Tình trạng khai thác cát lậu trên sông Krông Pắk đoạn chảy qua địa phận xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) diễn ra ngang nhiên trong một thời gian dài và để lại những hệ lụy khôn lường. Thế nhưng, chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở đây vẫn chưa có biện pháp để giải quyết dứt điểm vấn nạn này.
Vào mùa khô, dòng Krông Pắk cạn gần như trơ đáy. Đây cũng là thời gian hoạt động khai thác cát trái phép rầm rộ nhất. Ngày 18/3, phóng viên đã về xã Vụ Bổn để mục sở thị về vấn nạn “cát tặc” ở đây. Điểm đầu tiên phóng viên thâm nhập là bãi cát của đầu nậu tên Tịnh (trùm cát tặc ở Vụ Bổn) ở thôn Tân Quý.
Tuy chỉ cách trụ sở trụ sở UBND xã Vụ Bổn vài trăm mét nhưng hoạt động khai thác cát trái phép lại diễn ra cả ngày lẫn đêm. Người dân địa phương cho biết, mỏ này đã hoạt động từ vài năm nay và công khai.
Để ăn trộm cát, ông chủ mỏ không hợp pháp này đã đầu tư bè gỗ, 2 máy hút cát, máy múc và thuê 5-6 công nhân. Khi phóng viên quay phim, chụp hình các công nhân vẫn say mê làm việc.
Thời điểm này, có 3 chiếc xe tải đang chờ để lấy cát. Không cần bãi chứa, cát được bơm trực tiếp vào thùng xe. Với hai máy hút hoạt động hết công suất, chỉ 20 phút gần 10 khối cát đã được “móc” lên khỏi dòng sông để đưa đi tiêu thụ. Phương thức khai thác là bơm nước vào bờ cho cát trôi xuống và hút lên xe. “Mỗi ngày điểm này khai thác được vài chục xe tải cát là chuyện bình thường”, một người dân địa phương cho biết.
Tiếp tục men theo dòng Krông Pắk, phóng viên đến điểm khai thác cát lậu của đầu nậu tên Phương ở thôn Phước Quý. Tuy có một bè (bè gỗ thả trên sông để đặt máy hút) nhưng một ngày cũng hút được cả chục xe cát (khoảng 10 khối cát/xe). Với giá bán 500 nghìn đồng/xe, sau khi trừ chi phí đầu nậu này cũng đút túi vài triệu đồng.
“Em làm được gần 3 năm, biết là khai thác trái phép và cũng vài lần bị chính quyền xử phạt nhưng vì miếng cơm manh áo nên nhắm mắt làm liều”, đầu nậu Phương giải thích.
Cũng theo ông Phương, thời điểm này đang là mùa xây dựng nên cát khai thác đến đâu bán hết đến đó. Vì vậy, các đầu nậu đều mua sắm thêm máy móc, thuê thêm nhân công để tận thu “lộc” từ đáy sông. Cát sau khai thác chủ yếu được tiêu thụ trong huyện và các huyện cánh đông của tỉnh như Ea Kar, M’đrắk…
Ở một số bãi cát lậu khác, do thấy động nên đầu nậu cho công nhân tạm lánh, để lại máy móc, vòi rồng nằm chỏng chơ dưới lòng sông. Tuy vậy, dấu vết ở hiện trường cho thấy họ cũng vừa khai thác xong.
Theo phản ánh của người dân, hiện nay, tại xã Vụ Bổn có 6 đầu nậu đang tổ chức khai thác cát trái phép trên sông Krông Pắk. Nếu hoạt động hết công suất mỗi ngày các điểm khai thác cát lậu đã “móc” lên khỏi lòng sông vài trăm, thậm chí cả nghìn khối cát. Cứ khai thác hết điểm này, họ lại san đường, kéo bè đến điểm khác nhưng chẳng thấy ai quản lý, xử phạt.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Pắk đã gây nên những hệ quả tiêu cực. Nó không chỉ làm thất thoát nguồn tài nguyên, thất thu thuế của nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn tàn phá môi trường, đường giao thông...
Việc hút cát vô tội vạ làm biến dạng bờ sông, thay đổi dòng chảy, dẫn đến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Ở hai bên bờ sông Krông Pắk có những điểm sạt lở dài vài chục mét, lấn sâu vào đất sản xuất của người dân, lòng sông là những hố rộng, sâu hoắm.
Người dân nơi đây đã mất đi nhiều đất đai do sạt lở bờ sông. Ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Phước Quý bức xúc: “Dòng sông cung cấp nước tưới cho hàng nghìn héc ta cây cà phê, lúa nước và nước sinh hoạt cho các hộ đồng bào sống ven hai bờ. Thời gian gần đây, họ khai thác cát ồ ạt khiến nước sông lúc nào cũng đục ngầu".
"Năm nay, mới bước vào đầu mùa khô mà sông đã cạn trơ đáy. Lượng nước sót lại chỉ đủ cho mấy ông làm cát, cây trồng khát nước nên mất mùa là cái chắc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền nhưng vẫn không được giải quyết triệt để”, ông Thanh kể lại.
Đặc biệt, lòng sông biến dạng nên mùa mưa nước chảy xiết và dễ xảy ra lũ quét, lũ ống đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân vùng hạ du. Hiện nay, tuyến đường liên xã từ Vụ Bổn đi Ea Kuăng và Ea Kly cũng bị xuống cấp nghiêm trọng do xe chở cát chủ yếu là xe quá tải.
"Cát tặc" ngang nhiên lộng hành cũng làm cho các doanh nghiệp đau đầu. Chẳng hạn, Công ty TNHH Hà Bình được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp phép cho khai thác cát trên đoạn sông dài 20km, trong đó có đoạn chảy qua xã Vụ Bổn.
“Công ty chúng tôi thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ với Nhà nước, có phương án khai thác để bảo đảm môi trường, đầu tư máy móc, xây dựng bến bãi hoàn chỉnh, thế nhưng, chưa khai thác được bao nhiêu thì các đầu nậu cát tặc đã nhảy vào xâu xé lãnh địa, băm nát dòng sông lại còn thách thức, đe dọa”, ông Vũ Văn Luyến, Giám đốc Công ty TNHH Hà Bình bức xúc.
Công ty Hà Bình đã phải gửi đơn kiến nghị cầu cứu các cơ quan chức năng huyện Krông Pắk sớm xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn để bảo đảm quyền lợi của đơn vị, chống thất thu thuế cho Nhà nước…
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Thái, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thừa nhận: Tình trạng khai thác cát trái phép tại xã Vụ Bổn đã diễn ra từ lâu, làm sạt lở bờ sông, hư hỏng đường xá, ảnh hưởng tới đời sống sản xuất của bà con nhân dân.
Ông Thái cũng đưa ra một loạt các lý do biện minh cho việc xử lý chưa đến nơi đến chốn tình trạng này, như: đoạn sông này giáp ranh giữa 2 huyện Krông Pắk và huyện Krông Bông nhưng chưa có sự phối hợp giữa 2 huyện trong công tác kiểm tra, xử lý; lực lượng của Phòng mỏng; các ngành hữu quan của huyện chưa phối hợp nhịp nhàng; cán bộ xã chuyên môn hạn chế nên hiệu quả xử lý chưa cao…
“Tới đây, Phòng sẽ phối hợp với Công an môi trường huyện, thuế vụ và xã Vụ Bổn kiểm tra, xử lý những đầu nậu khai thác cát lậu bằng cách tổ chức tuyên truyền Luật Khoáng sản cho người dân, mời các hộ lên viết cam kết…”, ông Thái cho biết thêm.
Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Krông Pắk đoạn đi qua xã Vụ Bổn diễn ra từ lâu, công khai, rầm rộ gây nhiều bức xúc trong quần chúng nhân dân. Vì vậy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cần có những biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm tình hình này.
Anh Dũng (TTXVN)