'Cát tặc' Phú Thọ không tha cả sông nhỏ

Hiện nay, tình trạng “cát tặc” không chỉ hoành hành tại những con sông lớn của tỉnh Phú Thọ mà còn xâm lấn “móc” trộm cả trên những khúc sông nhỏ tại các huyện miền núi, vùng cao trong tỉnh, khiến dòng chảy gần các con sông hầu như bị tắc nghẽn, lưu lượng nước chảy xuống hạ lưu giảm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của người dân và đặc biệt gây ô nhiễm môi trường nước.


Một địa điểm khai thác cát trái phép tại Phú Thọ.


Theo ghi nhận của phóng viên tại khu vực sông Dân (hay còn gọi là sông Hẹ) chảy qua địa bàn xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn trong tháng 11 vừa qua, cả một khai trường rộng hàng trăm mét vuông nham nhở vết gầu múc với những đống cát mấy chục khối đã tập kết chờ chuyển đi. Cũng tại khu vực này thường xuyên có một máy múc, 2 xe công nông, một máy hút cát thủ công đang hút từng dòng cát vàng lên bãi đã được san lấp ngổn ngang cây cọc, sàng cát... Những chiếc xe công nông chở đầy cát liên tục đi ra khỏi khu vực này. Điều đặc biệt, khu vực khai thác cát trái phép chỉ có một tuyến đường độc đạo, đó là đi qua một khu trang trại chăn nuôi đang xây dựng phía trong.

Phía dưới dòng sông, nguồn nước đục ngầu, nhiều đoạn đã bị các đối tượng khai thác cát san lấp gần kín mặt với hàng ngàn mét khối đất, đá đã được gạt ra để “móc” cát. Đáng chú ý, không chỉ khai thác dưới lòng sông, phía trong bờ, hàng chục mét bờ vỡ do “cát tặc” dùng máy múc khoét cát. Phía dưới là những hầm, hố và vũng nước đỏ ngầu… gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch UBND xã Văn Miếu khẳng định “không có chuyện cát tặc trên địa bàn xã”. Sau khi cung cấp cho ông Chủ tịch xã xem các video và hình ảnh chụp được, thể hiện rõ hoạt động khai thác cát trái phép đang diễn ra, chúng tôi đề nghị lãnh đạo xã cùng ra khai trường bắt quả tang hoạt động này. Nhưng khi tiếp cận khai trường, dù chỉ một thời gian rất ngắn, toàn bộ hoạt động khai thác đã chấm dứt, không còn bất cứ một phương tiện nào hoạt động. Máy múc đã được rút đi, những người có mặt tại khu vực không còn ai.

Để chứng minh là “cát tặc” vừa hoạt động tại khu vực này, chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch xã đi qua khu trại chăn nuôi, chứng kiến khai trường ngổn ngang với đầy vết đào bới, hút cát và vệt bánh xe ngổn ngang. Tận mắt chứng kiến những vệt bánh xe vừa đi qua, chúng tôi đề nghị ông Chủ tịch xã lập biên bản hiện trường và báo cáo lên cấp trên, tuy nhiên đề nghị này đã bị ông Chủ tịch ậm ừ bỏ qua.

Trao đổi việc này với ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn, đơn vị làm công tác quản lý tài nguyên trên địa bàn, nhưng ông Tám lấy lý do chưa được chỉ định phát ngôn nên đã từ chối với thái độ rất thờ ơ trước thông tin nóng này.

Với cung cách quản lý tài nguyên và hoạt động khai thác tài nguyên như ở Văn Miếu - Thanh Sơn, dư luận cho rằng có nhiều vấn đề cần làm rõ.


PV
Bức xúc 'cát tặc' hoành hành trên sông Lô
Bức xúc 'cát tặc' hoành hành trên sông Lô

Bất chấp việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng chức năng, "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoạt động trên sông Lô đoạn qua Phú Thọ, gây thất thoát tài nguyên, làm ảnh hưởng tới dòng chảy, môi trường, xói lở bờ bãi, đê điều...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN