tế phải công nhân quy chế trung lập của Ukraine, bảo đảm rằng quốc gia Đông Âu này không phải là một tiền đồn mở rộng của NATO.

Chỉ vài tháng nữa, thế giới sẽ chứng kiến tròn 100 năm xảy ra Chiến tranh thế giới thứ nhất, một cuộc xung đột đẫm máu nhất trong thế kỉ 20, làm hao tổn tiền của, cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Thế chiến xảy ra vì “thiếu” các bước đi và nỗ lực ngoại giao, nhưng lại “thừa” tham vọng ngông cuồng cùng với sự không sẵn sàng thỏa hiệp giữa các bên. Đó là cuộc chiến tranh giành lãnh địa ảnh hưởng, tài nguyên, kinh tế, địa chính trị. Bài học quá khứ sẽ vẫn luôn có giá trị, đó là điều mà các bên liên quan ở Ukraine cần “nằm lòng” để không đi vào vết xe đổ.


Hoài Thanh

Đức kêu gọi tổ chức hội nghị Geneva 2 về Ukraine
Đức kêu gọi tổ chức hội nghị Geneva 2 về Ukraine

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 4/5 kêu gọi tổ chức hội nghị quốc tế thứ hai về Ukraine nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN