Yếu tố giá dầu trong 'chiến tranh và hòa bình' tại Trung Đông

Theo báo "Bưu điện quốc gia" (Canada) ngày 1/6, những người được lợi nhất về tài chính từ chiến tranh và bất ổn tại Trung Đông là những công ty xuất khẩu dầu mỏ, chứ không phải những công ty xuất khẩu vũ khí. Các công ty xuất khẩu dầu mỏ cần bất ổn tại Trung Đông bởi nguy cơ xảy ra chiến tranh càng lớn thì thu nhập của họ càng cao.

Khu vực khai thác dầu mỏ Kirkuk, Iraq. Ảnh: AFP- TTXVN.


Cuộc nội chiến tại Syria đang minh họa cho mức chênh lệch lợi nhuận giữa các công ty sản xuất vũ khí so với các công ty sản xuất dầu. Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, với doanh số hàng năm khoảng 12 tỷ USD; chính phủ Syria được cho là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga, chiếm khoảng 10% doanh số bán vũ khí, tức khoảng 1 tỷ USD/năm. Một số người cho rằng việc bán vũ khí này là lý do chủ chốt khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin kiên quyết ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Nhưng doanh số bán vũ khí trên không hấp dẫn bằng doanh thu bổ sung từ xuất khẩu dầu mỏ, được các nhà kinh tế định nghĩa là "tiền trả thêm do sợ chiến tranh", hiện đứng ở mức khoảng 20-30 USD/thùng. Do xuất khẩu dầu mỏ của Nga hiện khoảng trên 7 triệu thùng/ngày, nên số lợi nhuận bổ sung này lên tới 140-210 triệu USD/ngày. Số thu nhập bổ sung này trong vòng 1 tuần đã bằng doanh số bán vũ khí cả năm của Nga cho Syria. Nói cách khác, cho dù Syria không thể thanh toán tiền cho số vũ khí mà họ mua, nước Nga vẫn có thể bào chữa cho việc bán vũ khí cho Syria.

Tương tự như vậy với Iran, một quốc gia ủng hộ chế độ Syria và là "bậc thầy" trong việc sử dụng "con bài" sợ hãi. Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad thường đe dọa gây ra xung đột lớn tại Trung Đông, hoặc bằng việc đóng cửa Eo biển Hormuz, nút cổ chai trong tuyến đường vận chuyển phần lớn dầu mỏ của thế giới, hoặc bằng việc phá hủy Israel. Các thị trường dầu mỏ thường phản ứng một cách thích hợp. Năm 2008, giá dầu đã tăng vọt từ 95 USD/thùng lên 147 USD/thùng chủ yếu vì những quan ngại rằng chiến tranh có thể nổ ra. Từ năm 2011, một số nhà kinh tế đã dự báo giá dầu có thể tăng lên đến 200 USD/thùng, thậm chí chiến tranh có thể khiến giá dầu tăng lên 300-500 USD/thùng.

Khi cả thế giới lo sợ và phải trả thêm tiền khi mua xăng dầu, Iran bỏ túi số tiền thu thêm được. Venezuela, một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn khác tại Tây bán cầu, cũng vậy. Dù ở xa, nhưng Venezuela cũng có ảnh hưởng đến tình hình Trung Đông. Cho đến trước khi từ trần hồi đầu năm nay, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez vẫn đóng một vai trò lớn trong việc giữ cho ông Assad tiếp tục nắm quyền. Một số người đã cho rằng việc ông Chavez ủng hộ chế độ Assad là một cách trả ơn cho người bạn thân của ông là Tổng thống Iran Ahmadinejad. Nhưng sự ủng hộ này cũng có thể được thiết kế làm tăng số "tiền trả thêm do sợ chiến tranh" trong giá dầu thế giới.

Arập Xêút và Qatar, những quốc gia trang bị vũ khí và tài trợ cho phiến quân chống lại ông Assad, cũng là những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn. Giống như các đối tác ủng hộ chế độ Assad, chi phí của những nước này nhằm duy trì cuộc nội chiến tại Syria sẽ được đến bù nhờ khoản thu nhập bổ sung từ số "tiền trả thêm do sợ chiến tranh" trong giá dầu thế giới. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này cũng đang khuấy động tình hình tại các khu vực khác. Qatar có vai trò chủ chốt trong việc khuyến khích Mùa Xuân Arập và tổ chức Hamas; Arập Xêút tài trợ cho các tổ chức cực đoan Wahabi trên khắp thế giới. Trước khi bị lật đổ, nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại Libya và Saddam Hussein tại Iraq, các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn khác cũng đã khuyến khích và được lợi từ những hoạt động khủng bố và tình trạng bất ổn khu vực.

Tất nhiên là tiền không phải là động cơ duy nhất khiến nhiều quốc gia xuất khẩu dầu mỏ tài trợ cho bất ổn tại Trung Đông, mà các nhà lãnh đạo của họ đã hành động với các chiêu bài dân tộc chủ nghĩa, sắc tộc, tôn giáo hoặc địa chính trị. Nhưng các chiêu bài trên cũng bị "buộc phải nặn ra" bởi vì hầu hết các chính phủ khuấy động bất ổn không chỉ chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập từ dầu mỏ, mà còn cần giá dầu cao để tiếp tục duy trì quyền lực của họ. Ví dụ như Arập Xêút đang khai thác dầu với mức chi phí khoảng 10 USD/thùng, nhưng cần giá dầu đứng ở mức 80-90 USD/thùng để cân bằng ngân sách của họ và duy trì các chương trình xã hội hào phóng. Tương tự như vậy, chính phủ Iran cần giá dầu trong khoảng 85-100 USD/thùng để cân bằng ngân sách, trong khi Nga cần mức giá dầu 105 USD/thùng và Venezuela cần mức giá 110 USD/thùng.

Với chính phủ của các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này, nguy cơ từ hòa bình lâu dài là hiện hữu, bởi vì nếu giá dầu giảm, các chính phủ biết rằng chính họ sẽ bị đe dọa. Đôi khi hòa bình tại Trung Đông là có thể đạt được. Ví dụ như Ai Cập và Jordan đã ký các hiệp định hòa bình với Israel, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã liên minh với Israel trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng vấn đề là cả 4 quốc gia trên đều không có dầu mỏ để xuất khẩu.

 

Theo báo "Bưu điện quốc gia"
Dầu mỏ chi phối chính sách Mỹ tại Trung Đông
Dầu mỏ chi phối chính sách Mỹ tại Trung Đông

Sản lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên tăng đột biến tại Mỹ có thể dẫn tới sự thay đổi trong mối quan hệ Trung Đông-Mỹ. Đây là khẳng định của Tổng thống Barack Obama trong bài trả lời phỏng vấn tạp chí "Time" số ra ngày 19/12.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN