Xung quanh vụ thử tên lửa tầm xa của Ấn Độ

Sự kiện ngày 18/4/2012 Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa tầm xa Agni-5 có tầm bắn tới 5.000 km và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được chính giới và dư luận Mỹ cho rằng Ấn Độ giờ đây đã có trong tay thứ vũ khí đủ sức bao trùm toàn bộ châu Á và một phần châu Âu.

Hệ thống tên lửa tầm xa Agni-4 rời khỏi bệ phóng tại đảo Wheeler thuộc Ấn Độ ngày 15/11/2011. Ảnh: AFP/TTXVN


Dư luận Ấn Độ đánh giá cao thành công của vụ phóng thử tên lửa. Thủ tướng Manmohan Singh cho biết, tên lửa Agni-5 sẽ là một trong những hòn đá tảng giúp Niu Đêli tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh đất nước.

Nhưng dư luận Ấn Độ cũng có một số ý kiến chỉ trích chính phủ nước này đã chi phí ngân sách quá lớn cho chương trình tên lửa hiện đại, trong khi hàng trăm triệu người dân Ấn Độ vẫn đang sống trong cảnh nghèo đói. Nhà nghiên cứu Praful Bidwai thuộc Liên minh Hòa bình và Giải trừ Vũ khí Hạt nhân nhận xét: Thật nực cười khi Ấn Độ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang vô ích mà không nghĩ đến các nhu cầu thiết yếu của người dân.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án mạnh mẽ vụ phóng tên lửa mang vệ tinh ngày 13/4 của CHDCND Triều Tiên, nhưng lại tỏ thái độ ủng hộ dè dặt đối với vụ thử tên lửa của Ấn Độ. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner một mặt xác nhận Ấn Độ là quốc gia trung thành với cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và luôn theo đuổi chính sách không phải là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, mặt khác hối thúc tất cả các nước có vũ khí hạt nhân hãy kiềm chế tối đa.

Tờ “Thời báo New York” (Mỹ) ngày 19/4 cho rằng, với vụ thử tên lửa trên, Ấn Độ giờ đây đã gia nhập nhóm các nước có tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Ixraen.

Poornima Subramaniam, chuyên gia về lực lượng vũ trang thuộc tạp chí "Jane’s Defence" cho rằng với tên lửa Agni-5, có tầm bắn tới Têhêran (Iran), Manila (Philíppin) và một phần lãnh thổ châu Âu, Ấn Độ giờ đây, về mặt công nghệ, đã thu hẹp phần nào khoảng cách với Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã có tên lửa có tầm bắn 10.000 km trong khi Pakixtan mới có tên lửa có tầm bắn khoảng 1.200 km.

Ấn Độ bắt đầu chương trình tên lửa từ năm 1983 và đến nay, sau một số lần thất bại, đã có trong tay các thế hệ tên lửa Agni gồm Agni-4 có tầm bắn hơn 3.500 km, Agni-3 và Agni-2 đã đưa vào trang bị cho quân đội. Agni-5 là bước tiến lớn về công nghệ. Tên lửa Agni-5, nặng 50 tấn, dài khoảng 15,5 m, bay ở độ cao khoảng 430 dặm, sử dụng nhiên liệu rắn và có thể mang đầu đạn hạt nhân nặng 1,5 tấn, dự kiến sẽ được đưa vào vị trí tác chiến vào năm 2014.

Báo “Bưu điện Oasinhtơn” ngày 19/4 cũng dẫn lời các chuyên gia cho rằng, với tên lửa Agni-5, Ấn Độ đã cải thiện đáng kể khả năng răn đe hạt nhân trước hai nước láng giềng là Trung Quốc và Pakixtan. Đến thời điểm hiện tại Ấn Độ có từ 80-100 đầu đạn hạt nhân trong khi Trung Quốc có 240 và Pakixtan có từ 90-110 đầu đạn hạt nhân.

Ông Graeme Herd, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Trung tâm Chính sách An ninh của Geneva (Thụy Sĩ), đánh giá: Vụ phóng tên lửa ngày 19/4 của Ấn Độ khiến thế giới nhận thức rõ một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á và thực tế là một cuộc chạy đua vũ trang đặc biệt giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Ông cho rằng Bắc Kinh sẽ coi vụ phóng thử tên lửa Agni-5 của Ấn Độ như một hành động từ cân bằng chuyển sang ngăn chặn Trung Quốc, từ đó họ có thể nỗ lực tàng trữ các loại vũ khí và đẩy mạnh các mối quan hệ thân thiện hơn với Pakixtan cũng như các nước Trung Á để đe dọa Ấn Độ.

Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc trước vụ phóng thử tên lửa của Ấn Độ không gay gắt. Cùng ngày 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Vi Dân tuyên bố, Ấn Độ và Trung Quốc không phải những đối thủ cạnh tranh mà là các đối tác. Hai nước cần nỗ lực thúc đẩy hợp tác chiến lược thân thiện vì hòa bình và ổn định trong khu vực. Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc còn cho biết, thực tế tên lửa của Ấn Độ không đe dọa Trung Quốc hoặc các nước khác. Bởi vì độ chính xác của các hệ thống điều khiển cũng như trọng lượng 50 tấn của tên lửa buộc Ấn Độ phải phóng tên lửa từ bệ phóng cố định, do đó tên lửa trở thành mục tiêu dễ dàng cho các cuộc phản công của đối phương.

Các quan chức Pakixtan, nước láng giềng được trang bị các loại vũ khí hạt nhân và đối thủ cạnh tranh của Ấn Độ, không hề bình luận về vụ phóng tên lửa của Ấn Độ.

TTK

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN