“Ngoài các vụ Công ty TSC tại Hà Nội, vụ Vinaca tại Hải Phòng, vụ Cà phê pin tại Đăk Nông... Đáng chú ý thời gian qua có tình trạng một số Hiệp hội đã trao tặng thương hiệu sản phẩm cho nhiều doanh nghiệp vi phạm pháp luật, khiến dư luận hoang mang, lo lắng”, ông Thế nhận định.
Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 9 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị. Ảnh: T.Hằng. |
Tại Hội nghị giao ban thường trực quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2018 diễn ra ngày 18/5 do Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ 9 Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) Trịnh Văn Ngọc cho hay: Riêng quý I/2018, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra trên 30.000 vụ; phát hiện, xử lý trên 25.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) gần 100 tỷ đồng.
Lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng chức năng bắt, xử lý một số vụ việc điển hình như: Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện mỹ phẩm các loại do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng giả, gồm 18.144 tuýp kem đánh răng nhãn Sensodyne các loại; 1.008 tuýp kem đánh răng Colgate; 1.488 hộp kem dưỡng da nhãn Nivea. Trị giá lô hàng nhập lậu, nghi giả ước tính khoảng 1 tỷ đồng.
Tổ công tác Cục QLTT phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất thuốc nam, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương tại Khu đô thị Tây Mỗ, Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện đang đóng gói, kinh doanh nhiều mặt hàng mỹ phẩm, thuốc nam và thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, không công bố chất lượng với số lượng bao gì, nhãn, bán hành phẩm, thành phẩm hoàn chỉnh… lên đến hàng nghìn sản phẩm.
Hôm qua, ngày 17/5, Chi Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra Cơ sở kinh doanh do bà Hồ Thị Việt Nga làm chủ, địa chỉ số 5 đường Nguyễn Trung Ngạn, phường Trường Thi, TP Vinh (Nghệ An), phát hiện hàng trăm sản phẩm tinh dầu, mỹ phẩm, gói thực phẩm bột ngũ cốc không có nguồn gốc. Hiện các lực lượng chức năng đang tiến hành tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, máy móc, dụng cụ thiết bị nói trên để làm rõ, xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
Theo ông Ngọc, thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị số 13/CT-Ttg của Thủ tướng về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm…; triển khai xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng tiến độ, tiếp tục rà soát, đề suất sửa đổi bổ sung những văn bản pháp luật liên quan hoạt động của lực lượng QLTT.
“4 tháng đầu năm nay có thời điểm trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân tăng cao nên hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn biến phức tạp. Tuyến biên giới đường bộ nổi lên hoạt động vận chuyển, buôn bán ma túy, pháo nổ, hàng hóa như: Quần áo, hoa quả, nông sản, thực phẩm, các loại gia cầm... Đặc biệt, xuất hiện tình trạng vận chuyển, buôn bán tiền giả, như: Vụ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng bắt 2 đối tượng chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả vào Việt Nam”, ông Thế cho hay.