Cải cách tư pháp - Bài 2: Chuyển biến trong nhận thức pháp luật

Ở mỗi vụ án, các cơ quan tố tụng đều chú trọng phân hóa vai trò của các bị can, bị cáo, nhằm làm rõ mức độ, vai trò hành vi phạm tội, qua đó xác định trách nhiệm hình sự của mỗi người.

Việc phân hóa này sẽ giúp đánh giá hành vi, vai trò của ai cao, ai thấp, trách nhiệm của ai nặng, ai nhẹ... một cách khách quan, công tâm. Đây cũng chính là một bước nhằm chuyển biến vụ án từ phức tạp trở nên đơn giản hơn, rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
Các bị cáo trong vụ án “Giết người” và “Chống người thi hành công vụ” xảy ra tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) nghe tòa tuyên án, chiều 14/9/2020. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Để phân hóa vai trò chính xác, đòi hỏi các cơ quan tố tụng phải nắm bắt rõ bản chất vụ án, diễn biến tâm lý, vai trò thực hiện hành vi phạm tội của từng bị can, bị cáo. Qua đó, bản thân bị can, bị cáo nhận thức rõ hơn mức độ hành vi vi phạm, hậu quả gây ra và trách nhiệm hình sự của bản thân.

Họ nhận thấy sự loanh quanh, chối tội làm phức tạp thêm vụ án, khiến cho hành vi của họ cũng vì thế mà phức tạp theo, giảm cơ hội được xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ hành vi, giảm nhẹ hình phạt. Từ nhận thức này, họ đã chủ động có ý thức hợp tác với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử; thừa nhận hành vi vi phạm, thừa nhận cáo trạng và bản luận tội, thậm chí có trường hợp còn thừa nhận cả mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị là đúng. 

Để đạt được điều này, rõ ràng việc khởi tố, điều tra của cơ quan Công an phải đúng người, đúng tội; cáo trạng và bản luận tội của Viện Kiểm sát phải có sức thuyết phục được các bị cáo, các luật sư; việc xét xử phải được tiến hành một cách công tâm, khách quan. Một người khi đối diện với một lời buộc tội mà người đó phải thừa nhận lời buộc tội đó là đúng chính là sự chuyển biến về mặt nhận thức của cá nhân người đó. Sự chuyển biến này không chỉ có giá trị trong việc đánh giá tình tiết giảm nhẹ cho chính bị cáo mà còn có tác động tích cực đối với các đồng phạm trong vụ án, cũng như có tác dụng cải tạo, giáo dục chung cho xã hội.

Trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án giết người và chống người thi hành công vụ xảy ra tại xã Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), không bị cáo nào kêu oan, các bị cáo đều nhận ra sai phạm, thừa nhận hành vi của mình là vi phạm pháp luật và mong được Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng của pháp luật. Đa số các bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn, hối hận, xin lỗi gia đình ba cán bộ, chiến sĩ Công an đã hy sinh. Sáu bị cáo đề nghị các luật sư không tiếp tục bào chữa cho mình nữa, mong muốn được dừng vụ án ở đây. Điều đáng nói, trước phiên tòa sơ thẩm, cả sáu bị cáo này và gia đình bị cáo đều chủ động mời luật sư bào chữa.

Sau khi cảm ơn các luật sư đã tham gia bảo vệ cho mình, bị cáo Lê Đình Doanh xin được dừng, không cần các luật sư bào chữa cho bị cáo nữa. Bị cáo Doanh xin được hưởng khoan hồng của Nhà nước, được trở về làm công dân có ích cho gia đình và xã hội. Bị cáo Nguyễn Quốc Tiến khẳng định không mời và cũng không cần luật sư bào chữa cho mình. Bị cáo Bùi Thị Đục thừa nhận đã sai và xin các luật sư dừng bào chữa cho bị cáo, bị cáo hứa sau này sẽ không làm việc gì sai với pháp luật, với Đảng, Nhà nước. Hai bị cáo: Đào Thị Kim, Trần Thị Phượng cảm ơn các luật sư đã bào chữa cho mình, bản thân các bị cáo đã nhận rõ tội lỗi của mình và xin các luật sư không tiếp tục bào chữa cho bị cáo nữa…

Trong vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội), nhiều bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của CDC Hà Nội đã thừa nhận hành vi vi phạm. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội) thừa nhận việc chỉ định thầu và thực hiện quy trình đấu thầu không đúng luật. Các bị cáo khác thừa nhận đã làm sai quy trình đấu thầu do bị thúc ép về mặt thời gian, thừa nhận đã thực hiện hành vi sai phạm khi xử lý các tài liệu trong hồ sơ của gói thầu…

Khi nói lời sau cùng tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo này đều bày tỏ sự cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách công tâm, thực hiện tranh tụng dân chủ, công khai theo tinh thần cải cách tư pháp của Nghị quyết số 49-NQ/TW. Qua đó, giúp các bị cáo thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm và ân hận về hành vi của mình.

Việc các bị can, bị cáo tự giác khai nhận và tự nguyện khắc phục hậu quả đã chứng tỏ họ nhận thức được sai phạm của họ, ăn năn, hối cải và có ý thức khắc phục để giảm thiểu hậu quả, giảm trách nhiệm hình sự mà họ phải đối mặt. Sự hợp tác này là kết quả của việc định hướng đấu tranh tội phạm đúng đắn mà các cơ quan tố tụng đã vạch ra. Khởi tố đúng hành vi, truy tố đúng tội danh, điều hành phiên tòa dân chủ, công tâm sẽ dẫn tới việc chuyển hóa trong nhận thức của các bị cáo, giúp họ nhận ra và thực sự có ý thức sửa chữa lỗi lầm - Điều này có giá trị hơn bất cứ bản án trừng phạt nào đối với họ.

Khi các bị can, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi, họ đã đặt niềm tin vào các cơ quan tố tụng, vào đường hướng xử lý hành vi vi phạm. Điều đó đòi hỏi các cơ quan tố tụng cần có cách ứng xử phù hợp đối với niềm tin này, để có thể làm cơ sở đặt nền móng cho những niềm tin trong tương lai.

Bài cuối: Niềm tin và cách ứng xử với niềm tin 

Kim Anh (TTXVN)
Cải cách tư pháp - Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ của các cơ quan tố tụng
Cải cách tư pháp - Bài 1: Bước chuyển mạnh mẽ của các cơ quan tố tụng

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong những năm qua, nền tư pháp nước ta đã có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN