Những phát biểu bóng gió, những lời cảnh báo và những tín hiệu chính trị đã được mã hóa phát đi từ Ixraen về khả năng tấn công Iran đang chồng chất áp lực lên Tổng thống Mỹ Barack Obama và làm nóng hơn nữa một cuộc tranh cãi quyết liệt đúng vào năm bầu cử.
Ngày 5/2, cá nhân ông Obama cũng góp tiếng nói vào những đồn đoán về vấn đề này, khi phát biểu rằng ông không tin là Ixraen đã ra quyết định tấn công những cơ sở hạt nhân trong lòng đất của Iran. Và Tổng thống Mỹ khẳng định rằng những biện pháp trừng phạt "chưa từng có" đối với Iran đang làm phương hại Têhêran.
Những đồn đoán về một cuộc tấn công nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran đã lên đến cao trào khi cây bút chuyên về thông tin tình báo của Ixraen, Ronen Bergman, kết luận trong một bài báo đăng trên tạp chí "Thời báo New York" số ra cách đây 1 tuần rằng Ixraen sẽ tấn công Iran trong năm nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Ixraen Ehud Barak đã khiến Oasinhtơn e ngại khi ông kêu gọi hành động kịp thời (nhưng lại không nói rõ là khi nào) chống lại Iran, và còn nói thêm rằng "bất kỳ ai đưa ra ý kiến 'để sau đã' đều có thể nhận thấy rằng 'để sau đã' là quá muộn".
Sau đó, cây bút chuyên bình luận chính trị của báo "Bưu điện Oasinhtơn" David Ignatius đã rung lên những hồi chuông báo động khi đăng bài báo dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta nói "nhiều khả năng Ixraen sẽ tấn công Iran vào tháng 4, 5 hoặc 6". Ignatius viết: "Được biết Tổng thống Obama và ông Panetta đã cảnh báo người Ixraen rằng Mỹ phản đối một cuộc tấn công như vậy".
Ông Panetta từ chối cho biết thêm chi tiết, song việc ông không phủ nhận bài báo trên đã làm tăng hơn nữa những đồn đoán về động thái tiếp theo của Ixraen.
Cliff Kupchan, chuyên gia về Iran của tổ chức Eurasia Group, cho rằng cảm giác Ixraen có thể tấn công cũng có khả năng được xem là một mưu đồ nhằm buộc Têhêran phải trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Một số nhà quan sát tại Oasinhtơn lưu ý trước đây Ixraen không hề đưa ra những lời dọa nạt nào trước khi tiến hành các cuộc tấn công quân sự, như vụ bắn phá một lò phản ứng hạt nhân của Xyri hồi năm 2007.
Có lẽ các nhà lãnh đạo Ixraen cũng chưa sẵn sàng hứng chịu những hậu quả thảm khốc của một cuộc tấn công, khi mà Iran có thể trả đũa bằng cách phóng tên lửa và các tổ chức khủng bố là đồng minh của Têhêran sẽ tấn công nhà nước Do Thái.
Mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu" ngày 5/2 dẫn lời Giáo sư Sergei Druzhilovsky thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế nhà nước Mátxcơva, nhận xét: "Nếu Mỹ, Ixraen và NATO phớt lờ những cảnh báo của Nga, Trung Quốc và các thành viên có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế và quyết định can thiệp quân sự chống lại Iran, thì những hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Điều này không chỉ dẫn đến một cuộc xung đột khu vực, mà còn cả một thảm họa nhân đạo tại toàn bộ Trung Đông. Đây là một nguy cơ đối với sự ổn định quốc tế".
Ngày 3/2, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đã tuyên bố rằng đến tháng 3/2012, Iran sẽ tăng chi phí quân sự lên hơn gấp đôi. Trong khi đó, máy bay ném bom chiến lược của Mỹ đã được triển khai tại Cata trong một dấu hiệu cho thấy một chiến dịch quân sự do phương Tây và Ixraen thực hiện để chống lại Iran có thể xảy ra. Các chuyên gia cảnh báo rằng những hậu quả khu vực và toàn cầu của động thái này là không thể dự đoán được.
Mỹ và các đồng minh vẫn đang tiếp tục phái binh lính và vận chuyển vũ khí tới vùng Vịnh. Lính Mỹ đang được tăng cường tới căn cứ quân sự trên đảo Masirah của Ôman. Có thêm 15.000 quân nhân Mỹ đã được triển khai tại Côoét. Hàng trăm quả bom có khả năng phá bêtông đang được cung cấp cho một căn cứ quân sự Mỹ trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương và hai nhóm tàu sân bay của Mỹ hiện đang hoạt động tại vùng Vịnh.
Lực lượng này dự kiến được bổ sung tàu sân bay USS Enterprise, tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân Annapolis và tàu khu trục Momsen. Trong khi đó, Pháp và Anh cũng đang phái quân tới Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Arập Xêút.
Tất cả các động thái trên cho thấy Mỹ và Ixraen đã sẵn sàng dùng vũ lực chống lại Iran. Tuy nhiên, do tại Iran không có lực lượng sẵn sàng lật đổ chế độ, nên việc không kích là không thích hợp bởi vì không có các mục tiêu để ném bom tại Iran. Vấn đề là liệu người dân Iran có sẵn sàng bảo vệ tổ quốc trước một cuộc xâm lược hay không.
Nhà nghiên cứu Vladimir Sotnikov thuộc Viện nghiên cứu phương Đông nói: "Tình hình đang căng thẳng và một chiến dịch quân sự của Mỹ và Ixraen chống lại Iran có thể diễn ra. Tuy nhiên, bối cảnh năm bầu cử tại Mỹ có thể khiến Tổng thống Barack Obama quyết định không can dự vào một cuộc xung đột quân sự nữa trong khi các cuộc xung đột tại Irắc và Ápganixtan vẫn chưa được giải quyết. Nhưng còn đối với Ixraen, họ có thể sử dụng vũ lực để chống lại Iran".
TTK (Tổng hợp)