Bình Phước: Thu hồi 345 ha đất rừng trái phép của công ty Sasco


Ngày 11/6,  Phòng PA81, Công an tỉnh Bình Phước đã hoàn tất quá trình điều tra và đã có văn bản báo cáo gửi Ban Giám đốc Công an tỉnh để kiến nghị ttỉnh thu hồi 2 dự án đất đã giao khoán tổng cộng 345 ha cho Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (nay là Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất – Sasco) vì đã sai phạm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án giao khoán.

Theo điều tra của cơ quan công an, năm 2006, Sasco ký hợp đồng nhận khoán với Ban Quản lý rừng kinh tế (BQLRKT) Suối Nhung để “Quản lý bảo vệ rừng kết hợp trồng rừng, chăn nuôi gia súc” trên diện tích 545 ha tại tiểu khu (TK) 363. Ngày 27/2/2007 UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt hợp đồng bằng công văn 434/UBND-SX.

Sau vài năm được giao cho Sasco, “rừng” đã trở thành nghèo kiệt thực sự. Ảnh: Nongnghiep.vn



Tháng 3/2008, tỉnh Bình Phước chấp thuận cho BQLRKT Suối Nhung liên doanh với Sasco chuyển đổi 105 ha rừng để trồng cao su. Cũng trong năm này, tỉnh điều chỉnh 200 ha đất rừng đã giao khoán cho Sasco để giao lại cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Phước xây dựng căn cứ hậu phương nên Sasco chỉ còn quản lý, sử dụng 345 ha.


Năm 2009, BQLRKT Suối Nhung và Sasco tiếp tục lập các tờ trình xin đánh giá lại hiện trạng rừng giao khoán cho Sasco khoanh nuôi bảo vệ để chuyển đổi trồng cao su trên diện tích 152 ha và cũng được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án chuyển đổi rừng trồng 143,2 ha cao su.


Ở cả 2 quyết định phê duyệt 2 dự án trên, đều ghi rõ Sasco phải đầu tư 100% vốn. Theo cơ quan công an, trước khi chuyển đổi, trong quá trình thực hiện hợp đồng giao khoán 345ha, Sasco chỉ mới đầu tư trồng 18ha cao su từ năm 2008 và xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi, làm đường với tổng giá trị gần 3 tỷ đồng…


Điều đáng nói là khi vừa được UBND tỉnh Bình Phước cho phép chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trồng cao su và ký 2 hợp đồng liên doanh, Sasco đã không đầu tư mà ngay trong ngày ký 2 hợp đồng liên doanh, Sasco đã ký hợp đồng liên doanh "ngược" lại với cá nhân ông Trần Tấn Minh, Giám đốc Ban quản lý rừng kinh tế Suối Nhung chuyển toàn bộ 2 dự án trên cho ông này trực tiếp đầu tư để hưởng lợi theo thỏa thuận. Ngay sau đó, ông Minh đã tự ý “chia nhỏ” đất của 2 dự án trên để bán cho một số cán bộ nhằm trục lợi.


Theo cơ quan điều tra, việc Sasco không đầu tư mà chuyển nhượng trực tiếp cho ông Trần Tấn Minh nhằm hưởng lợi theo tỷ lệ ăn chia (sau thời kỳ kiến thiết cơ bản, Sasco được hưởng 140ha, khoảng 50 tỷ đồng) là trái với quy định của UBND tỉnh Bình Phước và vi phạm hợp đồng liên doanh.


Đối với ông Trần Tấn Minh, Giám đốc BQLRKT Suối Nhung vừa ký xong hợp đồng liên doanh với Sasco, lại ký “ngược” hợp đồng liên doanh cho cá nhân mình trực tiếp đầu tư và giao đất dự án cho các cá nhân khác là hành vi vi phạm pháp luật nhằm động cơ trục lợi, vi phạm trách nhiệm của chủ rừng về việc theo dõi, giám sát việc thực hiện dự án của Sasco theo quyết định của UBND tỉnh Bình Phước.


Ngoài ra nội dung hợp đồng liên doanh có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nhằm mục đích trục lợi. Việc giao đất trồng cao su cụ thể cho các cá nhân đầu tư để thu tiền có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đậu Tất Thành

 

Cưa xăng “xẻ thịt” rừng đặc dụng
Cưa xăng “xẻ thịt” rừng đặc dụng

Hà Giang đang phải đối mặt với nạn “lâm tặc” lộng hành. Lợi nhuận cao từ chặt phá rừng đã làm người dân bị cuốn vào các vụ phá rừng của "lâm tặc" với công cụ phá rừng là xưa xăng hết sức lợi hại...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN